Sau 5 năm làm việc tại nhiều công ty phần mềm, tin học, năm 2005, Lê Tiến Thành (tốt nghiệp khoa Tin học quản lý ĐHDL Quản trị kinh doanh Hà Nội) quyết định dốc túi hết 2.000 USD dành dụm được để đầu tư cho một cửa hàng trực tuyến.
Với kiến thức công nghệ thông tin sẵn có, Thành lập web không mấy khó khăn. Cái khó là tìm mặt hàng gì để kinh doanh trong thời buổi hàng hóa cạnh tranh khốc liệt? Là người thích sưu tầm, chơi thời trang đồ độc, Thành nhận thấy nhu cầu về vòng cổ, phụ kiện cho quần áo như lắc, vòng, xích... rất lớn trong khi loại hàng hóa này lại không nhiều trên thị trường. Để tìm hiểu thêm về mặt hàng này, Thành sang Thái Lan đi khắp các khu du lịch, các cửa hàng quà tặng để tìm hiểu các mặt hàng trang sức, lưu niệm đang được giới trẻ Thái ưa chuộng.
Đầu năm 2005, Thành vào công tác tại TP Hồ Chí Minh, cũng tại đây, anh khai trương website www.anhshop.com chuyên bán đồ lưu niệm trực tuyến. Hàng đẹp, web nhiều tiện ích, nhưng đã gần 6 tháng trôi qua, lượng khách truy cập vẫn chưa đông, lượng giao dịch quá ít. Thành nhận ra rằng muốn làm giàu từ thương mại điện tử không dễ như người ta tưởng.
Vốn cạn dần, công việc ngập đầu... Thành đứng trước nguy cơ phải đóng cửa website bán hàng trực tuyến mà anh hằng mơ ước. Theo bạn, Thành phải làm gì vào lúc này?
Giải pháp của MFO Kinh tế TP.HCM: Có 2 phương pháp mà đội chúng tôi đưa ra thứ nhất là quảng cáo, thứ hai là kỹ năng. Về quảng cáo, có thể quảng cáo trên 3 phương diện: quảng cáo trong đời sống, có thể lợi dụng uy tín của những người nổi tiếng, nhờ họ nói về chất lượng sản phẩm và dịch vụ của mình. Thứ hai là qua báo và thứ ba là qua e-marketing như qua e-mail, các forum... Còn riêng bản thân chủ doanh nghiệp, cần phải tìm hiểu rõ hơn về thương mại điện tử, các hình thức thanh toán hiện đại...
MFO Đại học Mở HN: Mở cửa hàng ngoại tuyến tồn tại song song với cửa hàng ảo.
Thứ nhất là vay vốn xây dựng một cửa hàng thật, để làm nơi quảng bá giới thiệu sản phẩm và tạo sự tin tưởng cho khách hàng. Bên cạnh đó nên tăng cường các hoạt động quảng bá trực tuyến như quảng bá trên các forum, đặt banner tại các trang web thu hút nhiều học sinh, sinh viên. Và chúng ta cũng có thể liên kết với hệ thống ngân hàng để xây dựng hệ thống phân phối thật tốt.
Giải pháp của Lê Tiến Thành:
Nắm được tâm lý người Việt vẫn chưa quen với cách mua bán qua mạng, phương thức thanh toán còn nhiều bất cập, Thành quyết định đưa cửa hàng online xuống phố.
Anh mở cửa hàng đầu tiên tại một con hẻm nhỏ ở quận Phú Nhuận, TP.HCM. Bên cạnh việc bán vòng đeo cổ và đồ trang sức, Thành nhập thêm một số quần áo, tinh dầu, lò đốt tinh dầu... để phục vụ khách hàng. "Quần áo người ta có thể chọn trên web nhưng còn phải đo xem họ mặc có vừa không, có hợp không. Tinh dầu có thể nhìn thấy nhưng cái quan trọng là phải ngửi được hương thơm của nó. Vì vậy, mình quyết định mở cửa hàng để bày sản phẩm. Người ta có thể tham khảo mẫu mã, giá cả trên web rồi đến cửa hàng chọn đồ, trả tiền", Thành giải thích.
Với cách nghĩ ấy, Thành đã chinh phục được niềm tin của khách hàng. Anh nhận ra nếu website chưa có thương hiệu thì rất khó chiếm được niềm tin của khách hàng. Thành đã tạo lòng tin của khách từ cửa hàng thật, rồi tạo thói quen cho khách vào gian hàng ảo của mình để tìm kiếm thứ họ cần. Mỗi khi có hàng mới, anh lại gửi link cho khách hàng ruột nhằm giúp họ lựa chọn mẫu mã, giá cả, màu sắc... Hàng bán chạy, mỗi khách vào cửa hàng lại thêm một người biết đến website. Shop của Thành đã trở nên đông khách nhờ sự cộng hưởng cả cách bán hàng online lẫn offline.
Theo Thanh niên