Lẽ ra, sẽ còn tốt hơn nữa, nếu Chính phủ có đối sách đàm phán với tư cách đại diện của thị trường 84 triệu dân
Vai trò người tiêu dùng lớn
Cái bắt tay của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và ông Steve Ballmer, tổng giám đốc công ty Microsoft hôm 21-5 đánh dấu sự hợp tác chiến lược giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam và lãnh đạo công ty phần mềm lớn nhất thế giới đã chứng kiến lễ ký thoả thuận hợp tác giữa Microsoft và Chính phủ do Bộ Bưu chính viễn thông làm đại diện.
Theo đó, Chính phủ sẽ mua bản quyền sử dụng phần mềm Office cho toàn bộ hệ thống máy tính trong cơ quan Chính phủ trực thuộc Trung ương và địa phương mà như tính toán của các chuyên gia, khoảng 300.000 máy tính được cài đặt phần mềm có bản quyền.
Đối với Chính phủ Việt Nam, việc bắt tay Microsoft mang nhiều ý nghĩa. Trong vai trò nhà tiêu dùng lớn, Chính phủ đã "làm gương" đi đầu trong việc sử dụng phần mềm có bản quyền. Điều này, với một thành viên mới của WTO như Việt Nam, là một lời cam kết thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Dĩ nhiên, người điều hành hãng Microsoft không bỏ lỡ cơ hội tán dương động thái của Chính phủ Việt Nam "không chỉ bảo đảm mọi lợi ích cho khối nhà nước trong việc sử dụng phần mềm có bản quyền", mà không quên khuyến khích các nước chưa thể hiện rõ mong muốn thực thi bảo vệ bản quyền phần mềm hãy noi gương Việt Nam.
Việc làm của Chính phủ cũng có tác động lớn đến các nhà làm phần mềm trong nước. Một chuyên gia công nghệ thông tin nhận xét: "Người làm công nghệ thông tin bao giờ cũng muốn phần mềm được bảo vệ. Trước đây, các nhà sản xuất phần mềm chẳng muốn làm vì không được bảo vệ, thì nay, họ có thể cảm thấy an tâm hơn".
Ông Võ Thành Cương, phó tổng giám đốc công ty phần mềm IACP nhận xét: “Dù tốn nhiều tiền nhưng đó là việc làm chính đáng của Chính phủ thời hội nhập toàn cầu. Có thể Chính phủ bỏ ra nhiều tỉ đồng để mua bản quyền phần mềm nhưng giá trị thu lại cho đất nước lớn gấp mấy lần số tiền đã chi”.
Dù không bên nào công bố giá trị hợp đồng, nhưng theo tính toán của các chuyên gia, giấy phép sử dụng bản quyền phần mềm cho 2 triệu cán bộ, công nhân viên chức của khối cơ quan Chính phủ, dù đã được miễn giảm, cũng trên 1 tỉ USD. Chỉ riêng giá trị bản hợp đồng cung cấp phần mềm cho 6.000 máy tính thuộc Ngân hàng Đầu tư phát triển dưới sự chứng kiến của Steve Ballmer chiều 21.5, theo một nguồn tin nước ngoài, ước trên 3 triệu USD.
Và có khôn ngoan?
Tôi cho rằng, việc chi một số tiền khổng lồ (là bao nhiêu nhỉ?) là nỗi đau của chúng ta nếu bây giờ trở về sau, chúng ta không nhìn lại nội lực và hướng tới những bước đi thật cụ thể – hướng đi nội lực của đất nước chứ không phải sự trợ lực từ bên ngoài. Tôi nghĩ rằng, mỗi người dùng chiếc máy tính cần xem xét những giá trị đích thực trong ứng dụng công nghệ thông tin để tiết kiệm cho những chi phí nhưng tối ưu những giải pháp cần thiết.
