Thứ năm, 01/08/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 23/05/2007
Làm sao định nghĩa được... Tổng Giám đốc trẻ nhất Việt Nam?

Trở thành Tổng Giám đốc ở tuổi 23, nhưng Trần Hải Linh cho rằng, đến thời điểm này, thành công của anh, nếu có, là do may mắn. Vị Tổng Giám đốc trẻ tâm niệm: phải làm việc chăm chỉ và làm việc khôn ngoan, để sống sao cho không bao giờ phải hối tiếc.

Trần Hải Linh - Tổng Giám đốc Lenovo Việt Nam. Ảnh: Nguyệt Ánh

Tổng Giám đốc... không có nhân viên?

Sinh năm 1983, bắt đầu giữ vị trí CEO của Lenovo Việt Nam vào tháng 7/2006, Hải Linh cho rằng, mình không có nhân viên, chỉ có đồng nghiệp, không "truyền đạt" mà chỉ "chia sẻ" văn hoá hoặc mục đích của công ty.

Linh rất ấn tượng với bộ phim Click huyền bí - phim kể về một kiến trúc sư, muốn phấn đấu để có nhiều tiền, để lo cho vợ con nhưng mỗi lần như vậy người đó lại mất mát một cái gì đấy, và đến khi trở thành CEO thì người ấy gần như mất tất cả mọi thứ: hai đứa con không gọi ông ta bằng bố mà gọi người khác, sức khỏe thì đi xuống... Và đến lúc gần nhắm mắt thì ông ta dặn con trai của mình rằng: điều quan trọng nhất trong cuộc sống là phải cân bằng tất cả mọi thứ.

Bộ phim khiến Linh "xem đến lần thứ hai rồi nhưng vẫn rùng mình khi nhân vật chính Micheal Newman hấp hối" và trầm ngâm: "Nếu một người không cân bằng được tất cả những cái ấy - gia đình, công việc, bạn bè, tình cảm...không thể là một người hạnh phúc được".

* Cảm giác của anh khi là Tổng Giám đốc, nhất là Tổng Giám đốc trẻ nhất Việt Nam?

Người ta nói rằng không có quyền lợi nào không gắn với trách nhiệm. Quyền lợi càng cao thì trách nhiệm càng nhiều. Trách nhiệm thì thường phải trả giá. Không có cái gì tự nhiên đến và tự nhiên đi cả, để có được một cái gì đấy thì phải bỏ ra sự cống hiến tương xứng. Trách nhiệm làm lãnh đạo còn rất nhiều công việc đằng sau, mà không phải tất cả mọi người đều nhìn thấy.

Họ và tên: Trần Hải Linh

Sinh năm: 1983

Từng là học sinh chuyên Anh - Trường THPT Hà Nội - Amsterdam.

2001: đỗ Đại học Ngoại thương, và học ở đây 1 năm.

2002: học tại Đại học Công nghệ Nanyang - Singapore, ngành quản trị kinh doanh.

Tháng 7/2006: ở tuổi 23, Trần Hải Linh được chọn làm Tổng Giám đốc của Lenovo Việt Nam.

Gia đình gồm: Bố, mẹ và 1 em trai.

Phương châm: Live so as you never have to regret. (Hãy sống sao để không bao giờ phải hối tiếc).

Nhiều khi tôi không cảm giác mình đang ở vị trí đấy, điều tôi cảm thấy là tôi có từng đấy trách nhiệm phải hoàn thành và làm sao để cố gắng hoàn thành.

* Anh đã phải "trả giá" những gì rồi?

Tôi nghĩ tôi chưa phải là một lãnh đạo theo nghĩa thực sự là lãnh đạo, nhưng khi chúng ta có trách nhiệm thì nghĩa là chúng ta phải làm việc. Chẳng hạn, có lúc người ta nghỉ mình phải đi làm. Những cái như thế là những cái buộc phải trả giá. Mình đạt được một cái gì đấy thì mình sẽ mất một cái khác.

* Vậy quan điểm của anh về lãnh đạo là gì?

Lãnh đạo không phụ thuộc vào vị trí, lãnh đạo phụ thuộc hành động.

* Cái khó nhất của anh khi làm Tổng Giám đốc?

Là hoàn thành công việc. Tất nhiên ai cũng như vậy, nhưng mỗi người xử lý khác nhau. Và ở bất kỳ vị trí nào cũng phải nỗ lực, cũng cần cố gắng.

