Thứ sáu, 19/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 25/05/2007
Thoả thuận bản quyền phần mềm: Đâu chỉ là mua bán!

Sự kiện Tổng giám đốc tập đoàn Microsoft Steve Ballmer sang Việt Nam để ký kết với Chính phủ hợp đồng mua bán bản quyền sử dụng phần mềm Office cho các cơ quan Chính phủ từ trung ương đến địa phương đã khiến dư luận rất quan tâm mấy ngày vừa qua...

Vấn đề sử dụng bản quyền phần mềm văn phòng của Microsoft đối với các cơ quan chính phủ đã được đặt ra từ lâu. Ngay khi mới được thành lập, Bộ BCVT đã nhận được những đề nghị về một phương án mang tính “bồi hoàn” do tình trạng vi phạm bản quyền của Việt Nam đang ở mức “top”. TS Mai Liêm Trực, khi đó là Thứ trưởng Thường trực phụ trách CNTT, chính là người phải bắt đầu cuộc thương lượng cam go.  

 

’Thứ
Thứ trưởng Vũ Đức Đam: ’’Đây không phải là hợp đồng mua bán thông thường mà là một phần của thỏa thuận đối tác chiến lược". (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Từ đầu năm 2006, hai bên đã đi đến thống nhất sẽ xây dựng một phương án trên tinh thần “hướng tới tương lai”, đặt vấn đề bản quyền trong khung khổ mối quan hệ đối tác lâu dài, hai bên cùng có lợi. Tinh thần đó được cổ vũ bởi Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT và Bill Gates trong chuyến thăm của vị chủ tịch này vào tháng 4/2006. Quá trình chuẩn bị cho bản hợp đồng được chỉ đạo chặt chẽ của Thủ tướng Chính phủ và sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo các Bộ BCVT, KHCN, VHTT, GDĐT, Tài chính và Văn phòng chính phủ.

Về tính chất của hợp đồng, thứ trưởng Bộ BCVT Vũ Đức Đam cho biết: ’’Đây không phải là hợp đồng mua bán thông thường mà là một phần của thỏa thuận đối tác chiến lược”. Microsoft có những quy định nghiêm ngặt về giá cả và các điều kiện thương mại được áp dụng thống nhất trên quy mô toàn cầu. Các quy định và mức giá thương mại được công khai trên mạng. Số lượng bản quyền được mua cũng không được tiết lộ.

Có lẽ đó chính là lý do dẫn tới các con số được “đoán già, đoán non” rất lớn. Cũng vì thế, nên chỉ khi đặt trong một mối quan hệ đối tác chiến lược, những yếu tố như: điều kiện thu nhập, khả năng sẽ cùng tham gia sáng tạo, sản xuất phần mềm… được xem xét để có thể đạt được thỏa thuận với những điều kiện không giống như các hợp đồng mua – bán thuần tuý, qua đó tiết kiệm được chi phí để giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền.

Trị giá hợp đồng bao nhiêu?

16.jpg
TS. Nguyễn Ái Việt: "Giá trị của bản hợp đồng là rất, rất nhỏ so với những con số mấy trăm triệu, thậm chí hàng tỷ USD mà một số người dự đoán”. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

TS Nguyễn Ái Việt - Phó Chánh Văn phòng BCĐ 58, người được giao trách nhiệm Tổ trưởng Tổ đàm phán Hợp đồng cho biết: “Quá trình đàm phán rất phức tạp. Cũng có thời điểm rất căng thẳng. Cả hai phía đều chịu áp lực rất lớn phải tìm được phương án tối ưu sao cho các quy tắc toàn cầu của Microsoft vẫn được tôn trọng, nhưng cũng phải phù hợp với thực tế là Việt Nam còn rất nghèo ”.

Khi bị “truy” về vấn đề những con số, TS Việt cũng chỉ bật mí: “Số lượng bản quyền được thỏa thuận ở mức vừa đủ để Microsoft thấy quyết tâm bằng hành động của Việt Nam đối với việc giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm - cơ sở để tạo mối quan hệ đối tác chiến lược lâu dài, cùng có lợi”.

Về giá trị của bản hợp đồng, TS. Việt cũng chỉ so sánh “Rất, rất nhỏ so với những con số mấy trăm triệu, hay hàng tỷ USD mà một số người dự đoán”. Theo thông cáo báo chí của Bộ BCVT thì: "Hợp đồng được thỏa thuận phù hợp với khả năng tài chính, trình độ phát triển và thu nhập của Việt Nam".

