|
Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông Trần Đức Lai (phải) cùng ông Nguyễn Xuân Hùng, Công ty Viễn thông quốc tế VTI, đưa ra các đoạn cáp cắt trộm bị thu hồi. Ảnh: T. Nga. |
Trao đổi với báo giới tại TP HCM sáng 5/6, ông Lai cho biết thêm, thế giới hiện có 3 đội tàu chuyên xử lý sự cố đứt cáp trên biển. Thông thường, cáp mất ở lãnh thổ quốc gia nào thì cơ quan chức năng nước đó phải làm các thủ tục để tàu vào sửa. Thời gian khắc phục sự cố kéo dài ít nhất là 45 ngày.
Cũng theo ông Lai, do đăng ký khai thác các tuyến cáp quang thế giới, Việt Nam có thể được các đội tàu chuyên dụng ưu tiên sửa trước. Tuy nhiên, đây là lần đầu Việt Nam gặp sự cố này nên cơ quan chức năng trong nước lúng túng khi giải quyết thủ tục hành chính để đội tàu tiếp cận, xử lý.
"Quy trình chưa được trơn tru nên quá trình giải quyết thủ tục lâu", ông Lai nói. "Đến nay, đội tàu đã kiểm tra và thu thập thông tin về sự cố, báo với cơ quan chủ quản của họ. Nhưng vẫn chưa có thông tin chính thức bao giờ tàu quay lại sửa chữa".
Liên quan đến việc quản lý và xử lý sự cố có Bộ Bưu chính Viễn thông, lực lượng bộ đội biên phòng, công an và chính quyền các tỉnh có vùng biển đường cáp đi qua. Thứ tưởng Lai thừa nhận: "Do nhiều việc, không để ý nên việc trao đổi giữa các bộ, ngành liên quan đến sự cố bị chậm trễ. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm".
Xử lý nghiêm người vi phạm khi đủ chứng cứ
Các đơn vị chức năng xác định, hiện có trên 11 km cáp quang biển bị mất, thuộc hệ thống TVH, do Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông cùng một đơn vị của Thái Lan và một đơn vị của Hong Kong đầu tư. TVH bắt đầu được khai thác từ năm 2005, có điểm cập bờ ở Vũng Tàu, dung lượng 560 Mbps, kết nối đi hơn 30 hướng trên thế giới. Giá 1 km cáp quang vào thời điểm xây dựng hệ thống TVH là 14.000 USD.
Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, lãnh đạo Công ty VTI, sự cố mất tín hiệu từ tuyến cáp TVH được phát hiện lần đầu vào ngày 24/3. Ngày 27/3, VTI có công văn gửi Bộ đội biên phòng, hải quân và các ngành liên quan phối hợp, ngăn chặn tình trạng cắt trộm cáp. Tuy nhiên, những đơn vị này khó xác định tiếp những nơi bị mất cáp, do tín hiệu liên lạc từ hệ thống bị ngắt. "Khi cáp đứt rồi thì bị mất thoải mái, vì không xác định được bị cắt ở những đâu nữa", ông Hùng phản ánh.
Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông nhận định, sự cố mất cáp xảy ra là do nhận thức hạn chế của một số ngư dân về tầm quan trọng của cáp quang biển. Người dân bán 1 kg cáp giá 10.000-15.000 đồng, thậm chí chỉ 2.000 đồng.
"Sự hiểu biết của bà con quá hạn chế. Họ không phân biệt đâu là cáp đồng, đâu là cáp quang, cáp đã sử dụng hoặc đang sử dụng. Họ nghĩ bán được tiền thì lấy", ông Lai nói. "Các tỉnh có vùng biển đường cáp đi qua đã chỉ đạo lực lượng liên quan tiến hành điều tra sự cố. Khi cơ quan chức năng xác định đủ chứng cứ, người vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo luật định".
Cũng theo ông Lai, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân đã và đang tăng cường, thông qua phương tiện thông tin đại chúng. Tờ rơi được phát đến từng hộ ngư dân của những địa phương ven biển và chính quyền các địa phương cũng yêu cầu chủ tàu cam kết không xâm phạm đến hệ thống cáp. Tổng công ty Viễn thông hàng hải cũng có những thông tin cảnh báo, phát hai ngày một lần.
Nhiều nhà cung cấp dịch vụ Internet trong nước đang phải mua lưu lượng của các tuyến quốc tế khác, trong thời gian bị đứt TVH. Hiện đường truyền viễn thông của Việt Nam đi các nước qua cáp quang biển tập trung chủ yếu vào hệ thống SMW-3 dung lượng 10 Gbps.
Theo Vnexpress