* Thế khi ở vị trí Tổng giám đốc, đòi hỏi của anh với những người ở vị trí nhân viên là gì?

Đừng gọi là nhân viên, gọi là đồng nghiệp thì đúng hơn, dù đó là người ở cùng bộ phận hay bộ phận khác. Cái cuối cùng là mọi người đạt được mục đích chung. Vì không phải lúc nào cũng là nhân viên, lúc nào cũng là đồng nghiệp. Ngày hôm nay họ có thể là báo cáo cho tôi, ngày mai họ có thể ở vị trí khác. Có những người phát triển rất nhanh, có thể thay thế mình, đó là điều bình thường trong cuộc sống. Và ứng xử với họ như những đồng nghiệp đúng hơn là nhân viên. Cái quan trọng là cùng tiến tới mục đích chung.

* Anh có gặp trường hợp đồng nghiệp cấp dưới không nghe lời anh?

Giữa con người với con người, suy nghĩ khác nhau là chuyện bình thường. Nếu một tổ chức hay một xã hội mà tất cả mọi người đều giống nhau, tất cả mọi người đều để tóc dài, đều mặc váy thì đó đâu phải là xã hội. Tất cả mọi người đều khác nhau, cái quan trọng là nhìn nhận, khuyến khích và phát huy sự khác biệt đó. Nếu tôi chứng minh được mình đúng thì mọi người sẽ nghe.

* Còn với các đối tác lớn tuổi hơn thì sao?

Tôi không bao giờ nghĩ đó là cản trở. Công việc không phụ thuộc vào tuổi tác. Tôi nghĩ có rất nhiều người rất trẻ nhưng rất khôn ngoan. Tôi thấy có nhiều người giỏi hơn tôi, bằng tuổi hoặc ít tuổi hơn tôi, nhiều thành công hơn tôi. Tôi phải phấn đấu 20-30 năm chưa chắc đã bằng họ.

"Tôi là người may mắn"!

Rất khiêm tốn khi thường xuyên nhận mình là người may mắn, Hải Linh lý giải: "Có người nói là "nếu tôi không tin vào may mắn thì tôi biết giải thích thế nào về thành công của đối thủ của tôi", nhưng nếu không tin vào may mắn thì tôi không biết giải thích thành công của mình như thế nào".

Linh nói thêm: "Tôi thấy mình chẳng có gì đáng ngưỡng mộ. Bạn bè lớn lên cùng tôi xem tôi rất bình thường, trí tuệ thuộc loại bình thường, không phải là người thông minh sắc sảo".

* Có bao giờ anh cảm thấy áp lực khi là người trẻ nhất?

Áp lực không đến từ việc mọi người xem tôi như thế nào, mà từ việc tôi đánh giá mình có hoàn thành công việc hay không. Tôi nghĩ tất cả mọi người đều muốn trẻ ra, có ai muốn già đi đâu, trẻ có vấn đề gì đâu.

* Khi đó, anh vượt qua áp lực như thế nào?

Cứ làm việc thôi, làm việc hết sức mình. Tôi chỉ biết làm việc chăm chỉ và làm việc khôn ngoan. Cuối ngày nhìn lại những gì mình đã làm, có thể mình không làm tốt, mình cảm thấy không hài lòng với bản thân. Mình sẽ tự nhìn ra là mình làm đúng và có những điều chưa làm được.

* Có ý kiến đánh giá anh hay làm khác với mọi người, anh thấy sao?

Thực ra không phải là mình làm ngược, mà là vì mình không giỏi bằng người ta, cái người ta làm được mình không làm được, nên mình phải làm cái khác. Chẳng hạn, khi tôi học ở Singapore, khoa đắt giá nhất là Công nghệ thông tin, lúc đó có 3 sinh viên Việt Nam rất giỏi, từng được giải tin học quốc tế, tôi học bình thường nên tôi phải thi khoa mà tôi có khả năng đỗ, tôi mà thi vào khoa Công nghệ Thông tin thì chắc chắn tôi sẽ trượt.

* Anh nghĩ sao về thành công của mình cho đến thời điểm này?

Tôi là người rất may mắn. Thành công của tôi từ trước đến giờ, nếu có, là do rất may mắn.

* Đánh giá mình trong công việc, anh sẽ nói gì?

Tôi mới ở vị trí bắt đầu và chưa đạt được gì, tôi mới mở cửa và bắt đầu đi.

* Dường như anh quá khiêm tốn?