Chúng ta đã nhận thấy và đã chứng kiến sự kiện này, điều cần nên làm bây giờ không phải là sự giận dữ, chỉ trích hay nuối tiếc mà là xác định thái độ với tinh thần trách nhiệm trong việc sử dụng hiệu quả những điều kỳ diệu của công nghệ thông tin với chi phí thấp nhất”.
Nguyễn Văn Hiền - tổng giám đốc iNet Solutions
|
Tấm gương tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của khối cơ quan Chính phủ ắt sẽ có tác động nhiều đến việc giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền ở Việt Nam, điều mà Hiệp hội Phần mềm doanh nghiệp (BSA) đóng tại Mỹ hay IDC vẫn thường đưa ra khi công bố số liệu về tỷ lệ vi phạm.
Từ mức 92% của năm 2005, tỷ lệ này đã giảm còn 88% trong năm 2006. Để có được tỷ lệ trên, song song với sự cương quyết của Chính phủ trong việc kiểm tra các đối tượng sử dụng phần mềm có bản quyền, là sự tự nhận thức của các đối tượng, nhất là các cơ quan công quyền trong việc sử dụng ngân sách để chi tiêu vào phần mềm có bản quyền.
Không loại trừ sắp tới, khi làm tốt vai trò thực thi bản quyền, Chính phủ phải thể hiện vai trò Nhà nước pháp quyền qua vai "cảnh sát bản quyền". Điều này tuy có làm giảm tỷ lệ vi phạm, nhưng theo các chuyên gia, không phải là một giải pháp căn cơ.
Trong các tài liệu về kết quả thoả thuận vừa ký với Microsoft, người tiêu dùng cá nhân cũng như khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh là những đối tượng nằm ngoài thoả thuận. Điều này đồng nghĩa với việc phải bỏ ra 45USD cho bản Windows XP Starter ra đời cách đây 2 năm, với nhiều hạn chế, họ phải trả thêm gần 170USD cho bộ Office.
Còn nếu mua đủ, họ phải trả khoảng 300USD, gần bằng tiền mua máy. Người tiêu dùng có lẽ, sẽ thất vọng khi Chính phủ không đóng tròn vai trò đại diện cho thị trường tiêu thụ 84 triệu dân để đàm phán với các hãng phần mềm để có một mức giá phù hợp như các nước trong khu vực đã từng làm.
Mấy năm trước, Trung Quốc khuếch trương rầm rộ việc phát triển hệ điều hành Hồng Kỳ trên nền Linux. Chính phủ nước này công bố dự định triển khai 140.000 máy tính chạy trên Linux cho tỉnh Giang Tô năm 2005, được đánh giá là dự án lớn nhất về phần mềm nguồn mở ở châu Á. Giới công nghệ cho rằng, áp lực từ việc này khiến cho Microsoft có chính sách mở các trung tâm nghiên cứu đặt tại nước này.
Chương trình "Máy tính cho mọi người" của Chính phủ Thái Lan năm 2002 sử dụng hệ điều hành Linux đã khiến hãng Microsoft “bừng tỉnh” và quyết định hạ giá bán cả sản phẩm Windows lẫn Office ở Thái Lan xuống còn khoảng 35 USD, trong khi giá bán Windows XP trên thị trường thế giới vẫn là 199 USD và Office XP vẫn là 399 USD.
Ông Võ Thành Cương, phó giám đốc IACP nói: "Lẽ ra Chính phủ nên đàm phán mạnh hơn về những chính sách về giá những phần mềm dự kiến mua cũng như những cam kết hỗ trợ của Microsoft với thị trường Việt Nam để người tiêu dùng yên tâm”. Cũng theo ông Cương, chuyện đàm phán không chỉ đem lại giá trị của từng hợp đồng mà còn đem lại mặt bằng chung về giá của phần mềm Microsoft hiện đang có mặt trên thị trường.
