Bộ Bưu chính Viễn thông dự tính đến năm 2010, mật độ thuê bao Internet trong nước đạt 13-15% thuê bao trên 100 dân và số người sử dụng Internet là 35-40%. Và trong 3 năm tới, 70% số xã có điểm truy cập Internet băng rộng, 100% huyện và xã trong vùng kinh tế trọng điểm được cung cấp dịch vụ này.
Để tạo nên một cơn lốc Internet, Bộ BCVT đưa ra 5 giải pháp trong quản lý. Đó là nâng cao nhận thức về Internet cho cả nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng; Phát triển nguồn nhân lực có tri thức; Người lao động biết sử dụng Internet; Tạo lập một môi trường ảo phục vụ thực sự hiệu quả cho quốc kế dân sinh; và xây dựng một hạ tầng thông tin hiện đại.
Trao đổi bên lề hội thảo, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông quân đội Viettel Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng để Internet về nông thôn thì phương án tốt nhất là giải pháp không dây. "Chúng ta có điều kiện thuận lợi trước mắt là Bộ Bưu chính Viễn thông sẽ cấp giấy phép 3G. Như vậy là ngoài dịch vụ thoại di động, hình ảnh... sẽ có cả Interrnet băng rộng. Điều đó có nghĩa là giá thành sẽ giảm đáng kể vì mọi dịch vụ có chung cơ sở hạ tầng", ông Hùng nói.
Tổng giám đốc Intel Việt Nam Thân Trọng Phúc cũng đồng tình với quan điểm này. Theo ông Phúc, công nghệ không dây sẽ giúp giải quyết được cả hai vấn đề là có khả năng vượt trội trong việc tiếp cận người dân vùng sâu và đảm bảo chất lượng dịch vụ khi mà ADSL mải tăng về "số" mà quên "chất".
Với một giải pháp phần cứng riêng, tập đoàn Intel đưa ra sáng kiến máy tính giá rẻ cho cộng đồng với cam kết các sản phẩm dành cho người không thể mua được PC sẽ có đầy đủ tính năng, dễ sử dụng, đảm bảo phù hợp với mục đích dùng chung trong giáo dục, trường học, gia đình hoặc cơ quan. "Chúng tôi sẽ có đề xuất với Bộ Bưu chính Viễn thông để một phần tiền của Quỹ viễn thông công ích được sử dụng cho chương trình này tại VN. Và nếu làm được điều này, người dân thu nhập thấp sẽ có cơ hội lớn trong việc tiếp cận công nghệ".
Chính sách là vấn đề cốt lõi trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vùng sâu tiếp cận Internet. Và một mảng rất quan trọng khi đưa Internet về vùng nông thôn chính là việc hoạch định chính sách trong nội dung thông tin. "Để công nghiệp nội dung có thể phát triển được, các nhà hoạch định chính sách phải ngồi lại quy hoạch phân định mảng nào xã hội hóa, mảng nào doanh nghiệp và người dân tự làm để có lợi nhuận cho chính họ", TS. Mai Anh, Ủy viên Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường Quốc hội, bày tỏ. "Mặt khác, có những mảng thông tin phải là công ích. Điều này cần có những dự án quốc gia để mỗi thành viên trong xã hội sẽ nhận được những thông tin có lợi cho họ mà không cần trả phí".
Theo Vnexpress