Tạo dựng một hình ảnh Việt Nam đẹp

Như vậy, việc đặt hợp đồng mua bản quyền trong khung thỏa thuận đối tác chiến lược là một sáng kiến giúp tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, tiết kiệm chi phí để giảm tỷ lệ vi phạm không phải là mục tiêu duy nhất.

Thứ trưởng Bộ BCVT Vũ Đức Đam:  “... một ngày gần đây, công nghiệp phần mềm của VN cũng sẽ đóng góp đáng kể vào kho tàng sở hữu trí tuệ của loài người. Và chúng ta cũng sẽ lên tiếng yêu cầu các bản quyền của mình được tôn trọng trên toàn cầu...”

Nếu chỉ nhằm giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền thì Chính phủ cũng có thể mua những phần mềm rẻ hơn (ít nhất là nếu so sánh theo giá bán công khai) như phần mềm Kingsoft có xuất xứ từ Trung Quốc, hoặc thậm chí ra quy định phải sử dụng hoàn toàn phần mềm nguồn mở miễn phí trên mạng.

Có lẽ đây chính là áp lực lớn nhất đè lên vai những người phải tham gia trong quá trình thương thảo và ra quyết định. Bởi lẽ ai cũng biết rằng, phần mềm của Microsoft là rất đắt đỏ, nhưng không phải ai cũng nhận thức được rằng, nếu Chính phủ “loại” phần mềm của Microsoft ra khỏi máy tính trong hệ thống các cơ quan nhà nước thì cũng đồng nghĩa với việc tuyên bố Việt Nam không muốn sự hiện diện của Microsoft. Điều này có thể liên tưởng đến một câu nói đầy ý nghĩa của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong chuyến thăm Hoa Kỳ vào tháng 4/2006 - khi đến dự tiệc tại tư dinh của Bill Gates, ông nói: "Trung Quốc là bạn lớn của Microsoft vì ngày nào tôi cũng nhìn thấy Microsoft trên máy tính".

Giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền không chỉ là biện pháp mang tính chất đối phó với Microsoft, với các công ty phần mềm nước ngoài, với các quy tắc WTO. Vì nếu như vậy thì cũng có thể sử dụng “chiêu”: "Cứ hô hào là đủ!". Vấn đề đặt ra là làm thế nào để Việt Nam thực sự là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, tranh thủ thời cơ “vàng” khi nước ta gia nhập WTO, và được đánh giá là: xu thế “Trung Quốc cộng một”. Hơn nữa, làm thế nào để thế giới thấy: Việt Nam là một hình ảnh đẹp!

 

59.jpg

 Việt Nam sẽ được nhìn nhận như một đối tác chiến lược, có vị trí ngày càng quan trọng trong các kế hoạch tương lai của các tập đoàn đa quốc gia. (Ảnh: Lê Anh Dũng).
 

Vì một nền công nghiệp phần mềm vững mạnh!

Đối với ngành công nghiệp phần mềm (CNPM) Việt Nam, từ lâu chúng ta đã nghe về nhiều chương trình, kế hoạch để đưa CNPM thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực để có thể đưa đất nước phát triển nhanh hơn. Thực vậy, đầu vào của ngành công nghiệp này chủ y ếu chỉ là trí tuệ. Yếu tố mà ai cũng tự hào khẳng định rằng: Việt Nam không thiếu!. Đây cũng là ngành có thể “biến không thành có”, phát triển với tốc độ vũ bão. Những con số nhiều tỷ USD mà Ai-len, Ấn Độ đạt được trong một thời gian ngắn đã nói lên điều đó.

Nhưng tại sao ngành CNPM của Việt Nam đến nay vẫn chỉ là “tiềm năng” với doanh số vài trăm triệu USD? Nguyên nhân nằm ở đâu?. Phải chăng Việt Nam cần “đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực, công tác bảo vệ sở hữu trí tuệ cụ thể là bản quyền phần mềm và cần tạo dựng được mối quan hệ đối tác chiến lược hai bên cùng có lợi với các tập đoàn CNTT tên tuổi trên thế giới”?, như Thứ trưởng Bộ BCVT Vũ Đức Đam đã chia sẻ trong cuộc Bàn tròn với VietNamNet.

Qua sự kiện ký hợp đồng và thỏa thuận hợp tác với Microsoft vừa qua của Chính phủ, có thể thấy mục tiêu lớn hơn trong đó là: Việt Nam được nhìn nhận như một đối tác chiến lược, có vị trí ngày càng quan trọng trong các kế hoạch tương lai của các tập đoàn đa quốc gia, nhất là các tập đoàn hàng đầu thế giới như IBM, Microsoft, Intel.... để ngành CNPM còn non trẻ của Việt Nam có thể “nương theo người khổng lồ” đi ra thế giới.  

