- 2007, tròn 10 năm Internet có mặt tại Việt Nam, ông Chu Hảo đã chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ.
>> Câu chuyện 10 năm Internet và nỗ lực cho 20 năm sau
|
"Internet là công nghệ mới, hiện đại, đi vào càng sớm càng có ích". Ảnh: Lê Anh Dũng
|
Hai trở ngại lớn nhất mà các cấp lãnh đạo lo ngại lúc bấy giờ nếu mở cửa cho Internet vào VN là: An toàn thông tin; Những luồng văn hóa, tư tưởng độc hại từ bên ngoài tràn vào.
Nhưng thời điểm năm 1996-1997 mà vẫn không cho phép mở cửa Internet thì chỉ trong vài ba năm tới, VN sẽ trở thành ốc đảo. Với tư cách đại diện cho Ban chỉ đạo chương trình QG về CNTT, chúng tôi đã cùng một số anh em của các bộ ngành liên quan đã hết sức cố gắng tìm cách đặt vấn đề sao cho có sức thuyết phục.
Vào khoảng giữa năm 1997, chúng tôi gồm các anh Phạm Gia Khiêm (Bộ trưởng Bộ KHCN); anh Đỗ Trung Tá; anh Nguyễn Khánh Toàn, anh Mai Liêm Trực... được ban bí thư triệu tập lên báo cáo. Đồng chí Lê Khả Phiêu, thường trực Ban Bí thư chủ trì cuộc họp.
Chúng tôi gồm đã phân nhau mỗi người sẽ thuyết trình về một khía cạnh, với mục tiêu là phải giải trình thật rõ ràng để Ban Bí thư ủng hộ. Nhưng, ý thức được rằng những lo ngại của các lãnh đạo không phải không có cơ sở nên chúng tôi cũng thống nhất phải chọn lý lẽ phù hợp để "trên" không quá lo lắng về những rủi ro có thể xảy ra. Đồng thời, anh em cũng nói rõ những nguy cơ có thể phải chấp nhận. Bởi thời điểm sơ khai đó, cùng với những lo ngại về rò rỉ thông tin thì cũng có khá nhiều đồn thổi về chức năng thần kỳ của bức tường lửa (firewall).
Trình bày về chuyện bảo vệ an ninh khi mở cửa Internet, quan điểm của chúng tôi lúc đó rất rõ ràng, rằng, đây là chuyện của con người chứ không phải của kỹ thuật. "Firewall" không phải là cánh cửa vạn năng.
Vào thời điểm sơ khai đó, cùng với những lo ngại về rò rỉ thông tin thì cũng có khá nhiều đồn thổi về chức năng thần kỳ của bức tường lửa (firewall).
|
Thử nghiệm bất kỳ lĩnh vực mới nào cũng có độ mạo hiểm. Đã đi vào cánh cửa thế giới hiện đại là phải chấp nhận độ rủi ro. Càng hiện đại, nguy cơ rủi ro càng cao. Nếu không chấp nhận điều này thì sẽ bị bỏ rơi lập tức.
Chúng tôi cũng đề xuất, trước mắt, hãy cứ để doanh nghiệp và các cơ quan khoa học công nghệ nối mạng trước. Còn những cơ quan trọng yếu khác vẫn cứ làm việc theo "công nghệ truyền thống". Một số nơi cơ mật khác như Văn phòng Chính phủ, tạm thời cũng chưa nối mạng vội...
Sau khi nghe chúng tôi giải trình hết những phương án dự kiến, đồng chí Lê Khả Phiêu cuối cùng đã kết luận "Tôi tin các anh. Cứ làm thử đi". Tuy ban đầu lộ rõ những băn khoăn, phân vân nhưng sau đó đồng chí đã tỏ ra rất quyết đoán.
Buổi thuyết trình sau đó với Thủ tướng Phan Văn Khải cũng diễn ra suôn sẻ. Nguyên Thủ tướng vui vẻ đồng ý với những đề xuất của chúng tôi. Lúc đó, lãnh đạo cả bên Đảng và Chính phủ đều thống nhất quan điểm "Quản được đến đâu thì mở đến đó".
- Vậy, Ban chỉ đạo QG về CNTT đã tiếp thu quan điểm của lãnh đạo như thế nào?
- Lúc đó, chúng tôi cũng đồng ý với quan điểm này và nhất trí sẽ thực hiện một cách nghiêm túc nhưng cũng thấy rằng đây là chủ trương trước mắt, là bước khởi đầu. Về sau sẽ phải đi theo hướng, phát triển đến đâu thì quản lý đến đó.
Và hướng phát triển mới này sau đó đã được thể hiện một cách đầy đủ trong chỉ thị 58 của Bộ Chính trị về phát triển CNTT sau năm 2000.
- Trong bối cảnh vẫn còn nhiều những lo ngại về việc mở cửa Internet, vậy quyết tâm phải đưa được Internet vào VN xuất phát từ đâu?
