Cập nhật: 12/05/2007 |
Một số bản Linux dễ sử dụng |
|
Linux có rất nhiều phiên bản khác nhau, mỗi bản phù hợp cho những đối tượng người dùng khác nhau, với trình độ và nhu cầu khác nhau.
|
|
Xin giới thiệu 4 bản Linux có tiếng là dễ sử dụng và được thiết kế tốt, phù hợp với người dùng thông thường.
Ubuntu là phiên bản phổ biến nhất hiện nay. Tệp cài đặt có dung lượng 700MB có thể tải dễ dàng qua kết nối ADSL (www.ubuntu.com/getubuntu/download) và "nhét" vừa vào một đĩa CD. Việc cài đặt chỉ mất khoảng 30 phút và rất đơn giản. Giao diện Ubuntu khá đẹp mắt, các menu được tổ chức hợp lý. Các phần mềm quan trọng được tích hợp bao gồm bộ ứng dụng văn phòng OpenOffice, trình duyệt web Firefox, trình quản lý và giúp tải ảnh lên mạng F-Spot. Đáng chú ý là theo mặc định Ubuntu không thể chơi một số định dạng thương mại của tệp đa phương tiện do không được phép tích hợp hỗ trợ, do đó nếu muốn chơi các tệp này bạn phải cài thêm phần mềm khác.
Kubuntu (www.kubuntu.org/download.php) có thể được coi là "anh em" của Ubuntu, bởi chúng có cùng mã nguồn. Điểm khác biệt là Ubuntu sử dụng giao diện Gnome, còn Kubuntu sử dụng giao diện KDE. Mặc dù có nhiều điểm chung, nhưng giao diện và gói phần mềm đi kèm của Kubuntu rất khác biệt so với Ubuntu, do đó phục vụ những nhu cầu rất khác. Do sử dụng KDE, Kubuntu đi kèm phần lớn các ứng dụng KDE, đáng chú ý nhất là trình duyệt web Konqueror thay cho Firefox phổ biến. Kmail, Kopete, Konversation, Kaffeine và Amarok là các ứng dụng mặc định cho duyệt email, chat, IRC, đa phương tiện và chơi nhạc.
PCLinuxOS (www.pclinuxos.com) dựa trên Mandrake Linux, nhưng được cải tiến rất nhiều nhằm phù hợp với người mới dùng Linux, hỗ trợ các plugin cho trình duyệt, các codec cho đa phương tiện. PCLinuxOS cho phép cấu hình hệ thống rất hiệu quả và có kho phần mềm rất phong phú. Hạn chế lớn nhất là PCLinuxOS thiếu lộ trình phát hành rõ ràng.
Với những người có kinh nghiệm hơn chút ít, openSUSE (http://download.opensuse.org - ảnh) có thể là một lựa chọn tốt. Cũng có giao diện được chăm chút, nhưng openSUSE còn được tích hợp những công cụ cấu hình và quản lý khá kỹ lưỡng, có kho phần mềm rất lớn, tài liệu chi tiết, hỗ trợ nhiều ngôn ngữ. Tuy nhiên, openSUSE có nhược điểm là bộ cài đặt rất lớn (5 đĩa CD hoặc 1 đĩa DVD - tải qua mạng rất mất thời gian); các thiết lập và các công cụ đồ hoạ quá nặng nề, có thể khiến máy chạy chậm, nhất là khi khởi động và mở các ứng dụng.
Theo Lao động |