Phần mềm nguồn mở sẽ như thế nào?

Trả lời thắc mắc của PV VietNamNet rằng, liệu thỏa thuận và hợp đồng ký kết với Microsoft có tạo thế độc quyền của Microsoft hay không?, Thứ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định: “Không nhà cung cấp nào, không sản phẩm nào có thể độc quyền. Không phải toàn bộ các máy tính của các cơ quan sẽ chỉ sử dụng phần mềm của Microsoft. Hợp đồng có thời hạn trong 3 năm và sẽ được hai bên xem xét lại hàng năm’’.  

Một điều có thể dễ nhận thấy, Tổ công tác về Bản quyền phần mềm của Chính phủ có sự tham gia của Bộ KHCN - cơ quan chủ trì Đề án “Ứng dụng và phát triển PMNM giai đoạn 2004 - 2008”. Điều này cho thấy, các vấn đề cân nhắc liên quan đến sự phát triển PMNM ở VN đã được bàn đến.

Một chuyên gia rất tâm huyết với sự nghiệp PMNM ở Việt Nam nêu quan điểm thế này: Ai cũng biết sử dụng PMNM không phải trả phí bản quyền, nhưng một khi đã sử dụng phần mềm thương mại “crack, rẻ như bèo” quen rồi, thì chẳng ai tự nguyện chuyển qua sử dụng PMNM nếu không có sức ép phải có bản quyền. Vậy là, "của đau, con xót”, phải bỏ tiền ra mua thì ắt sẽ phải cân nhắc tới đắt rẻ. Có như vậy, việc sử dụng PMNM mới có động lực thành hiện thực.

Tuy nhiên, một điều thực tế đang đối mặt cấp bách hơn rằng, hiện trạng và tương lai thực của PMNM ở VN đang và sẽ như thế nào?

PMNM ở VN liệu có được ứng dụng và phát triển mạnh hay không, nếu các DN Việt Nam, nhất là các DN nhà nước lớn giữ cung cách "ì", chỉ muốn sử dụng phần mềm thương mại theo thói quen, hoặc nguy hiểm hơn là một số DN vì lợi ích riêng mà ra sức tiếp thị cho phần mềm thương mại để được "hoa hồng"....?. Điều đáng nói nữa, đề án về PMNM do Bộ KHCN chủ trì cũng cần phải được đẩy mạnh hơn nữa, mang lại những kết quả thiết thực hơn.

Một điều cuối cùng, xin nêu quan điểm của một độc giả VietNamNet: "Nên chăng, chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận về PMNM từ giác độ ứng dụng và phát triển CNTT chứ không phải từ giác độ nghiên cứu khoa học. Đối với phần mềm văn phòng, Bộ BCVT nên có chỉ đạo để có một phần mềm của VN đủ sức đối trọng với phần mềm của Microsoft để có thế cùng tồn tại".

Theo Vietnamnet

Lời bình của BBT: Thoả thuận bản quyền phần mềm: "Đâu chỉ là mua-bán!". Nhiều lý giải hợp tình, hợp lý đã được đề xuất, tất nhiêu điều không thật quan trọng là giá và số lượng, nhưng đối tượng phải lo, phải suy tính phải chăng sẽ là doanh nghiệp và ngưòi sử dụng. Với số doanh nghiệp tại Việt Nam ngày càng tăng thì riêng sự lựa chọn sản phẩm Office đáng phải tính toán cẩn thận khi họ sẽ phải trả tiền và sẽ tự hỏi "chẳng nhẽ không mua máy...?". Quyền được lựa chọn hợp lý sẽ là mấu chốt giải quyết vấn đề. Điều đáng ngẫm là đã có sản phẩm văn phòng hoàn thiện thay thế hợp lý để lựa chọn chưa? (như Ubutu, OpenOffice, FireFox với chuẩn quốc tế định dạng văn bản ODF của ISO) hay là ta cứ so đo cả bó Phần mềm thương mại với Phần mền tự do và cho rằng nền Công nghiệp phần mềm của ta chưa đủ tầm cần phải được "đại gia" dìu dắt. Còn nhiều điều phải bàn, nhưng đúng, chắc ta cũng phải nghĩ dần khi hạn 3 năm để trả tiếp cũng sẽ tới nhanh thôi còn khoản nào định đầu tư cho "các ứng dụng khác cho phát triển" đành chờ vậy.

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0