Thời điểm Internet vào Việt Nam: Không thể sớm hơn nữa
“Việt Nam tham gia mạng Internet toàn cầu ở một thời điểm rất quan trọng, và có lẽ, dù một số người mong muốn ra sớm hơn, nhưng theo đánh giá của tôi, khó mà có thể sớm hơn được nữa” - Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (BCVT) Mai Liêm Trực đã nhận định như vậy về một thời điểm không thể nào quên trong lịch sử phát triển của ngành Bưu chính Viễn thông Việt Nam - ngày đầu Việt Nam đã được hoà vào mạng Internet toàn cầu, 19/11/1997. Khi ấy, nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT đang đảm nhận chức vụ Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện - cơ quan quản lý lĩnh vực BCVT lúc bấy giờ.
Ông dẫn chứng: “Nếu như các dịch vụ viễn thông của Việt Nam mở ra chậm hơn thế giới khoảng 40-50 năm, dịch vụ điện thoại di động chậm hơn của thế giới khoảng 15-20 năm thì Internet vào Việt Nam chậm hơn so với khởi đầu của thế giới chỉ chừng 7-8 năm. Còn so với một số quốc gia trong khu vực thì chỉ chậm vài ba năm”.
Phải nói rằng cũng khó mà có thể đưa Internet vào sớm hơn được. Không phải lý do do vấn đề kỹ thuật, công nghệ bởi lẽ đến thời điểm năm 1997, mạng viễn thông của Việt Nam tuy dung lượng còn nhỏ nhưng về công nghệ cũng đã tương đương với những nước trong khu vực, lúc đó, viễn thông Việt Nam đã thực hiện chiến lược số hoá trên toàn mạng. Nhưng quả là không dễ dàng gì trong những ngày đầu với nhiệm vụ thuyết phục các lãnh đạo đồng ý mở của Internet.
Những ngày đầu đáng nhớ
Nguyên Thứ trưởng Mai Liêm Trực nhớ lại, quá trình thuyết phục là một quá trình khó khăn nhưng cũng có nhiều may mắn. Điều khó nhất lúc đó là làm sao có thể thuyết phục được, trình bày được, giải trình được với các giới lãnh đạo về những lợi ích thiết yếu của Internet cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước hội nhập quốc tế.
Khi ấy đất nước ta đang trên đà đổi mới, Việt Nam đã tham gia vào nhiều tổ chức trong khu vực và thế giới như ASEM. Trong khi các thành viên trong ASEM đang hướng tới eASEM mà Việt Nam lại chưa có Internet. Đây chính là một trong những yếu tố thuyết phục cần phải thúc đẩy sớm đưa Internet vào Việt Nam.
Nhưng điều khó nhất cần phải thuyết phục được lãnh đạo cấp trên là thuyết phục về khả năng cung cấp, phát triển và quản lý dịch vụ Internet khi chúng ta mở ra tại Việt Nam. Nguyên Thứ trưởng cho biết, về mặt kỹ thuật, công nghệ thì không có nhiều khó khăn, nhưng khi quản lý dịch vụ thì khó khăn hơn kỹ thuật rất nhiều kể cả vấn đề chất lượng dịch vụ, tốc độ truy cập, giá cước. Vì đây là lần đầu tiên chúng ta triển khai Internet tại Việt Nam nên chưa có kinh nghiệm nhiều.
Đã có nhiều câu hỏi băn khoăn lo lắng về những mặt tiêu cực khi mở Internet của lãnh đạo cấp trên, chẳng hạn như sợ lộ bí mật. Trước đây, một cá nhân khi ra nước ngoài sẽ phải kiểm tra trực tiếp xem họ mang theo những tài liệu gì nhưng khi đã có Internet rồi ai cũng biết làm sao mà quản được nữa. Rồi lo việc lợi dụng Internet nói xấu, xuyên tạc chế độ... Những sự lo ngại đó đều rất đúng, chính đáng nhưng nếu không có sự giải toả ngay thì sẽ làm chậm quá trình Việt Nam tham gia triển khai dịch vụ Internet. Theo Nguyên Thứ trưởng, thời gian đưa Internet vào Việt Nam khi đó được tính bằng ngày, bằng tuần.
Và để có thể giải toả được, những người đưa Internet vào phải giải trình được với các cấp lãnh đạo được những khúc mắc đó. "Anh" phải đủ hiểu biết và lý lẽ để thuyết phục được, thậm chí, theo Nguyên Thứ trưởng, "anh" cũng phải dũng cảm giải trình. Khi bị đặt câu hỏi phải trả lời được, phải thuyết phục, giải toả những lo ngại đồng thời đưa ra những biện pháp hạn chế những tiêu cực đó, làm sao giúp các bậc lãnh đạo thấy được mở Internet ra sẽ tốt hơn là đóng kín. Tất nhiên cái gì cũng có mặt lợi, mặt hại. Vấn đề ở chỗ "anh" phải có kiến thức hiểu thực chất vấn đề, mặt lợi, mặt hại, “anh” phải hiểu thực chất, hiểu một cách rõ ràng, cụ thể. Ngoài hai yếu tố trên, theo Nguyên Thứ trưởng, yếu tố thứ ba cũng không thể thiếu đó là phải tạo ra được sự ủng hộ, đồng thuận nhất là ở các cấp bộ, ngành. Do đó việc Việt Nam có ngay một Ban chỉ đạo ở thời kỳ đầu trong lĩnh vực Internet là rất cần thiết để có được tiếng nói chung cùng thấy được cái khó và cái thuận.
