Thứ năm, 18/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 06/06/2007
Vôi, hóa chất và trang web của cậu sinh viên

Gần một giờ sáng, ông Hai Lẫm (Long Hải, Bà Rịa-Vũng Tàu) vẫn còn dán chặt mắt vào màn hình vi tính của thằng con sinh viên. Lên thành phố thăm con vào buổi chiều tối, sau gần một giờ được con “huấn luyện” cho các “chiêu” để truy cập mạng, ông Lẫm quên luôn chuyện đi thăm chiến hữu ở Sài Gòn, quên luôn chuyện ông… ghét máy vi tính. Và bây giờ, sau gần 4 giờ đồng hồ, ông vẫn liên tục “click”, “click”, rồi… “click”…, miệng lẩm bẩm: “ngon à, ngon à…”.

Sản phẩm “xài được” từ giải Eureka

Màn hình tràn ngập màu xanh lá mạ, cỏ úa. Giao diện rõ ràng. Ông Lẫm cần mẫn ghi ghi chép chép từ trang web. Nghề nuôi tôm của ông, ông nghĩ chẳng tiếp xúc gì nhiều với hóa chất, nên khi thằng con - học công nghệ thông tin đề nghị ông “leo” lên mạng để đọc thông tin về an toàn hóa chất trong nuôi tôm thì ông… bất ngờ.

Biết bao nhiêu năm nuôi tôm, đọc biết bao nhiêu sách dạy nuôi tôm, ông và “đồng nghiệp” ở quê vẫn chẳng để ý đến chuyện “xài” vôi kiểu “cổ truyền” nguy hại biết bao nhiêu.

Trang web của cậu sinh viên Hoàng Lâm Khoa rất bổ ích cho mọi người. Ảnh: HỒ XUNG

Nhưng ông Lẫm không biết rằng trang web mà ông đang mày mò tìm hiểu về hóa chất, lại là “sản phẩm” từ công trình nghiên cứu khoa học của một sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng TPHCM.

Với hơn 2.500 trang tin, website “an toàn hóa chất” có bố cục sơ đồ khá chặt chẽ về các thông tin của cả ngàn loại hóa chất, hàng ngàn văn bản pháp quy từ Luật, chất nguy hại, bức xạ hạt nhân đến các công ước quốc tế về hóa chất. Các tiêu chuẩn Việt Nam về chất thải nguy hại, tiêu chuẩn quốc tế về quản lý môi trường hay những thông tin cụ thể về an toàn hóa chất đều “họp mặt” đầy đủ ở trang web này.

Ở trang tin tức, những thông tin mới về độc chất liên tục được cập nhật. Trang “hỏi - đáp” tổng hợp các câu hỏi thường gặp và trả lời từ các chuyên gia về hóa chất. Trang “tìm kiếm” được xây dựng dựa trên hai phần mềm chuyên dụng Front page và Java script với công cụ tìm kiếm đơn giản, dễ hiểu để một người “a-ma-tơ” như ông Lẫm có thể truy xuất, tìm kiếm thông tin trong toàn bộ website, trong từng phần của website chỉ trong... chớp nhoáng.

Có thể nói, một trang web về chuyên môn rất chuyên nghiệp và ngồn ngộn thông tin. Sau một giờ “lướt” web “an toàn hóa chất”, anh Nguyễn Thiện, Giám đốc một công ty sản xuất bao bì ở Bình Chánh tắc lưỡi, nói: “Trên thế giới, thông tin về an toàn tràn ngập trên mạng thì ngược lại ở Việt Nam, nguồn thông tin an toàn về chất nguy hại hầu như không có sự hướng dẫn nào đi kèm các chất, sản phẩm đặc biệt này…”.

Anh Thiện cho biết, trước nay thông tin về hóa chất chỉ có thể tìm thấy rải rác, tản mạn trong tài liệu của các cơ quan chuyên ngành, hoặc các trang web của nước ngoài. Còn bây giờ, muốn điều gì về hóa chất, cứ việc vào http://chemsafety.environment-safety.com , “made in Viet nam” 100% của một sinh viên ngành Môi trường.

