Tiền thật trong thế giới ảo!
Suốt tháng 4 vừa qua, thị trường game online dường như đã được hâm nóng với giải thi đấu “Thiên Hạ Đệ Nhất Bang” của trò chơi trực tuyến Võ Lâm Truyền Kỳ. Mặc cho tấm lòng rất chân tình của nhà cung cấp game khi tổ chức giải đấu này và những ý nghĩa nhân văn mà cuộc thi mang lại thì đứng trong lòng thế giới giải trí trực tuyến, giải đấu cũng không thể tránh khỏi những hệ lụy tất yếu của thị trường: Đó chính là những trao đổi ngoài game.
Giải thi đấu “Thiên Hạ Đệ Nhất Bang” có thể được xem là một cuộc chơi lớn trên phạm vi cả nước cho toàn bộ các game thủ của game Võ Lâm Truyền Kỳ. Với vị trí dẫn đầu về số lượng người chơi và tầm phủ sóng cùng với một cộng đồng game thủ cực kỳ lớn mạnh của trò chơi này đã khiến một cuộc thi đấu mang tính chất ảo nhưng lại chất chứa những khát vọng rất thật: Khát vọng chiến thắng và khát vọng thể hiện bản thân của những người trẻ.
Nếu có mặt trong buổi Lễ Bốc thăm chia bảng cho vòng hai của giải thi đấu Thiên Hạ Đệ Nhất Bang tại khách sạn Continental ngày 5/5/2007 vừa qua, hẳn người đọc sẽ dễ dàng cảm nhận được không khí hào hứng và sôi nổi nơi đây. Có thể bắt gặp những vị khách mời với áo vét đen, tay xách cặp da đi giày bóng lộn, nếu nhầm tưởng có thể tưởng như đây là… một giám đốc đến tham dự hội nghị khách hàng cấp cao. Cũng không thiếu những vị khách với một phong cách rất… ra dáng một “bang chủ võ lâm” – người lãnh đạp nhóm được tín nhiệm và là một nhà mưu lược tài ba cho bang hội của mình.
Suốt trong buổi bốc thăm chia bảng, ngoài việc trao đổi trực tiếp với đại diện Công ty VinaGame – đơn vị tổ chức cuộc thi, các bang chủ đại diện các bang hội tay luôn cầm điện thoại nói chuyện với bên ngoài. Không khí nóng rực và luôn căng thẳng như một… buổi giao dịch chứng khoán. Có đứng trong bầu không khí này chúng ta mới có thể cảm nhận được sức hút mãnh liệt của thế giới ảo trong Võ Lâm Truyền Kỳ và cảm nhận được lòng nhiệt thành của game thủ khi họ đến với một cuộc thi có thể đáp lại lòng mong mỏi “làm nên chuyện” của họ như thế.
Tại sao một buổi họp báo rút thăm của một trò chơi trực tuyến lại có thể thu hút số lượng đông đảo khách hàng với đủ thành phần như vậy. Với những người ít chơi game trực tuyến, điều này có thể rất kỳ lạ và khó hiểu, nhưng phải đến tận nơi xem những biểu hiện và phản ứng của game thủ chúng ta mới có thể thấy được mức độ yêu mến mà game thủ dành cho Võ Lâm Truyền Kỳ đến thế nào.
Là một trong những game trực tuyến ra đời sớm nhất tại Việt Nam, Võ Lâm Truyền Kỳ không chỉ xây dựng cho mình một cộng đồng game thủ đông đảo và khó mà phủ nhận được sức mạnh gắn kết tình cảm giữa người và người mà chỉ có tham gia vào cuộc, người ta mới thấm nhuần hết cái tình của một cộng đồng game là như thế nào.
Tuy nhiên, có một điều mà nhà cung cấp hoàn toàn không ủng hộ và không hề mong muốn, đó chính là việc trao đổi vật phẩm ngoài game giữa những người chơi với nhau bằng tiền thật. Đứng ở góc độ nào đó, có thể thấy rằng đây là những quan hệ trao đổi hoàn toàn mang tính chất cá nhân: Anh có nhu cầu - Tôi có thể cung cấp – Vậy thì trao đổi cho nhau! Một việc hoàn toàn hợp pháp.
Tuy nhiên, vì vật phẩm trong game – thế giới ảo – cũng đồng nghĩa với giá trị ảo mà thôi. Chúng ta chưa có quy định cụ thể về giá trị vật phẩm ảo và việc trao đổi này hoàn toàn chưa được phép. Nên vô tình các game thủ đã đưa mình vào thế… phạm luật. Từ đó, cả nhà cung cấp game lẫn game thủ đều phải đối mặt với những tình huống “dở khóc dở cười”. Ngay nhà cung cấp game, tuy vô can với những trao đổi mang tính chất cá nhân này, cũng bị đem ra… “mổ xẻ” và chịu nhiều tổn thất về cả tinh thần lẫn lợi ích kinh tế.
Thực tế cho thấy, không thiếu những game thủ vì quá mong muốn nhanh chóng thăng cấp và được trang bị những vật phẩm quý giá cho nhân vật của mình nhưng lại không muốn mất nhiều thời gian để luyện cấp như những game thủ bình thường khác. Và họ đã chọn con đường dùng tiền thật để trao đổi với người có thể đáp ứng nhu cầu đó của mình.
