Thứ sáu, 19/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 14/05/2007
Quốc hội điện tử: quốc hội gần dân hơn

 

Ông Ngô Minh Châu

Đại biểu Quốc hội sắp tới có thể sẽ được trưng cầu ý kiến qua mạng; người dân có thể gửi đơn thư góp ý đến Quốc hội qua mạng; sẽ có trang web để người dân theo dõi lời hứa và thực hiện lời hứa của các bộ trưởng... Đó là những hiệu quả từ đề án số hóa Quốc hội (Quốc hội điện tử - e-Parl) đang được triển khai. Tuổi Trẻ gặp gỡ đầu tuần với ông NGÔ MINH CHÂU - giám đốc Trung tâm tin học Văn phòng Quốc hội.

* Thưa ông, đề án quốc hội điện tử khác so với các đề án tin học hóa khác ở phương thức đào tạo không chạy theo chứng chỉ?

- Ông Ngô Minh Châu: Chúng tôi phản đối kiểu đào tạo nặng về lấy chứng chỉ trong việc sử dụng công nghệ thông tin (CNTT). Sinh viên hoặc những người chuẩn bị thi công chức, lên chức mới cần chứng chỉ, còn công chức cần kiến thức thật sự hơn. Nhiều vấn đề tin học căn bản vẫn được mọi người học từ bạn nhiều hơn từ thầy.

Chúng tôi nghĩ nên mạnh dạn đổi mới ở khâu đào tạo. Thực tế, chúng tôi chỉ đào tạo cho công chức biết cách sử dụng Internet, sử dụng mạng nội bộ trong cơ quan và các ứng dụng đã triển khai trong quốc hội điện tử. Những bộ phận đặc thù thì học thêm những kiến thức nghiệp vụ liên quan. Việc đổi mới đào tạo mới được chúng tôi triển khai một năm rưỡi song đã bám sát nhu cầu thực tế, mang lại hiệu quả rõ rệt.

* Rất nhiều cơ quan đầu tư tiền tỉ mua máy móc nhưng sau đó không dùng được.

- Nhiều nơi có tiền là nghĩ ngay đến việc mua máy, triển khai dự án mà không nghĩ phải đào tạo nhân lực, chuẩn bị phần mềm làm việc trước. Nên thật buồn là khi máy móc đủ rồi, kinh phí chi xong, liên hoan nhiều lần rồi nhưng cuối cùng không có người làm, hoặc không đủ trình độ, hoặc không có phần mềm. Thiết bị tiền tỉ lại được đem đi dùng để đánh máy, chơi cờ carô.

Không dự án nào không có khó khăn. Trụ sở làm việc của Quốc hội tản mạn ở nhiều nơi, riêng ở Hà Nội đã có bốn địa điểm (tại Ngô Quyền, Hùng Vương, Ba Đình, Vọng Thị) nên khi lập đề án về cơ sở hạ tầng thì đường dây không nằm gọn trong một tòa nhà. Trên phạm vi toàn quốc, chúng tôi không có đường truyền riêng. Cái này không quyết tâm thì cũng bỏ, nhưng cố gắng làm thì lại dễ. Mô hình quốc hội điện tử đã tận dụng môi trường Internet để thiết lập mạng riêng ảo với tính bảo mật cao (nhiều nước rất giàu, chú trọng về bảo mật hơn ta nhưng họ vẫn tận dụng môi trường Internet chứ không làm riêng).

* Ở nhiều dự án tin học hóa, người ta thường phàn nàn về việc thiếu kinh phí triển khai. Đó có phải là một lý do hợp lý cho những thất bại?

- Nói về kinh phí thì vô cùng. Kêu ca về kinh phí vẫn là bài ca muôn thuở, song khi triển khai mô hình quốc hội điện tử, chúng tôi không có “cảm giác” thiếu kinh phí, mặc dù số tiền được cấp ít hơn nhiều so với nhu cầu và luôn thấp hơn bất cứ bộ, ngành nào. Lâu nay vẫn có người tưởng rằng xây dựng cơ sở hạ tầng là xong, nhưng thực chất không phải vậy. Quá nặng về cơ sở hạ tầng sẽ thất bại.

Nếu không đào tạo được con người, các phần mềm ứng dụng không được triển khai thì dù tổng dự án lên tới hàng ngàn tỉ đồng vẫn có thể thất bại bởi cơ sở hạ tầng phần cứng thì đã đến hạn thanh lý, mà các ứng dụng phần mềm thì chưa kịp triển khai.

* Chính quyền điện tử được lập ra và hoạt động với mục tiêu là một chính quyền vì dân, vậy với quốc hội điện tử, người dân sẽ được lợi gì, thưa ông?

- Trở lại với lịch sử ở Athens (Hi Lạp), khi thành phố chỉ có vài trăm dân, trước mỗi vấn đề mọi người dân đều có quyền họp bàn, quyết định. Đây là nền dân chủ trực tiếp tuyệt vời nhất. Nhưng với sự phát triển về dân số, không thể tổ chức họp toàn dân, buộc phải áp dụng cơ chế dân chủ đại diện.

