Giáo sư (GS) Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang - kể lại, khi ông mới về trường thì có một văn bản đề xuất xin mua 4 máy tính Pentium 4 (cấu hình thuộc loại cao nhất thời đó). Hỏi mua máy cho ai, làm gì, thì được biết mua để trang bị cho mấy phòng làm... công văn! GS Xuân gợi ý chỉ mua loại vừa vừa thôi, còn thừa tiền mua thêm 3 cái nữa cho mấy phòng khác. Nhưng người phụ trách nói không được, vì bên tài chính đã duyệt 4 cái thì phải mua đủ 4 cái!
Chuyện khác, nhiều lãnh đạo các trường ĐH phản ánh, mỗi khi trường có tờ trình để mở thêm ngành, hoặc đề xuất xin cái gì đó thì phải ra tận Hà Nội gặp người phụ trách chứ không giải quyết qua thư điện tử được. Gửi văn bản bằng đường bưu điện cũng được nhưng... không ai giải quyết.
Từ thực tiễn đó, ĐH An Giang quyết định thực hiện "cuộc cách mạng" công nghệ thông tin (CNTT).
Từ khi triển khai chương trình CNTT đến nay, ĐH An Giang chỉ mới tốn tiền đầu tư 4 máy chủ, mỗi cái chừng 5.000 USD và một hệ thống đầu vào cho internet khoảng 15.000 USD nữa, hiện sau 3 năm vẫn sử dụng tốt. Tính tổng cộng cả chương trình phần mềm của trường chi phí chưa tới 100.000 USD.
Việc ứng dụng lớp học điện tử đem lại hiệu quả thấy rõ. Chẳng hạn khi giáo viên đi công tác xa, thay vì phải nghỉ dạy các thầy cô vẫn có thể lên lớp học điện tử và tiếp xúc với sinh viên. Hoặc là trước yêu cầu không được dạy "chay", buộc giáo viên phải tìm tài liệu. Từ nhu cầu này, bộ phận thư viện đi tìm các nguồn tài liệu và chuẩn bị sẵn cho giáo viên từ cơ sở dữ liệu trên mạng. Có những bộ môn thay vì phải làm mô hình thí nghiệm thì dùng những công cụ giả lập để cho sinh viên thấy, hiểu được mà không phải tốn kém. Sau này, giáo viên lên lớp không còn cần phải cầm tập vở, mà chỉ cần... một cái USB! Giáo viên có thể lên mạng để soạn bài, đưa bài lên mạng và sinh viên có thể vào đó để lấy tài liệu xuống học. Hiệu trưởng dù có đi bất cứ đâu vẫn có thể giải quyết công việc ở trường một cách dễ dàng.
Thầy Dương Quang Minh, người phụ trách chương trình CNTT của ĐH An Giang nói rõ hơn: "Theo tôi, việc ứng dụng CNTT vào trường học không xuất phát từ nhu cầu "phải có CNTT", mà từ mong muốn thay đổi cách làm việc hiện tại. Như ở ĐH An Giang, tất cả những CNTT đang sử dụng đều xuất phát từ nhu cầu phải thay đổi cách dạy. Đầu tiên là việc phải công bố tài liệu giảng dạy, từ nhu cầu này mới thấy rằng cách hay nhất là lập trang web để đưa tài liệu lên. Khi có trang web, sinh viên chỉ cần click chuột là có đầy đủ tài liệu học tập, thay vì phải vào thư viện để photocopy theo cách cũ. Mặt khác, ngoài giờ sinh hoạt ở lớp, giáo viên còn có nhu cầu liên lạc với sinh viên để làm bài tập".
Không chỉ tạo ra những tiện ích cho sinh viên, giáo viên, một trong những chương trình mà trường đang thực hiện là website e-Làng Việt (elangviet), dự kiến sẽ công bố vào tháng 12.2007. Đây là website giúp cho người dân vùng sâu có thể tìm được kiến thức giải quyết các vấn đề hằng ngày. Mục đích là làm thế nào để khi nông dân ra đồng, phát hiện sâu bệnh thì biết ngay nó là cái gì, phải làm thế nào để ngăn chặn...
Theo Thanh niên