Thứ tư, 31/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 05/06/2007
Lâm Đồng: Một ngày, hai sự kiện CNTT

Ngày 1/6/2007, tại Đà Lạt, Lâm Đồng có 2 sự kiện CNTT-TT đáng ghi nhận: Hội thảo “Ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng phục vụ hội nhập” và hội nghị “Trao đổi kinh nghiệm giữa các sở BCVT các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và phía Nam”.

CNTT ngày càng mở rộng thị trường

Ông Nguyễn Đình Đỉnh, phó giám đốc sở BCVT tỉnh Lâm Đồng.

Sáng ngày 1/6/2007 đã diễn ra hội thảo “Ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng phục vụ hội nhập” do sở BCVT Lâm Đồng và sở BCVT TP.HCM tổ chức dưới sự bảo trợ của bộ BCVT, Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) và UBND tỉnh Lâm Đồng. Hội thảo quy tụ trên 200 đại biểu, gồm các doanh nghiệp (DN) ứng dụng CNTT-TT trên địa bàn tỉnh; một số nhà cung cấp; đại diện các sở, ban ngành địa phương; các cơ quan quản lý nhà nước về CNTT-TT các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và phía Nam, hội Tin Học Việt Nam... Hội thảo là một trong những hoạt động của đề án hỗ trợ DN ứng dụng CNTT-TT phục vụ hội nhập và phát triển giai đoạn 2005 – 2010 thuộc đề án 191.

Ông Nguyễn Đình Đỉnh, phó giám đốc sở BCVT tỉnh Lâm Đồng báo cáo về thực trạng ứng dụng CNTT tại tỉnh Lâm Đồng. Mọi người nhận thấy một thị trường CNTT-TT đã bắt đầu phát triển tại tỉnh Lâm Đồng. Toàn tỉnh hiện có 103 DN CNTT-TT, trong đó có 97 công ty lắp ráp và cung cấp máy tính cùng phụ tùng, 6 DN chuẩn bị phát triển phần mềm và cung cấp dịch vụ CNTT-TT. Trên 60% DN tại Lâm Đồng đã ít nhiều ứng dụng CNTT-TT vào hoạt động sản xuất – kinh doanh. Hạ tầng CNTT-TT tỉnh Lâm Đồng được đánh giá là rất hiện đại và đồng bộ với cáp quang đã về tới tất cả các cụm xã; 6/6 DN khai thác thông tin di động đã phủ sóng toàn tỉnh.

Về điện thoại, toàn tỉnh Lâm Đồng đã có 445.657 máy di động; 158.310 máy cố định. Cả tỉnh có 9.441 thuê bao Internet, trong đó có 3.799 ADSL (tập trung nhiều nhất ở TP.Đà Lạt). Tỉnh Lâm Đồng đang phấn đấu đạt tỷ lệ 40 - 50% DN có website; 4 - 6 DN có khả năng gia công, phát triển phần mềm và cung cấp dịch vụ CNTT-TT. Tỉnh Lâm Đồng sẽ hoàn thiện thêm một số cơ chế - chính sách nhằm thu hút nhân tài. Lâm Đồng đang có một số dự án như đào tạo về thương mại điện tử, đào tạo nhân lực để phát triển tin học hoá…

Cũng tại hội thảo, với vai trò “đồng tổ chức”, ông Lê Mạnh Hà, giám đốc sở BCVT TP.HCM đã trình bày chủ đề “Ứng dụng CNTT-TT trong doanh nghiệp – vai trò của cơ quan quản lý nhà nước”, đưa ra một số ý tưởng được người nghe hoan nghênh. Theo ông Hà, CNTT là công cụ hữu hiệu nhất để giải quyết nhu cầu của các DN. Nhà Nước phải phục vụ và hỗ trợ DN.

Ông Lê Mạnh Hà, giám đốc sở BCVT TP.HCM.