- Một QG tiên tiến như Mỹ cũng mới bắt đầu nối mạng Internet vào những cuối những năm 70. Tôi, cũng như một số anh em trong ban chỉ đạo ngay khi được tiếp xúc với nó đã biết rằng đây là công nghệ mới, hiện đại, đi vào càng sớm càng có ích.
- Vậy ông tiếp xúc với Internet lần đầu tiên là khi nào và nó đã có tác động đến ông ra sao?
- Tôi tiếp xúc với Intenet lần đầu là vào những năm 1995-1996, khi sang Mỹ dự hội thảo khoa học, được anh em đồng nghiệp bên Mỹ và Việt kiều giới thiệu cho biết. Tôi đã nhận ngay ra rằng, nó có những tiện ích kết nối không gì sánh được.
Sau đó, khi đã dùng Internet ở trong nước để trao đổi với bạn bè quốc tế, tôi thấy ngay không thể có cách nào dừng lại được mà chỉ có cách phải phát triển.
|
"Chúng tôi đã phải mất khá nhiều thời gian để làm thay đổi thói quen dùng mail thay vì thư tay và fax". Ảnh: LAD. |
- Tuy nhiên, để trình bày trước các đồng chí lãnh đạo một cách thuyết phục, ông đã phải chuẩn bị những gì?
- Hồi đó, không nhiều ý kiến phản đối mà chỉ có những lo ngại có thể hiểu được. Do đó, để thuyết phục, chúng tôi phải chuẩn bị rất kỹ. Ngoài việc giao bộ phận kỹ thuật chuẩn bị các cơ sở hạ tầng và công nghệ cần thiết, chúng tôi cũng ráo riết chuẩn bị các văn bản pháp quy để trình chính phủ phê duyệt và ban hành... Chúng tôi đã thu thập khá đầy đủ tài liệu, cử anh em ra nước ngoài học tập.
Khó khăn gặp phải hồi đó chỉ là cơ sở hạ tầng còn kém. Ngay cả khi mở cửa cho Internet vào rồi, chúng tôi cũng phải mất khá nhiều thời gian để làm thay đổi thói quen dùng mail thay vì thư tay và fax. Chỉ có giới trẻ là bập vào rất nhanh... Cũng nhiều cơ quan, đến tận năm 2000 vẫn coi máy tính không khác một cái máy chữ.
- Ông có thể chia sẻ một số những câu chuyện thú vị về quan điểm quản lý đối với Internet mà ông đã gặp được trong những ngày đầu của quá trình Internet vào Việt Nam hay không?
- Hồi mới lắp mạng, anh em trong ban chỉ đạo đã nghĩ đến chuyện phải xây dựng một số website, đặc biệt cần phải có một số tờ báo lập website. TBT Thời báo kinh tế VN lúc đó đã rất sốt sắng ngỏ ý muốn làm ngay báo mạng. Nhưng chúng tôi dự tính sẽ đưa báo "Nhân dân" và "Thông tấn xã Việt Nam" lên mạng trước rồi sau đó mới khuyến khích các báo khác.
Nhưng khi đặt vấn đề thì ban đầu TBT hai tờ báo tỏ ra ngần ngừ, e ngại. Chúng tôi phải dùng lý lẽ để vận động và thuyết phục.
Cũng hồi đó, khi chúng tôi gợi ý cho Bộ Thương mại chuẩn bị đề cương phát triển thương mại điện tử thì một số anh em lãnh đạo Bộ còn hiểu nhầm E-commerce là "bán các mặt hàng... điện tử".
Internet hồi đó quá mới mẻ nên bộ phận kỹ thuật của ban chỉ đạo phải giải thích khá nhiều về thuật ngữ, khái niệm.
- Sau mười năm Internet vào Việt Nam, ông có cảm nhận gì về những thay đổi do Internet mang lại?
- Lợi ích của Internet hiển nhiên đến mức nguồn lợi của nó được khai thác đến đâu là tùy vào người sử dụng. Hiện, không một ai biết sử dụng máy tính mà lại không có khát vọng, thèm muốn được giao lưu với đồng nghiệp và bạn bè quốc tế qua mạng. Thiếu nó, sẽ không có cơ hội để tận dụng được kho tàng tri thức thông tin (vô hạn) nằm trên website của mạng toàn cầu. Hơn nữa, ngày nay mỗi người đều có thể có cơ hội để sở hữu một trang thông tin cá nhân trên mạng
- Ông có nhìn nhận gì về triển vọng phát triển của Internet ở Việt Nam trong mười năm, hai mươi năm sắp tới?
- Internet luôn phát triển theo hàm số mũ. Số người truy cập mạng ngày càng nhiều. Hiện, công nghệ cũng tiến bộ rất nhanh để thỏa mãn nhu cầu và đáp ứng đòi hỏi của con người, đồng thời trí tuệ loài người được tích hợp vào mạng toàn cầu cũng ngày càng nhiều hơn.
Đây là ba lý do để tương lai của Internet trên thế giới cũng như tại VN sẽ phát triển.
- Xin cảm ơn ông.
Theo Vietnamnet