|
Victoria’s Secret, một trong những website thời trang thành công nhất tại Mỹ
|
Cuộc nghiên cứu mới nhất do Forrester Research tiến hành cho thấy: 2006 là năm đầu tiên trong lịch sử mà người Mỹ chi nhiều tiền cho việc mua sắm quần áo hơn cả sắm sửa thiết bị máy tính qua mạng.
Còn so với năm 2005, doanh thu của ngành công nghiệp thương mại điện tử đã tăng trưởng hơn 25%, đạt 220 tỷ USD và bỏ xa mức kỳ vọng trước đó của giới phân tích (20%).
"Thương mại điện tử đang phát triển hết tốc lực. Thị phần mà nó nắm giữ trong tổng doanh thu bán lẻ của nước Mỹ ngày càng lớn", Forrester kết luận.
Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử lại càng được đảm bảo, khi mà số lượng người dùng Internet băng thông rộng trên thế giới đông lên từng ngày. Nhưng quan trọng hơn, các thủ tục mua hàng trực tuyến, thanh toán trực tuyến ngày càng dễ dàng hơn, và việc lướt Web, chọn đồ, sắm sửa cũng ngày càng trở nên thú vị hơn, hấp dẫn hơn.
Số liệu phân tích cho thấy những Website tối tân, cho phép người dùng xem cận cảnh sợi vải, đường kim mũi chỉ và các chi tiết của trang phục, có doanh thu tăng tới 61%. Cùng với nhau, các website kinh doanh quần áo, phụ kiện và giày dép đóng góp tới 18,3 tỷ USD, chiếm luôn ngôi vị No 1 của ngành thương mại điện tử Mỹ (không kể du lịch).
Trong khi ấy, phần mềm và phần cứng máy tính chỉ tăng trưởng 20% lên doanh thu 17,2 tỷ USD.
"Các hãng bán lẻ đã nhận diện rất tốt những rào cản ngăn giữa người dùng với mua sắm trực tuyến. Và phải nói, họ đã giải quyết những trở ngại đó còn tốt hơn", ông Scott Silverman, Giám đốc điều hành Shop.org - đơn vị phối hợp với Forrester tiến hành nghiên cứu, cho biết.
Để "kích cầu" từ phía khách hàng, các doanh nghiệp thương mại điện tử thường xuyên áp dụng chính sách giao hàng miễn phí và cho gửi trả lại hàng nếu khách không ưng. Chính sách này tỏ ra đặc biệt hiệu quả với những website bán giày như Zappos.com, Piperlime.com và Endless.com của Amazon.
Thời điểm chững lại
|
Nguồn: StarTribune |
Tất nhiên, tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 20% không thể tồn tại vĩnh viễn. Theo ông Silverman, doanh thu của ngành thương mại điện tử trong năm 2007 sẽ đạt 259 tỷ USD, tức là chỉ tăng 18% so với năm 2006.
"Chắc chắn là đến một thời điểm nào đó, con tàu sẽ phải giảm tốc. Có thể bạn không biết, nhưng thương mại điện tử đã ra đời được 13, 14 năm nay rồi, và có những dấu hiệu cho thấy nó đã chuẩn bị bước vào giai đoạn "trung niên".
Thế nhưng điều trái khoáy là vào lúc này, nhiều hãng bán lẻ mới bắt đầu nhận ra tác động tích cực của chính sách thương mại điện tử. "Họ mới bắt đầu nhìn ra tiềm năng của việc bán hàng qua mạng thôi. Khoản đầu tư dè dặt cho thương mại điện tử của họ làm sao có thể tạo nên ưu thế được?".
Đi đầu về đầu tư cho bán hàng trực tuyến không ai khác chính là Amazon.com. Hãng này đã chi không tiếc tiền cho việc nâng cấp hệ thống và bổ sung tính năng mới cho website của mình, khiến cho người dùng thật sự thoải mái, tin tưởng khi đi shopping trên Amazon.
Phố Wall từng chỉ trích Amazon khi ngân sách chi cho công nghệ của hãng tăng tới 47% trong năm 2006, song Amazon tuyên bố khoản đầu tư này hoàn toàn xứng đáng và sẽ mang lại quả ngọt về lâu về dài.
Theo Vietnamnet