“Nhà Nước phải xây dựng chính phủ điện tử. Nhà Nước cũng phải là người ứng dụng CNTT-TT. Cơ quan quản lý nhà nước có máy tính để làm việc và liên lạc với các tổ chức - DN, thì DN cũng phải có máy tính để làm việc và liên lạc với cơ quan quản lý nhà nước, tựa như việc cơ quan quản lý nhà nước có điện thoại để làm việc và liên lạc với các cơ quan, tổ chức, DN… thì để liên lạc dễ dàng với DN, tổ chức và cơ quan nhà nước, DN cũng phải tự trang bị điện thoại vậy…”. Ông Hà cho biết: TP.HCM đã có 55% DN đăng ký thành lập qua mạng; trên 1.132 DN trả lời các câu hỏi của DN qua mạng; hơn 30 sở, ngành có websites cung cấp thông tin của ngành; 16 quận, 1 sở, 1 ngành đã cung cấp thông tin thường xuyên lên mạng; hơn 2.000 DN giới thiệu hơn 3.000 sản phẩm trên website thương mại điện tử của TP.HCM. Nhiều chỉ tiêu về số điện thoại, điện thoại di động và thuê bao Internet (quy đổi) của TP.HCM cao hơn số dân…

Doanh nghiệp ứng dụng chưa đủ thời gian để hỏi

Ông Trần Đức Thông, chuyên gia Microsoft nói về giải pháp Dynamics tích hợp với bộ phần mềm Office của Microsoft phục vụ quản lý, điều hành kinh doanh cho các DN; ông Trần Trọng Nghĩa, giám đốc trung tâm dịch vụ ERP của FPT giới thiệu các giải pháp hoạch định nguồn lực DN đã và đang được triển khai cho các DN của FPT; ông Hà Thân, giám đốc công ty cổ phần Tin Học Lạc Việt nói về AccNetERP2004, “giải pháp lớn với chi phí nhỏ” dành cho các DN đã triển khai thành công tại hàng trăm DN…

Đối tượng chính của hội thảo là các DN ứng dụng lại không còn nhiều thời gian để hỏi và được nghe giải đáp từ các chuyên gia. Chỉ có 2 DN đủ thời gian đặt câu hỏi. Một DN kinh doanh thực phẩm tại địa phương hỏi về “nơi cung cấp máy tính và phần mềm tin cậy”. Các chuyên gia đã không trả lời được câu hỏi này một cách cụ thể, tuy nhiên một chuyên gia khuyến cáo DN sử dụng Niên Giám CNTT-TT Việt Nam để tìm nhà cung cấp tốt nhất. Đại diện công ty cấp thoát nước tỉnh Lâm Đồng hỏi về bản quyền phần mềm và kiến nghị giúp DN thoát khỏi tình trạng cứ phải nộp báo cáo cho nhiều cơ quan quản lý nhà nước khác nhau gây tổn thất lớn về mặt thời gian trong khi nếu thông tin tập trung thì họ chỉ phải nộp báo cáo một lần…

Tuy chưa đủ thời gian để giải đáp những thắc mắc từ các DN ứng dụng và những giải đáp đã có chưa đủ làm người hỏi hài lòng, hội thảo đã có thể xem như thành công vì quy tụ được số lượng đông đảo đại biểu là đại diện các DN ứng dụng CNTT-TT tại địa phương (họ rất chăm chú theo dõi các giải pháp do các nhà cung cấp trình bày). Qua hội thảo, các nhà cung cấp có thể tin tưởng hơn vào thị trường CNTT-TT đang lên của tỉnh Lâm Đồng, nhất là khi chính DN rất quan tâm tới ứng dụng CNTT nói chung, tình trạng bản quyền trong ứng dụng phần mềm nói riêng. Hội thảo là dịp để cơ quan quản lý chuyên ngành, VCCI, các hiệp hội có những kết luận và biện pháp hỗ trợ DN.

Lễ ký thoả thuận hợp tác giữa VCCI và sở BCVT Lâm Đồng, Ninh Thuận.