Để hạn chế quan liêu, Quốc hội tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri để lắng nghe ý kiến. Tuy nhiên, mỗi buổi tiếp xúc chỉ vài ba tiếng, không thể nghe hết kiến nghị, chưa kể có nơi còn mang tính hình thức. Nhờ có quốc hội điện tử, người dân có thể gửi câu hỏi trực tiếp đến đại biểu của mình. Thời gian qua đơn thư tố cáo có thể bị thất lạc hoặc không đến tay người có thẩm quyền, hạn chế này sẽ được khắc phục dần nhờ phương tiện điện tử.

* Trên phạm vi cả nước sẽ thường có rất nhiều đơn thư góp ý, khiếu nại, kiến nghị, liệu mô hình quốc hội điện tử có đủ nhân lực để xử lý đơn thư kịp thời, hiệu quả?

- Đơn thư gửi tới Quốc hội mỗi năm lên tới hàng triệu cái. Tuy nhiên, không phải một triệu người có một triệu ý khác nhau, mà trong rất nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo chỉ qui tụ vào 5-10 vấn đề. Với phương tiện điện tử, công tác xử lý đơn thư sẽ hiệu quả hơn.

* Có một số bộ trưởng hứa trước diễn đàn Quốc hội song không thực hiện đầy đủ. Nhiều vị lên diễn đàn Quốc hội trả lời chất vấn chưa thỏa đáng. Quốc hội điện tử có cách nào để giải quyết?

- Chúng tôi đã có ý định đề nghị làm một trang web trong cổng thông tin điện tử có tên gọi là “Trang web trả lời chất vấn” để người dân khỏi phải kêu không biết các lời hứa của lãnh đạo các ngành, địa phương được thực hiện đến đâu. Trang web sẽ có ba cột: một cột nêu những lời hứa (hoặc những lời có tính chất hứa hẹn), cột thứ hai nêu rõ hướng giải quyết (có những vấn đề liên quan đến số liệu hoặc quá phức tạp, đại biểu không thể tự mình trả lời ngay được), cột thứ ba nêu phản hồi của người dân xem cách giải quyết đã được chưa. Như vậy, những vị nào thường xuyên hứa mà không làm sẽ chịu sự giám sát của công luận. Có lẽ bắt đầu từ Quốc hội khóa mới, chúng tôi sẽ kiến nghị triển khai ý tưởng kể trên.

* Với mô hình quốc hội điện tử, đại biểu Quốc hội cũng có thể họp hoặc được trưng cầu ý kiến qua mạng?

- Có thể. Nhưng về kỹ thuật, muốn làm hội thảo trực tuyến qua mạng (video conference), cần phải đầu tư thêm đường truyền, cần thời gian tập huấn cho các đại biểu biết cách họp qua mạng. Theo tôi, cần có những bước đi phù hợp để triển khai hoạt động họp qua mạng: bước đầu thực hiện trong diện hẹp như phạm vi Thường vụ Quốc hội (hơn 10 người), sau đó mở rộng ra đại biểu chuyên trách (25% tổng số đại biểu), sau khi rút kinh nghiệm sẽ nhân rộng ra toàn bộ đại biểu. Thực tế, Văn phòng Quốc hội đã từng triển khai vài phiên hội thảo trực tuyến qua mạng giữa Hà Nội và Văn phòng Quốc hội tại TP.HCM.

Mô hình quốc hội điện tử sẽ góp phần giúp Quốc hội hoạt động hiệu quả hơn, gần dân hơn - Ảnh tư liệu

Quốc hội điện tử sẽ được thực hiện từng bước tại VN. Bước đầu, CNTT được đưa vào phục vụ hoạt động của Quốc hội cũng như tăng sự tương tác giữa Quốc hội và nhân dân.

Đại biểu Quốc hội sắp tới có thể sẽ được trưng cầu ý kiến về một số dự án luật thông qua email, giúp các đại biểu giảm thời gian, kinh phí đi họp mà vẫn đảm bảo chất lượng. Người dân có thể gửi đơn thư góp ý, đơn thư tố cáo đến Quốc hội qua mạng. Lập hẳn một trang web để người dân theo dõi lời hứa và thực hiện lời hứa của các bộ trưởng, việc này có thể được tiến hành ngay trong năm 2007.

Bước thứ hai, đề án quốc hội điện tử sẽ được thiết kế để người dân được tham gia một cách cao nhất vào các hoạt động của Quốc hội, từ thảo luận, góp ý, đến đưa những nhận xét về các dự án luật. Khi người dân cảm thấy được phục vụ, có thể được đáp ứng mọi nhu cầu về quyền công dân với Quốc hội qua giao diện điện tử thì quốc hội điện  tử chính thức hoàn thiện. Bước thứ hai này hiện đang chờ chủ trương và nếu thực hiện, trong khoảng năm năm nữa sẽ hoàn thành.

 

Theo Tuổi trẻ

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0