Không phải khiêm tốn. Nếu giờ tôi vỗ ngực bảo mình giỏi thì tôi không đánh giá đúng bản thân. Thực sự tôi nghĩ mình đang trong quá trình cố gắng, và cũng chưa làm được gì. Tôi chỉ là một người rất may mắn. Có nhiều người giỏi nhưng cơ hội đến với họ sớm hay muộn mà thôi. Có người biết nắm bắt cơ hội, có người thì không. Đơn giản tôi là người gặp may, cơ hội của tôi đến sớm. Bố tôi dạy tôi rằng, cơ hội rất nhiều, có lúc nó gõ cửa, phải biết lúc nào nó gõ cửa để mở ra.

Mệt thì ngủ mới ngon!

Mệt mỏi trong công việc có thể khiến nhiều người cảm thấy chán nản, uể oải nhưng Hải Linh cho rằng, mệt mỏi lại khiến mình... ngủ ngon hơn.

* Ở thời điểm này, anh có hối hận gì về trước đây chưa làm?

Khi quyết định gì đó, tôi cố gắng để đó là điều ít ngu xuẩn nhất ở thời điểm mà tôi quyết định. Tất nhiên nhìn lại thì có thể nghĩ rằng thời điểm đó mình sẽ làm khác. Nhưng thời điểm đó trình độ của mình chỉ như vậy, mình chỉ biết thế và chỉ có thể làm được như vậy.

* Nghĩa là anh cân nhắc rất nhiều trước khi quyết định điều gì đó?

Tôi là người thận trọng.

* Nhưng thận trọng thì có thể mất nhiều cơ hội?

Những cái mất rồi chắc là tôi không biết, vì chẳng hạn rẽ trái thì tôi sẽ không biết rẽ phải sẽ như thế nào.

* Anh cho rằng điểm mạnh của mình là gì?

Lúc nào cũng cố gắng làm việc, nếu không có gì giỏi thì phải cố gắng. Napoleon có nói, có 2 cách để lên đỉnh núi, nếu là đại bàng thì sẽ bay lên, còn nếu là rùa thì sẽ bò lên. Tôi không phải đại bàng, tôi "bò" lên.

* Nhưng rùa đã từng thắng thỏ?

Đó là may mắn thôi.

* Còn "tốc độ của con rùa" nữa chứ?

Tất nhiên, nếu mình không thực sự giỏi thì mình phải cố gắng "bò", làm việc chăm chỉ một tí, hoặc cố gắng rất chăm chỉ để tập trung vào những điều mình muốn.

* Với anh thế nào là chăm chỉ?

Là cuối ngày đi ngủ, không cảm thấy hối hận vì sử dụng thời gian hoang phí. Nếu tôi chưa làm việc hết sức trong ngày hôm đó nghĩa là chưa chăm chỉ. Miễn là mình đã làm việc hết sức, thế là đủ, còn tất nhiên mình không phải là máy móc, mình sẽ mệt. Nhưng mệt thì mình sẽ ngủ ngon.

* Mỗi ngày anh làm việc bao nhiêu giờ?

Tôi không bao giờ tổng kết. Giờ giấc của tôi rất kỳ cục, có khi ăn trưa vào lúc 4 giờ chiều và ăn tối vào lúc 12 giờ đêm.

* Nghĩa là anh làm việc theo cảm hứng?

Không hẳn. Nếu lãnh đạo, chẳng hạn lãnh đạo bộ phận bán hàng mà làm việc theo cảm hứng thì sẽ rất nguy hiểm.

Thất bại sẽ là thất bại, nếu...

Hải Linh tiết lộ: "Từ lớp 1 đến giờ tôi thi trượt rất nhiều, cố gắng vào lớp chuyên nhưng không bao giờ được. Lên cấp ba, tôi cố gắng vào chuyên Toán, chuyên Lý của trường Ams nhưng không được, cuối cùng vào chuyên Anh" và tự nhận là kẻ "học hành rất bình thường".

Xem mình là người
"to tát về hình thể và khối lượng", là "lão già béo ú", Hải Linh đùa rằng, anh thường xuyên thất bại
trong kế hoạch... giảm cân.

Thần tượng của Linh là Paven Coocsaghin (nhân vật chính trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy) và thần tượng cũng xuất hiện trong một tên hiệu của Linh mà không nhiều người biết đến: Linhpaven.

