- Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị đã thay đổi tư duy quản lý Internet từ chỗ “quản lý được đến đâu thì mở ra đến đó” bằng việc “phát triển đến đâu, quản lý phải theo kịp đến đó”. Điều này có ý nghĩa thế nào đối với sự phát triển của Internet Việt Nam?
- Cuối năm 1996, trong nước có nhiều quan điểm khác nhau khi đánh giá những mặt tiêu cực và tích cực của Internet. Lúc đó, trước mắt mở ra hai hướng: hoặc là phát triển Internet, hoặc là chưa mở cửa vội. Cuối cùng, Trung ương đã nhất trí với việc tiếp nhận Internet. Trong bối cảnh như vậy, việc làm sao để tạo dựng lòng tin cho xã hội về mặt quản lý khiến chúng tôi phải đặt ra mục đích quản lý đến đâu, phát triển đến đó để dịch vụ đi đúng định hướng. Nhưng để phù hợp với nhu cầu thực tế, năm 2001, việc quyết định đảo ngược phương hướng là phát triển đến đâu, quản lý theo đến đó đã mở ra môi trường cạnh tranh cho tất cả doanh nghiệp. Internet đã vào đến trường học, bệnh viện, về làng. Tư duy quản lý mới đã giúp Internet phát triển rất mạnh như chúng ta thấy và còn tạo được niềm tin trong dân chúng.
- Vậy theo ông, chủ trương” phát triển tới đâu quản lý tới đó” liệu còn phù hợp với xu hướng bùng nổ của Internet hiện nay?
- Đúng là đang có khoảng cách giữa phát triển và quản lý. Ngày nay không thể quan niệm Internet là một dịch vụ trong viễn thông nữa mà Internet đã sánh vai với viễn thông, truyền hình, hội tụ với nhau trên môi trường mạng. Vì vậy, khung pháp lý phải quản lý được môi trường băng thông rộng với nhiều nội dung dịch vụ phong phú trên một mạng lưới đã hội tụ. Để lấp đầy khoảng cách giữa quản lý và phát triển, chúng tôi dự kiến đăng ký với Quốc hội từ năm 2007 đến 2010, sẽ nâng cấp pháp lệnh Bưu chính viễn thông, hoàn thiện một số vấn đề trong luật CNTT và có luật Viễn thông, luật Tần số vô tuyến điện. Chúng ta sẽ hướng thị trường bưu chính, viễn thông, CNTT, đặc biệt là Internet, chạy theo một đường ray thực sự cởi mở, đúng hướng mà không còn việc quản lý theo sự phát triển nữa.
- Vì sao Bộ trưởng lại dùng hình ảnh "cơn lốc" để nói tới kế hoạch phát triển Internet từ nay đến năm 2010?
- Trước đây, chúng tôi từng đặt mục tiêu trong chiến lược tăng tốc đến năm 2000 là phải có 1 máy điện thoại trên 100 dân. Nhưng kế hoạch đã rút ngắn được 5 năm so với dự kiến. Việc đi thẳng vào công nghệ hiện đại đã thu hẹp khoảng cách với các nước vài chục năm nên đến năm 2000, chúng tôi quyết định dừng chiến lược tăng tốc để chuyển sang một bước nhảy mạnh mẽ hơn là hội nhập phát triển, đón đầu cơ hội với WTO. Sau quá trình này, các lĩnh vực của ngành đều đi trước một bước. Hiện VN vượt cả Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Philippines và chỉ đứng sau Singapore với khoảng 19% dân số sử dụng Internet. Đến 2010, hạ tầng trong nước rất vững chãi, 6 doanh nghiệp khai thác dịch vụ viễn thông di động đều chủ trương đi lên 3G và WiMax.
Nếu hình dung hiện nay VN có trên 70% dân số dưới 35 tuổi, trong 15 năm nữa, số lượng người 50 tuổi sẽ là cán bộ tương đối chủ chốt trên tất cả các lĩnh vực, họ chắc chắn không thể không biết sử dụng Internet. Về mặt tự nhiên đã có hơn 70% dân số sử dụng Internet. Vì thế mục tiêu 80-90% dân số dùng mạng không phải là quá ghê gớm. Nhưng có một số việc phải làm để đạt được đích đó.
