* Phóng viên: Chúng tôi được biết TPHCM đã và đang cố gắng tổ chức những đợt tuyên truyền về thực hiện theo các quy định của luật pháp trong ngành công nghệ thông tin-truyền thông. Ông có thể đánh giá một số việc mà sở đã làm được.
* Ông Lê Mạnh Hà: Thời gian qua chúng tôi đã tập trung phối hợp với các quận huyện phổ biến, hướng dẫn việc cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet cho khoảng 2.600 đại lý (chính thức) và trên 1.000 cá nhân kinh doanh dịch vụ Internet (chưa đủ điều kiện làm đại lý nhưng đã kinh doanh). Đồng thời, sở cũng xây dựng chuyên mục trên báo, đài, hợp tác với Đài Truyền hình TPHCM mở chuyên mục 1001 trên kênh HTV9 để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động liên quan đến CNTT-TT. Trong đó, các chuyên mục về Internet băng thông rộng và trò chơi trực tuyến đã được phát sóng trong năm 2006. Hợp tác với Báo SGGP xây dựng chuyên mục Thành phố điện tử, nhiều bài về Internet đã được đăng tải trong thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, chúng tôi thuờng xuyên cung cấp thông tin kịp thời trên trang tin của Sở các văn bản pháp luật và thực hiện đối thoại, trao đổi, giải đáp các vấn đề liên quan đến bưu chính viễn thông, Internet và CNTT cho người dân và doanh nghiệp.
* Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước, các cán bộ thực thi đã có đủ trình độ để thi hành nhiệm vụ hay không?
* Chúng tôi cũng đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng sử dụng và quản lý nghiệp vụ internet cho hơn 600 cán bộ công an và chuyên viên thuộc đoàn 814 của các quận, huyện, sở, ngành (kể cả lớp cơ bản và nâng cao). Sở đã phối hợp với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet (ISP) tổ chức tập huấn cho 1.300 đại lý trên địa bàn thành phố.
Trong 2 năm (2005-2006) Sở Bưu chính - Viễn thông đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 34 cuộc thanh tra và với tổng số xử phạt gần 400 triệu đồng. Trong đó phát hiện và xử lý các hành vi trộm cước viễn thông, vi phạm quy định về ISP, OSP và các trò chơi trực tuyến, tranh chấp mua bán tên miền, hành vi sử dụng máy tính để xâm nhập mạng làm biến dạng và hủy hoại các dữ liệu trên mạng Internet... Chúng tôi cũng thực hiện kiểm tra trên diện rộng theo chỉ đạo của Thanh tra Bộ; lập kế hoạch và hướng dẫn, phối hợp với các quận, huyện kiểm tra 807 đại lý internet công cộng với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 1,28 tỷ đồng
* Trong thực tế nhiều vấn đề phát sinh, những khó khăn này là gì?
* Đó là chênh lệch về quy định thời gian cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến (từ 6 giờ 00 đến 23 giờ 00) và truy cập Internet (từ 6 giờ 00 đến 24 giờ 00) tại các đại lý Internet công cộng dẫn đến doanh nghiệp và khó thực hiện và cơ quan nhà nước khó kiểm tra, quản lý. Quy định về khoảng cách giữa đại lý cung cấp trò chơi với trường học 200m là khó thực hiện đối với các thành phố lớn nơi có mật độ trường học cao. Tuy nhiên vấn đề này chưa có hướng dẫn xử lý cụ thể các trường hợp đã hoạt động trước khi Thông tư 60/2006/TTLT có hiệu lực.
Theo quy định hiện nay thì hầu hết các dịch vụ trao đổi lưu trữ, xử lý thông tin trên Internet đều là dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng và cùng chung một giấy phép OSP gây khó khăn cho các doanh nghiệp chỉ cần cung cấp một số dịch vụ đơn lẻ như tải nhạc, mail service…
Một số quy định không khả thi như người dưới 14 tuổi khi sử dụng dịch vụ Internet tại đại lý Internet phải có người thành niên bảo lãnh và giám sát...
* Theo ông sắp tới đây chứng ta phải làm gì?
|
Trẻ em tại một điểm Internet. Ảnh: THÀNH TÂM
|
* Phải thực hiện các biện pháp đồng bộ để tăng cường an toàn và bảo mật trong sử dụng internet, ứng dụng công nghệ thông tin; ban hành văn bản xác định người bị hại trong các trường hợp được cho là ngành bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin bị thiệt hại; điều chỉnh quy định về quản lý đại lý internet và cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến để thống nhất giải quyết các khó khăn và bất cập đã nêu ở trên.
Ngoài ra, Bộ Bưu chính, Viễn thông nên phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn về chức năng giám định của Sở Bưu chính, Viễn thông. Bổ sung quy định để có căn cứ để có thể xử phạt đối với chủ thuê bao để xảy ra trộm cước viễn thông; cấp giấy phép OSP cho từng loại hình như mail hosting, web hosting, trò chơi trực tuyến… khi doanh nghiệp có yêu cầu để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, phải phân cấp về quản lý chất lượng dịch vụ cho Sở Bưu chính Viễn thông trong một số lĩnh vực cho phù hợp với tình hình phát triển hiện nay. Ban hành quy định về cấp phép đối với đường truyền đa dịch vụ: truyền hình, Internet và điện thoại. Bộ Bưu chính Viễn thông phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành quy chế phối hợp phòng, chống trộm cước viễn thông để thống nhất thực hiện trong cả nước.
Hiện nay, các sở đang tự xây dựng quy chế trình UBND phê duyệt nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, do các tỉnh tự xây dựng nên các quy chế sẽ khác nhau sẽ khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện. Vì vậy, cần hoàn thiện quy định chung về phần mềm quản lý đại lý Internet, nâng cao vai trò của chính quyền địa phương, cụ thể là của Sở Bưu chính - Viễn thông trong kiểm tra và tổng hợp thông tin.
Theo SGGP