Về chủ trương đã được lãnh đạo trung ương bật đèn xanh mặc dù còn có những e ngại như cần phải "quản đến đâu, mở đến đấy". Các nhà khoa học của Việt Nam rồi các cơ quan thông tin đại chúng cũng đã nhận thấy sức mạnh của Internet và có ý thức thúc đẩy, ủng hộ đã giúp cho các nhà quản lý như Tổng cục Bưu điện, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Văn hoá Thông tin, Bộ Công an... những thành phần chủ chốt trong Ban điều phối quốc gia mạng Internet ở Việt Nam lúc đó có thể mạnh dạn, quyết liệt để xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các nghị định, các thông tư, các quy định, quy chế của Tổng cục Bưu điện về chất lượng dịch vụ, giá cước... để tạo hành lang pháp lý cho tốt.
Trong vai trò là Phó Ban điều phối quốc gia mạng Internet ở Việt Nam, (lúc đó người giữ trọng trách Trưởng ban là Phó Thủ tướng hiện nay của nước ta Phạm Gia Khiêm) nguyên Thứ trưởng cùng các thành viên trong Ban chỉ đạo thuộc một số bộ, ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Văn hoá Thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cùng ngồi lại với nhau bàn bạc đưa ra các phương án triển khai, quản lý đầu tiên cho một dịch vụ hoàn toàn mới mẻ. Ông nhớ lại, văn bản pháp lý đầu tiên về quản lý dịch vụ Internet là Nghị định 21 được ban hành tháng 3/1997 chuẩn bị cho việc chính thức mở Internet Việt Nam sau đó vào tháng 11.
See you on Internet
Nói như nhiều chuyên gia, 10 năm là một cột mốc dài. Bản thân cá nhân nguyên Thứ trưởng Mai Liêm Trực cũng thừa nhận sức mạnh của Internet thực sự quá lớn. Sự phát triển như vậy rất mạnh mẽ, không những cho sự phát triển của kinh tế xã hội mà kể cả an ninh quốc phòng... Đứng về tư duy đã có sự thay đổi lớn. Internet nhạy cảm như vậy mà vẫn phát triển. Đó cũng còn là một bước ngoặt về thịtrường Internet, viễn thông của Việt Nam đã bắt đầu có cạnh tranh từ năm 1997.
Internet vào Việt Nam đã được cơ quan quản lý nhà nước thực hiện cho cạnh tranh kinh doanh ngay từ đầu. Bốn ISP là VDC, Netnam, FPT, và Saigonnet cùng một ngày 19/11/1997được Tổng cục Bưu điện cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ.
Bốn doanh nghiệp khi xin phép Tổng cục Bưu điện được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ Internet đã có sự chuẩn bị rất tích cực đặc biệt là cơ sở hạ tầng viễn thông. Nguyên Thứ trưởng nhấn mạnh đến hạ tầng viễn thông đã rất hiện đại của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông VNPT lúc đó. VDC - doanh nghiệp trực thuộc VNPT đã là đơn vị chủ lực thiết lập được các cơ sở kỹ thuật, trong những ngày đầu đã giúp cho ban chỉ đạo quốc gia đi khảo sát, kiểm tra yên tâm có thể triển khai dịch vụ.
Sau gần 3 năm triển khai Internet thấy rằng những mặt tốt đã nhiều hơn những mặt hạn chế, và cần phải tham gia mạng Internet toàn cầu. Lúc đó, thị trường Internet mới bắt đầu cạnh tranh mạnh hơn cùng với những động thái từ phía cơ quan quản lý nhà nước là Tổng cục Bưu điện như điều chỉnh giá cả giảm xuống, dung lượng đường truyền tăng lên, mở mạng công cộng Internet cà phê...
Sự hưởng ứng của xã hội đã rất mạnh mẽ. Sức mạnh của Internet, cái lợi của Internet mọi người đã cảm thấy. Nguyên Thứ trưởng đã minh hoạ, câu nói tiếng Anh: See You Again trước đây người ta hay dùng khi chào tạm biệt nhau đã được thay bằng See you on Internet. Kể cả trong nước và nước ngoài người ta cũng sử dụng câu chào ấy.