Đầu tiên là giá máy tính phải hạ. Chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu máy tính mà không cần hệ điều hành, ổ cứng riêng để giá PC giảm xuống. Nếu phần mềm Office giá từ 100 đến 200 USD cùng với đĩa cứng khoảng 200 USD nữa, vậy là người dùng sẽ được giảm tới 300 USD. Đối với thanh thiếu niên, máy tính rẻ không cần phần mềm riêng, như vậy sẽ giúp sáng tạo những phần mềm từ mã nguồn mở trên mạng.
Nếu phổ cập những kiến thức sơ đẳng nhất trong việc sử dụng, cung cấp, tìm kiếm thông tin trên mạng cho giới trẻ tại hệ thống trường học, điểm bưu điện văn hóa xã thì chính những thế hệ này sẽ kèm cặp thế hệ kế tiếp và họ sẽ tạo nên sự phát triển đột phá trong lĩnh vực Internet. Trong khi đó, VN đang xếp thứ 17/20 quốc gia có mật độ sử dụng Internet cao. Vì vậy, không có lý do gì để không lạc quan về "cơn lốc Internet Việt Nam”.
- Các dịch vụ giá trị gia tăng và nội dung trên Internet ở VN vẫn còn nghèo nàn. Cần phải có những giải pháp cụ thể nào để đáp ứng nhu cầu thông tin cho người sử dụng?
- Tôi cho rằng cần phải quan tâm đến một số vấn đề. Thứ nhất là nhận thức. Có nhận thức đúng, chúng ta sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, sử dụng hiệu quả hơn. Thứ hai là phải khai thác, tương tác Internet để có được nguồn nhân lực phục vụ lợi ích của mọi giới. Thứ ba là nội dung từ Internet đem lại phải hay, phù hợp. Nếu là e-learing thì phải đúng với nhu cầu của học sinh, sinh viên. Nếu là y tế điện tử thì phải có thông tin chữa bệnh cho người dân phù hợp với nhu cầu của họ.
Về mặt công nghệ, mục tiêu cần đặt ra của các nhà khai thác là nối mạng nhanh, an toàn và tạo an tâm cho người sử dụng. Chất lượng của các hệ thống sẽ quyết định sự phát triển của Internet.
- Sự tăng tốc về đường truyền, băng thông rất mạnh trong khi phần nội dung còn thiếu phong phú liệu có gây ra sự lãng phí?
- Chúng ta quản lý viễn thông, Internet không phải trên số lượng thuê bao mà là lưu lượng của những đường truyền đó. Có thể nói, nội dung trên mạng sẽ quyết định hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, nhà khai thác dịch vụ. Chính vì vậy tiếng Anh sẽ phải được tự động hoá dịch ra tiếng Việt để người trong nước có thể đọc được tất cả thông tin trên thế giới. Chúng tôi đã nghiên cứu hệ thống dịch 5 thứ tiếng với sự hợp tác của người ngoài. Trước mắt là Anh - Việt và Việt - Anh.
Cũng cần nghiên cứu để tất cả mọi người, mọi giới đều được sử dụng Internet. Còn các dịch vụ thoại cố định, di động của viễn thông có thể hoà quyện với nhau, hướng tới mục tiêu một người có nhiều kết nối chứ không phải một kết nối - một thuê bao như hiện nay.
- Mục tiêu phát triển Internet trong thời gian tới là gì, thưa ông?
- Hiện nay, dù mới đạt tỷ lệ 18,64% dân số sử dụng Internet nhưng chỉ tiêu tới 2010, con số này là 40%, tức là khoảng 43 triệu dân dùng mạng. Đây là mục tiêu mà Bộ đã “dũng cảm” đặt ra nhưng có điều kiện để biến thành hiện thực. Chính vì vậy mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói chỉ tiêu này có thể vẫn là thấp so với yêu cầu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá, và với dân số trẻ. Phát động một “cơn lốc” Internet là chúng tôi muốn nói ít ra phải vượt 40%.
Theo Vnexpress