Trong khuôn khổ hội thảo, VCCI đã ký thoả thuận hợp tác với sở BCVT tỉnh Lâm Đồng và sở BCVT tỉnh Ninh Thuận, động thái thực hiện và phát triển đề án 191. Nội dung hợp tác bao gồm hợp tác điều tra, nghiên cứu về nhu cầu, thực trạng và khả năng ứng dụng CNTT của các DN trên địa bàn 2 tỉnh nói trên; tổ chức các hội thảo, triển lãm, diễn đàn để tuyên truyền, giới thiệu và trao đổi nhằm phát triển và ứng dụng CNTT trong DN trên địa bàn tỉnh; phối hợp đào tạo; triển khai công tác tư vấn; xây dựng, quản lý và phát triển hệ thống thông tin kinh tế và giao dịch thương mại điện tử cho các DN. Ngoài ra còn có việc thu thập, tổng hợp các ý kiến đóng góp của DN để kiến nghị lên UBND tỉnh và Chính Phủ ban hành các chế độ, chính sách giúp đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong DN; lập các báo cáo thống kê và đánh giá tình hình ứng dụng CNTT của DN trên địa bàn…

Mối bận tâm của các sở BCVT

Chiều ngày 1/6/2007, hội nghị “Trao đổi kinh nghiệm các sở BCVT các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và phía Nam” được tổ chức nhằm trao đổi, giới thiệu kinh nghiệm giữa những người đồng nhiệm ở 28 tỉnh thành phía Nam trong triển khai ứng dụng CNTT vào hoạt động của các cơ quan nhà nước. Ông Lê Văn Bích, giám đốc sở BCVT Long An cho biết: “Thị xã Tân An đã triển khai phần mềm quản lý hành chính công theo mô hình một cửa và dự kiến triển khai ở tất cả các huyện còn lại”. Giới thiệu chi tiết hơn với phóng viên tạp chí Thế Giới Vi Tính - PC World Vietnam, ông Bích cho biết, giải pháp đã được ứng dụng ở Tân An là làm theo giải pháp đã được ứng dụng thành công ở cấp quận, huyện tại TP.HCM. Tuy nhiên, một số phân hệ phần mềm ít được sử dụng đã được lược bỏ nhằm dành kinh phí cho các phân hệ có nhu cầu hơn.

Đại diện các sở BCVT Bình Thuận, Bình Dương, Cà Mau trong phần phát biểu của mình đề nghị TP.HCM nên mua đứt các giải pháp tin học hoá hành chính công của FPT rồi chuyển giao cho các địa phương còn lại để tiết kiệm kinh phí đầu tư phần mềm. Ông Lê Mạnh Hà cho rằng việc mua giải pháp nên được thực hiện từ cấp bộ, do cơ quan quản lý nhà nước đúng chuyên ngành có tư vấn bởi bộ BCVT đề xuất (ví dụ, bộ Công An với tư vấn từ bộ BCVT sẽ là nơi mua tập trung phần mềm quản lý hộ tịch…, cung cấp cho các địa phương…). Đại diện các sở BCVT cũng bày tỏ lúng túng trước tình hình mới, khi mà đề án 112 đã được Thủ Tướng Chính Phủ cho dừng lại mà chương trình xây dựng chính phủ điện tử thì chưa được ban hành…

Hội nghị có một số kiến nghị, tập trung vào 2 nội dung chính: thực hiện nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính Phủ về việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước (kiến nghị bộ BCVT nhanh chóng có thông tư hướng dẫn thực hiện) và chương trình “Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước” (đã qua 6 dự thảo nhưng chưa được ban hành). Đại diện các sở BCVT miền Trung, Tây Nguyên và phía Nam mong muốn bộ BCVT có những hướng dẫn chi tiết và sớm ban hành chương trình hành động để định hướng và thực hiện nhiệm vụ của mình từ nay đến năm 2010.

Theo Pcworld

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0