Ít ai nghĩ, một Linhpaven "nhẹ dạ, cả tin, dễ thương, và tội nghiệp" - như anh tự nhận - đã từng có những lập luận rất hay khi so sánh các quốc gia: "Nhưng rồi làm thế nào chúng ta định nghĩa sự hùng cường của một dân tộc? Nếu chúng ta lấy đất đai làm tiêu chí, Đan Mạch sẽ là một trong những quốc gia mạnh nhất ngày nay trên thế giới bởi nó lớn hơn nhiều so với Anh hay Nhật Bản. Còn nếu lấy dân số làm tiêu chí thì chúng ta hẳn phải vượt qua Ấn Độ, hơn Đức và Nam Triều Tiên. Không, chúng ta định nghĩa sự hùng cường dựa trên tầm quan trọng và mức độ ảnh hưởng của một dân tộc đối với những dân tộc xung quanh".

* Anh nghĩ thế nào về thất bại?

Thành công là may mắn, thất bại là bài học. Thất bại sẽ là thất bại nếu không học từ nó.

* Anh có thần tượng của riêng mình?

Tương đối nhiều. Nhưng tôi thích nhân vật Paven Coocsaghin (trong tác phẩm "Thép đã tôi thế đấy") và quan điểm làm thế nào để cuối đời mình ko hối hận vì không làm gì đấy. Mark Twain có nói 30 năm nữa khi anh nhìn lại, anh sẽ hối hận vì những gì anh không làm chứ không hối hận vì những gì mình đã làm. Tất nhiên là không bao giờ tránh được nhưng cố gắng để hạn chế phải hối hận.

* Dành ít thời gian cho gia đình, bố mẹ anh có phiền lòng?

Tôi không đến nỗi là đứa con bất hiếu. Tất cả mọi người đều 24 tiếng. Các vị lãnh đạo như Thủ tướng, Bộ trưởng, họ bận gấp tôi hàng nghìn lần, nhưng vẫn dành thời gian cho gia đình, thì tôi cũng vậy. Tất nhiên cũng phải cố gắng một chút.

* Thường thì bạn bè sẽ cảm thấy xa cách và ngại tiếp xúc hơn khi bạn của họ giữ vị trí Tổng giám đốc. Với anh thì sao?

Điều đó phụ thuộc vào cách đối xử với bạn bè nhiều hơn là vị trí. Với bạn bè tôi thì vẫn thế. Trước tôi gọi họ là mày, tao thì giờ tôi vẫn mày, tao với họ.

* Anh nghĩ gì về tình yêu?

Không ai có thể sống thiếu tình yêu. Tôi thích quan điểm của Xuân Diệu: "Làm sao định nghĩa được tình yêu".

Chỉ nói có vậy, rồi chàng Tổng giám đốc... lảng ngay sang chủ đề khác. Nhưng trái tim hơn 20 tuổi làm sao giấu được những cảm xúc mãnh liệt của tuổi mình?

Đã có lúc, Linhpaven chìm vào cảm xúc riêng đầy tâm trạng trên blog: "Nhớ lại cái thời còn đi học phổ thông. Cũng tầm tầm này. Tuần 3 buối tối đạp xe 7 cây số xuống Thanh Xuân học. Trời cũng lạnh. Và thêm mưa. Mưa to đến mờ cả kính. Nhưng ghét nhất là ướt. Nước mưa thấm đẫm chân, tay, mặt, với giày. Buốt. Gió thông đồng với mưa quất từng nhát vào mặt, vào cái xe đạp bé tí. Tự hỏi là sao lẽ ra có thể ngồi yên ấm trong nhà xem truyền hình thì lại đày đọa mình ra cái chỗ khổ sở này.

Cảm giác giống hệt cái tối đầu tiên ở Sing. Cầm 3 cái vali to tướng với 2 cái balô, một mình đứng trong một cái sân to uỳnh mà chẳng ai qua lại. Nhà kí túc thì cái nào cũng cao tít trên đồi, mà tệ nhất là mình không biết cái nào là cái mình phải đến. Chẳng có ai để hỏi thăm, mà tương lai thì không có một tí khái niệm là ngày mai sẽ như thế nào. Rồi mọi chuyện cũng ổn.

Và sau này, thầm cảm ơn những cái ngày như thế. Những ngày khó khăn làm cho người ta trưởng thành, và chuẩn bị cho người ta sẵn sàng với những cơ hội sẽ đến".

Theo Lanhdao.net

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0