Ý tưởng từ những cánh tay bị bỏng

Trước mặt chúng tôi là một chàng trai vừa tròn 24 tuổi, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, khoa Môi trường – Bảo hộ lao động, chuyên ngành Môi trường: Hoàng Lâm Khoa. Với website “an toàn hóa chất”, dưới sự dẫn dắt của thạc sĩ Trần Minh Hải, Khoa và người bạn “ẵm” gọn giải nhất Eureka sinh viên nghiên cứu khoa học 2007.

Có ánh mắt thông minh sau cặp kính cận, nhưng điều nổi bật ở chàng sinh viên này là vẻ trong sáng và nhiệt tình. Khoa kể, cách đây 3 năm, bọn em nghiên cứu đề tài “Vận hành an toàn trong nuôi tôm”. Trong quá trình thực hiện đề tài, Khoa và các bạn đi thực tế ở Long Thành, Đồng Nai để lấy thông tin cho mảng “An toàn hóa chất trong nuôi tôm”, thì chứng kiến các bác nông dân cứ thản nhiên đổ nước vào vôi dùng để làm sạch hồ, thản nhiên lấy tay xúc vôi và thản nhiên… hít bụi vôi.

Khoa rùng mình khi thấy những cánh tay đầy vết bỏng, và tiềm ẩn những nguy cơ về bênh tật khi hết ngày này đến tháng nọ họ “ăn, ngủ” cùng… vôi. Khoa nói: “Ban đầu, tôi định về làm tờ rơi để phát cho bà con, sau đó, lại định làm CD rồi in đĩa phục vụ miễn phí”. Nhưng về cập nhật lại thông tin, Khoa thấy không chỉ có ở nông thôn, mà ngay trong các thành phố lớn, hóa chất được sử dụng ngày càng nhiều trong sản xuất công nghiệp và rất phổ biến trong tiêu dùng.

Lượng chất thải nguy hại ngày càng nhiều, và tai nạn do hóa chất cũng liên tục xảy ra. Nhưng muốn biết thông tin về hóa chất thì… vô phương vì ở Việt Nam chưa có một website mang tính khoa học và chuyên sâu về chất nguy hại.

Vậy là, với chuyên ngành Môi trường đang theo học, với vốn Anh ngữ… đọc thông viết thạo và “mớ” kiến thức… đủ xài về mạng, Khoa bắt tay vào thiết kế website an toàn hóa chất và đăng ký làm đề tài nghiên cứu khoa học.

Những đêm mất ngủ, những ngày quên ăn, khát vọng nhỏ bé của Khoa thành hiện thực: Một website có mặt trên đời chỉ với một mục tiêu đơn giản là nhằm cho mọi người hiểu rõ về hóa chất và biết cách bảo vệ mình khi tiếp xúc với chất nguy hại để tránh những tổn thương nghiêm trọng. Quan trọng hơn, những hiểu biết về quy định pháp luật về chất thải, hóa chất nguy hại sẽ giúp nhà quản lý kiểm soát chất nguy hại tốt hơn.

Những ngày qua, theo dòng thời sự, cả ngàn lượt người đang truy cập vào website để tìm hiểu thông tin: “Nước tương và các chất độc hại”. Hàng loạt bài viết được dịch từ các nguồn tài liệu uy tín của nước ngoài, các thông tin về chất độc trong thực phẩm đang liên tục cập nhật. Người dân đã có một nguồn thông tin đáng tin cậy để biết, để học.

Nhiều sinh viên khoa Hóa ở các Trường ĐHBK, ĐH Khoa học Tự nhiên gọi điện, gửi thư về website đề nghị cộng tác. Những người nông dân như ông Lẫm cũng bắt đầu “nghiện” web từ những thông tin thiết thực mà Khoa cung cấp.

Hoàng Lâm Khoa, chàng sinh viên ngành Môi trường với ước mơ thuở bé là học môi trường để “chế” ra chất gì đó làm trong các dòng kênh trong thành phố nay đang làm việc tại phòng Nghiên cứu khoa học Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Khoa nói: “Em chọn ở lại trường vì nơi đây có nhiều trang thiết bị, tha hồ… nghiên cứu khoa học”. 

Theo SGGP

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0