- Quỹ giải pháp mở VNOSF có phải là một sự kết nối giữa các nhu cầu sử dụng và phát triển phần mềm mở nhằm tránh lãng phí nguồn tài nguyên trong ngành công nghệ thông tin-truyền thông?
- Hiện nay, cộng đồng công nghệ thông tin-truyền thông (CNTT-TT) của Việt Nam bao gồm các tập thể và cá nhân đang tham gia ứng dụng và phát triển CNTT-TT thuộc ba nhóm. Thứ nhất là các sinh viên, nhà khoa học, giảng viên trong các trường viện hoạt động chủ yếu trực tuyến trên mạng Internet được gắn bó với nhau bằng sự quan tâm, cũng như nhu cầu và sở thích chung. Hoạt động của nhóm chủ yếu là trao đổi, tìm hiểu thông tin, phục vụ học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ và giải trí. Nhóm này có nhu cầu được giao tiếp với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các cơ quan, tổ chức, đây là nơi sẽ tuyển dụng, thu nhận họ vào làm việc trong tương lai.
Thứ hai là các doanh nghiệp CNTT. Tuy doanh nghiệp đã thành lập được một số hội, Hiệp hội ngành nghề như Hội Tin học, Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử… nhưng hoạt động của các hội doanh nghiệp này chủ yếu để trao đổi thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Trong khi đó, nhóm này đang có nhu cầu rất lớn về thông tin tuyển dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trẻ, tài năng, có triển vọng, biết làm chủ công nghệ mới nhưng chưa được đáp ứng. Các doanh nghiệp cũng đang cần liên kết, tìm kiếm khách hàng, nhận các hợp đồng gia công, mua bán sản phẩm và dịch vụ.
Thứ ba là các chuyên gia tư vấn, các cán bộ kỹ thuật, chuyên môn và lãnh đạo CNTT đang làm công tác triển khai ứng dụng, hoạch định chính sách, lập kế hoạch phát triển CNTT cho ngành, đơn vị của mình. Họ có ảnh hưởng lớn đến quá trình ra quyết định mua sắm các sản phẩm và dịch vụ CNTT trong lựa chọn và triển khai công nghệ mới, tạo ra động lực phát triển thị trường.
Tuy nhiên, do còn hạn chế về thông tin, về hiểu biết về công nghệ, sản phẩm dịch vụ nên trong một số trường hợp, các ý kiến tham mưu, các quyết định mua sắm sản phẩm và triển khai giải pháp CNTT-TT của họ chưa đạt hiệu quả mong muốn. Vì vậy nhóm này đang có nhu cầu về đào tạo, nâng cao trình độ, cung cấp kịp thời các thông tin khách quan về giải pháp, sản phẩm và dịch vụ CNTT-TT, nhất là trong trường hợp điển hình mang lại hiệu quả cao hay thậm chí bài học thất bại trong ứng dụng.
Quỹ VNOSF ra đời sẽ kết nối các nhu cầu của ba nhóm, tránh tình trạng lãng phí chất xám không đáng có đang xảy ra hiện nay.
- Như vậy có thể hiểu đây là quỹ không liên quan đến tiền, mà là quỹ tập hợp các sản phẩm và ý tưởng công nghệ phần mềm mở đúng không?
- Đúng vậy. Trước những nhu cầu trên, việc tập hợp các cá nhân và tập thể có khả năng và nguyện vọng đóng góp một phần tài sản trí tuệ của mình cho sự phát triển CNTT-TT của nước nhà là rất cần thiết. Quỹ được đóng góp theo tiêu chí là tự nguyện, phi vụ lợi, tự liên kết để làm cầu nối, chia sẻ lợi ích với nhau và với cộng đồng.
Quỹ VNOSF tuy mới bắt đầu hoạt động tại Việt Nam, nhưng đã hoạt động rất thành công tại nhiều quốc gia khác trên thế giới và mang tính khả thi cao, do đây là quỹ tài sản trí tuệ, không phải vật chất hay tiền bạc, vì vậy khi khai thác sử dụng quỹ VNOSF sẽ không bao giờ cạn mà lại còn luôn luôn được làm giàu thêm.
VNOSF ra đời sẽ đáp ứng được nhu cầu đã và đang xuất hiện tại Việt Nam là quyền đóng góp, chia sẻ một phần tài sản trí tuệ của mình, đồng thời các thành viên tham gia đóng góp cho quỹ cũng có quyền được hưởng các lợi ích chính đáng từ những hoạt động đóng góp này. Có thể hiểu đơn giản, một phần mềm mã nguồn mở có thể được đưa vào quỹ quản lý và các nơi có nhu cầu có thể sử dụng miễn phí phần mềm này để mở rộng phần mềm phục vụ theo yêu cầu của đơn vị mình.
Như vậy, những thành công, thất bại trong việc viết phần mềm mở này được rút kinh nghiệm, những người sử dụng cần phần mềm này không phải mất thời gian và tiền bạc mày mò lại từ đầu. Ngoài ra, việc thành lập quỹ còn có lợi cho các sinh viên, học sinh, giảng viên và kiến trúc sư phát triển phần mềm trong các công ty tin học, đặc biệt là các công ty phần mềm mới thành lập.
- Thưa ông, quỹ VNOSF này sẽ hoạt động theo cơ chế như thế nào?
- Quỹ VNOSF là một tổ chức được hình thành và hoạt động theo khuôn khổ pháp luật của Việt Nam, quỹ hoạt động theo hình thức tự nguyện, tự trang trải kinh phí, không vì lợi nhuận, với mục đích tập hợp các cá nhân và tập thể người Việt Nam có cùng nguyện vọng, sở thích và khả năng đóng góp một phần tài sản trí tuệ do mình tạo vào kho tài sản trí tuệ để chia sẻ dùng chung cho cộng đồng.
Thông qua hoạt động của quỹ, các thành viên sẽ có cơ hội nâng cao nhận thức và kỹ năng, kiến thức chuyên môn và trình độ công nghệ về CNTT, phát triển và ứng dụng phần mềm. Quỹ còn là nơi đóng góp, chia sẻ thông tin tri thức giữa các thành viên, thông qua các buổi họp, cemina, tập huấn trao đổi kinh nghiệm, đưa tin trên website, forum, Email, blog, wiki và các công cụ trực tuyến khác trên Internet.
Theo Nhân dân