3 tỉ USD cho chi phí cơ hội
Sự kiện Chính phủ đi mua bản quyền phần mềm, theo nhiều chuyên gia phần mềm, là động thái khôn ngoan của Chính phủ khi kích thích người tiêu dùng quay về với những phần mềm nguồn mở. “Khi chúng ta chi khoản tiền quá lớn để mua một sản phẩm nào đó, buộc chúng ta phải nghĩ lại, tìm kiếm sản phẩm có giá rẻ hơn nhưng tính năng tương đương để thay thế! Đây là cơ hội để những giải pháp nguồn mở có cơ hội phát triển.
Vấn đề quan trọng là những nhà kinh doanh giải pháp nguồn mở và các đối tượng thụ hưởng có nhận biết vấn đề đó hay không mà thôi”, một giám đốc công ty tin học bình luận.
Tuy nhiên, liệu phần mềm nguồn mở có phát triển đủ mạnh để thành giải pháp thay thế hay không lại là vấn đề phải bàn. Trong nhiều năm qua, Chính phủ đã có chính sách phát triển mã nguồn mở nhưng vì nhiều lý do, chính sách tuy có, nhưng không đi vào cuộc sống.
Lý do phần mềm nguồn mở dành cho đại chúng không phát triển được trong thời gian qua vì loại hình này chỉ phát triển nhờ dịch vụ. "Không có thị trường thì làm sao sống nhờ dịch vụ" - một người kinh doanh phần mềm nói. Trên thực tế, có nhiều đơn vị như Văn phòng Trung ương Đảng đã sử dụng thành công phần mềm nguồn mở hay hai ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán, đã có kế hoạch sử dụng phần mềm nguồn mở trong văn phòng để giảm chi phí.
Chi phí cơ hội phải trả cho việc chậm trễ trong triển khai phần mềm nguồn mở, theo các chuyên gia, phải mất khoảng 3 tỉ USD trong 5 năm tới. Con số này dựa trên số tiền phải trả cho việc mua bản quyền và thống kê 5 triệu máy tính đang được sử dụng ở Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng 25%/năm trong 5 năm như báo cáo của Intel.
Theo đánh giá thiệt hại của BSA từ việc vi phạm bản quyền ở Việt Nam vào khoảng 40 triệu USD/năm. Không ai khác, Nhà nước phải đảm nhận vai trò người thu này. "Điều quan trọng là Nhà nước thích thu tiền phạt hay thu tiền thuế của doanh nghiệp phần mềm" như lời một chuyên gia công nghệ thông tin nhận xét.
Theo Tuổi trẻ
Lời bình của BBT: Thoả thuận bản quyền phần mềm: "Đâu chỉ là mua-bán!". Nhiều lý giải hợp tình, hợp lý đã được đề xuất, tất nhiêu điều không thật quan trọng là giá và số lượng, nhưng đối tượng phải lo, phải suy tính phải chăng sẽ là doanh nghiệp và ngưòi sử dụng. Với số doanh nghiệp tại Việt Nam ngày càng tăng thì riêng sự lựa chọn sản phẩm Office đáng phải tính toán cẩn thận khi họ sẽ phải trả tiền và sẽ tự hỏi "chẳng nhẽ không mua máy...?". Quyền được lựa chọn hợp lý sẽ là mấu chốt giải quyết vấn đề. Điều đáng ngẫm là đã có sản phẩm văn phòng hoàn thiện thay thế hợp lý để lựa chọn chưa? (như Ubutu, OpenOffice, FireFox với chuẩn quốc tế định dạng văn bản ODF của ISO) hay là ta cứ so đo cả bó Phần mềm thương mại với Phần mền tự do và cho rằng nền Công nghiệp phần mềm của ta chưa đủ tầm cần phải được "đại gia" dìu dắt. Còn nhiều điều phải bàn, nhưng đúng, chắc ta cũng phải nghĩ dần khi hạn 3 năm để trả tiếp cũng sẽ tới nhanh thôi còn khoản nào định đầu tư cho "các ứng dụng khác cho phát triển" đành chờ vậy.