Đó là một phần trong bản ghi nhớ được ký kết giữa Bộ GD-ĐT và Intel về việc triển khai Chương trình Công nghệ thông tin truyền thông cho Giáo dục (ICT for Education) tại Việt Nam diễn ra sáng nay, 8-6 tại Hà Nội.
Các trường được nhận máy tính của Intel lần này thuộc các sở GD-ĐT Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và Thừa Thiên Huế.
Đây là các máy tính thuộc dòng Classmate PC dành riêng cho giáo dục trong trường phổ thông vừa được Intel sản xuất vào tháng 3 vừa qua và dự định thí điểm tại 25 quốc gia trong năm nay, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, Intel còn tài trợ 50 máy tính xách tay cho trường PTTH Trần Đại Nghĩa ở TP Hồ Chí Minh để dạy thí điểm chương trình tin học hiện đại với mỗi học sinh có một máy tính xách tay.
Ông Sean Maloney, Phó Chủ tịch điều hành cấp cao của Tập đoàn Intel kiêm Tổng giám đốc, Nhóm kinh doanh và tiếp thị và Tổng giám đốc phụ trách các hoạt động kinh doanh và tiếp thị của tập đoàn Intel cho biết. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên được tham gia sáng kiến Công nghệ thông tin truyền thông cho Giáo dục của Intel theo tinh thần của chương trình Intel World Ahead.
Ông Sean Maloney nói, ông rất ấn tượng với việc Bộ GD-ĐT Việt Nam đưa môn Tin học vào làm một môn bắt buộc trong các trường phổ thông. Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới có bước đi này. Việc hỗ trợ máy tính chỉ là một họat động trong chuỗi các hợp tác đào tạo về CNTT cho Việt Nam và trong thời gian tới, Intel sẽ tiếp tục có những hỗ trợ khác.
Ông Lê Quán Tần, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT cho biết, trước đó, trong năm 2006, Intel từng triển khai chương trình đào tạo CNTT cho 3.000 giáo viên các trường phổ thông bằng việc cung cấp tài liệu, cử các chuyên gia cao cấp sang Việt Nam giảng dạy cho những giáo viên cốt cán. Sau đó, những giáo viên này sẽ về giảng dạy lại cho 20 giáo viên khác. Tính ra, đến năm 2010, sẽ có 30.000 giáo viên sẽ được đào tạo CNTT theo chương trình này của Intel.
Theo Nhân dân