Thông qua cuộc trao đổi ngắn với một số game thủ kỳ cựu, việc những món đồ có giá trị ảo nhưng giá có thể lên đến hàng chục triệu đồng tiền mặt được mua đi bán lại trong thế giới thật là chuyện rất bình thường. Có những khách hàng ở nước ngoài tuy chỉ tham gia vào trò chơi vài tháng nhưng số tiền họ bỏ ra để trang bị cho nhân vật đã lên đến gần tám con số. Toàn bộ số tiền lưu chuyển trong thế giới online đã vượt ra ngoài mức tưởng tượng của nhiều người. Số tiền này đi về đâu? Hãy cùng nghe ý kiến của nhà cung cấp.
Nhà cung cấp nói gì?
Trao đổi với ông Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Tiếp thị Cấp cao của VinaGame – đơn vị phát hành độc quyền game Võ Lâm Truyền Kỳ tại Việt Nam – đồng thời cũng là một game thủ, ông chia sẻ: “Thực tế thì Công ty chúng tôi hoàn toàn không thu được lợi nhuận gì từ việc trao đổi này, vì tất cả những giao dịch ngoài game hầu hết đều là những giao dịch cá nhân. Cơ cấu kinh doanh mà VinaGame đang vận hành cho trò chơi VLTK là thu phí giờ chơi của game thủ với mức 60.000 đồng/tháng/tài khoản.
Đồng thời, khi cung cấp game Võ Lâm Truyền Kỳ, chúng tôi xác định VinaGame không ủng hộ việc trao đổi và mua bán vật phẩm trong game bằng tiền mặt dưới bất kỳ hình thức nào và chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm về những hành vi mua bán đó (nếu có). Chúng tôi quản lý trong game, nhưng khi ra ngoài xã hội, tất cả các game thủ đều có quyền tự do của họ và họ gặp gỡ, trao đổi hay mua bán với ai là điều mà chúng tôi không thể và không có quyền kiểm soát. Vấn đề quan trọng nằm ở ý thức của người chơi.
Nếu họ xác định đây chỉ là một hình thức giải trí để thư giãn khi đầu óc căng thẳng thì họ sẽ không phải nhọc công bỏ ra một số tiền lớn để mua lấy những vật phẩm ảo trong game. Nếu họ xác định đây là thị trường nơi họ có thể khai thác để sinh lợi thì quả thật chúng tôi khó lòng kiểm soát được hoạt động bên ngoài xã hội của họ”.
Có thể thấy, game trực tuyến Võ Lâm Truyền Kỳ đã vượt qua khỏi giới hạn của một trò chơi giải trí đơn thuần. Chứa đựng trong nó là một thế giới rất phong phú đa dạng, nơi mà tính cách con người, quan điểm về hành động đều được bộc lộ qua các nhân vật trong game. Một game thủ rất có tiếng trong Võ Lâm Truyền Kỳ với biệt danh “Nhiếp Phong” cho biết, chỉ cần nhìn hành động trong game của một nhân vật bất kỳ là anh có thể đánh giá được tính cách và tuổi tác của người chơi.
Rất nhiều game thủ tham gia game đơn thuần chỉ vì “anh em trong đó đông quá, tình nghĩa cũng nhiều, nghỉ họ lại kêu và mình cũng nhớ họ…”. Ngay trong buổi Lễ Bốc thăm chia bảng cho giải đấu Thiên Hạ Đệ Nhất Bang, không ít game thủ đã tỏ thái độ hết sức chăm chú và quan tâm thực sự. Nếu theo dõi những câu chuyện họ trao đổi với nhau, chắc hẳn người đọc sẽ tự hỏi không biết nếu đó là những vấn đề thiết thân trong cuộc sống hàng ngày họ có quan tâm đến mức như vậy không.
Sở dĩ họ dành sự quan tâm cho “Thiên Hạ Đệ Nhất Bang” là bởi đây là giải đấu được các game thủ mong chờ nhất. Họ thật sự thích cuộc thi này bởi đây không chỉ là sân chơi mới cho cộng đồng game thủ với những hoạt động thi đấu lành mạnh và nghiêm túc, đòi hỏi sự nỗ lực của không chỉ một cá nhân mà của cả một bang hội; mà qua đó, tinh thần đồng đội và khả năng làm việc đội nhóm sẽ có dịp phát huy và được đề cao.
Thông qua giải đấu này, họ có thể chứng tỏ rằng mình cũng đã góp phần xây dựng nên một cộng đồng luôn gắn kết những người chơi game có cùng chí hướng, biết đoàn kết và tương trợ lẫn nhau, biết phát huy nội lực của bang hội để cùng đi tới thành công, không chỉ trong thế giới giải trí mà trong cả cuộc sống thực. Đồng thời đây cũng là dịp để mỗi thành viên trong mỗi bang hội sẽ thấy gắn bó hơn và yêu mến hơn cộng đồng của mình.
Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Và thế giới ảo vẫn luôn tồn đồng hành với những vui buồn trong thế giới giải trí của con người. Song song đó, cuộc cạnh tranh ngầm với những cuộc giao dịch và những “chiêu bài” nhằm hạ gục đối phương vẫn là câu chuyện dài không có hồi kết. Chỉ có những con người có một cuộc sống bên ngoài cuộc sống, với những vui buồn và trăn trở cho nhân vật của mình, sẽ tiếp tục đi tiếp trên con đường dài vô tận với đủ cung bậc và sắc màu của thế giới thứ hai – một thế giới rất thật xây dựng trên nền của những giá trị ảo…
Theo Thanh niên