Việc xây dựng Nghị định 55 ban hành ngày 23/8/2001 thay thế cho Nghị định cũ cũng lại là quá trình thuyết phục từng bước, phát triển đến đâu quản lý tới đó. Đây là sự thay đổi về mặt tư duy. Ngay cả việc bảo mật thông tin của cơ yếu cũng đã có sự thay đổi. Trước đây việc bảo mật thông tin trước bằng mật mã, mã khoá cứng, bằng cơ công, bằng con người thì nay mã bằng công nghệ số tin học. Theo ông Trực, Việt Nam cũng có những giải pháp về kỹ thuật như bức tường lửa, cả những giải pháp về hành chính như những thông tư, quy định để quản lý. Nhưng quan trọng nhất là nâng cao được dân trí.
Báo điện tử đã giúp chúng tôi vững tin hơn khi đưa Internet vào Việt Nam
Trong cuộc nói chuyện với phóng viên, không dưới hai lần Nguyên Thứ trưởng đề cập tới vai trò của báo điện tử trong những ngày đầu Internet chập chững vào Việt Nam. Ông cho rằng, phải xác định không tham gia phát triển Internet là không được, mất cơ hội. Một trong những lý do sau này giúp chúng tôi vững tin vào việc mở Internet ở Việt Nam hơn đó chính là sự kiện báo điện tử ra đời. Sau đó vài ba năm nghĩ lại giật mình, nếu mình không đấu tranh để mở được, chỉ cần sau 3-4 năm nữa mới mở thì không biết Việt Nam lạc hậu tới mức nào. Lúc đó khi mở ra, một hai năm đầu cũng có những vấn đề nhất định thậm chí cũng có những ý kiến đề nghị đóng lại. Nhưng tôi rất mừng là khi ấy đã có nhiều báo điện tử ra đời. Những tờ báo điện từ đầu tiên như tờ báo Quê hương, thời báo kinh tế Việt Nam điện tử... Trước đó giới đầu tư nước ngoài rất ít thông tin về đầu tư tại Việt Nam nên họ ngại, sợ đầu tư vào Việt Nam nhưng khi mở những trang báo điện của chúng ta ra, họ đã có được những thông tin chính thống. Báo điện tử đã phát huy tác dụng rất tốt.
Ba năm đầu Internet vào Việt Nam lượng người sử dụng còn ít vì khi đó chưa có mạng Internet công cộng. Lúc đó phần lớn chỉ có báo chí lên mạng tốt, lợi ích thứ hai là các nhà khoa học, nhà quản lý truy cập Internet để tìm hiểu thông tin phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu khoa học... đã thấy sức mạnh của Internet.
Mỗi mốc thời gian dù đã diễn ra cách đây mươi năm, như từ năm 1997 đến 2000, thấy sự phát triển của Internet về cơ bản là rất tốt, cạnh tranh sẽ thúc đẩy sự phát triển và thị trường Internet phát triển sau ba năm cạnh tranh là khá lành mạnh ở chỗ VDC chiếm chừng khoảng 58-60%, FPT khoảng 28-30%... Rồi rút kinh nghiệm về phát triển Internet, Tổng cục Bưu điện đã đề ra kế hoạch mở cửa thị trường viễn thông. Năm 2000 Tổng cục Bưu điện đã quyết định mở cửa thị trường dịch vụ viễn thông đầu tiên là VoIP... Tất cả những mốc đó đều được Nguyên Thứ trưởng nhớ như in từng ngày bởi theo ông, đó là sự trăn trở ngày đêm.
Giờ khi đã về nghỉ, tự nhận với vai trò là một cổ động viên ở ngoài sân cỏ nhưng với sự phát triển của Internet, Nguyên thứ trưởng vẫn rất tâm huyết. Theo ông, xét về mặt công nghệ mạng lưới, chất lượng dịch vụ, giá cước... đương nhiên luôn có sự đổi mới, nâng cấp và điều chỉnh tuy nhiên về cơ bản là khá ổn nhưng Internet giờ không còn là dịch vụ với công nghệ đơn thuần mà nó đã là một phần của cuộc sống rất sôi động hiện nay của thời kỳtoàn cầu hoá. Trong thời kỳ ấy sự phát triển của công nghệ rất nhanh và nó có sự hội tụ giữa công nghệ và dịch vụ, giữa nội dung với dịch vụ nên cả vấn đề tư duy, nhận thức và cách thức quản lý vẫn đang còn lúng túng. Hay nói cách khác, thời đại của xã hội thông tin, nền kinh tế tri thức trong đó vai trò của Internet và CNTT phần cứng phần mềm rất lớn. Thời điểm này muốn cho Internet phát triển một cách tốt, nhanh lành mạnh thì một lần nữa lại cần có sự đổi mới tư duy thực sự, cần có cách tiếp cận thực sự với những việc của công nghệ, của nội dung, của nền kinh tế tri thức thì mình mới có thể có một hành lang pháp lý, một chính sách đủ tầm nhìn chứ không nên chỉ có đi giải quyết từng sự việc hay một vấn đề cụ thể nào đó.
Và theo Nguyên Thứ trưởng, Internet Việt Nam đang bắt đầu một giai đoạn mới...
Theo Vnmedia