Chủ nhật, 12/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 12/05/2007
Đứa con “đẻ” bằng... tiền tỉ vô thừa nhận!

Trang tin điện tử của Chính phủ hiện là kênh thông tin chính thức của Chính phủ (do Ban quản lý dự án website Chính phủ xây dựng) và có quyết định xây dựng thành cổng giao tiếp điện tử Chính phủ

 Lâu nay, nhiều người thường biết trang tin điện tử của Chính phủ tại địa chỉ www.chinhphu.vnwww.vietnam.gov.vn. Tuy nhiên, có một nơi cũng tự xưng là “cổng thông tin điện tử (CTTĐT) Chính phủ” được “treo” tại địa chỉ www.gov.vn, song đây lại là “đứa con” không được thừa nhận.

Vay tiền để “đẻ” ra cổng thông tin điện tử!

CTTĐT www.gov.vn được Ban điều hành đề án 112 Chính phủ giới thiệu là CTTĐT của Chính phủ và các thông tin tại đây được tích hợp tự động từ các nguồn tin mới nhất của các website chính thức của các cơ quan hành chính phục vụ yêu cầu của Chính phủ, công dân, doanh nghiệp và người nước ngoài. Theo Ban điều hành đề án 112 Chính phủ, đây là một trong các thành phần nền tảng cơ bản của hệ thống thông tin điện tử Chính phủ nhằm tích hợp thông tin điện tử thuộc hệ thống thông tin điện tử của các bộ, tỉnh do đề án 112 xây dựng. Ngoài ra, đây cũng là công cụ để từ trung ương truy cập các thông tin điều hành của bộ, tỉnh phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

Tháng 5-2005, Ban điều hành đề án 112 Chính phủ kết thúc giai đoạn thử nghiệm xây dựng cổng www.gov.vn và vận hành trên mạng Internet. Tháng 9-2005, cổng này chính thức khai trương.

Nằm trong nội dung thực hiện của đề án 112 song CTTĐT Chính phủ www.gov.vn lại sử dụng nguồn vốn vay 170 tỉ đồng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Theo Ban điều hành đề án 112 Chính phủ, “CTTĐT Chính phủ” là một trong các điều kiện rút vốn từ nguồn thuộc hiệp định khoản vay do ADB hỗ trợ nhằm thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước (giai đoạn 2001-2005).

Ban điều hành đề án 112 Chính phủ cho biết thêm giám đốc ADB đã kiểm tra, đánh giá và chấp thuận kết quả xây dựng đáp ứng điều kiện giải ngân cuối cùng thuộc hiệp định vay vốn của ADB. Tuy nhiên, ông Lương Cao Sơn, thư ký Ban điều hành đề án 112 Chính phủ, cho hay chưa biết cụ thể số tiền xây dựng CTTĐT này là bao nhiêu. Tuy vậy, ông Sơn cũng nói chỉ riêng số tiền mua bản quyền giải pháp công nghệ để xây dựng CTTĐT này vào khoảng 3.000-4.000 USD.

Vô trách nhiệm với Chính phủ và nhân dân!

“Cổng thông tin điện tử Chính phủ” do Ban điều hành đề án 112 Chính phủ xây dựng (http://www.gov.vn) thường xuyên bị lỗi và không sử dụng được như thể hiện trên hình (ảnh chụp lúc 19 giờ ngày 9-5). Sản phẩm này hiện không được thừa nhận

Như chúng tôi đã đề cập, hiện CTTĐT chính thức của Chính phủ (được nâng cấp từ website Chính phủ) có hai địa chỉ gồm www.chinhphu.vnwww.vietnam.gov.vn. Website này được Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm thay mặt Thủ tướng ký quyết định thành lập vào tháng 11-2003 và được Thủ tướng đồng ý đổi tên thành CTTĐT Chính phủ vào tháng tư vừa qua.

Tháng 9-2005, khi CTTĐT chính thức của Chính phủ chưa ra đời thì Ban điều hành đề án 112 đã chuẩn bị khai trương sản phẩm của mình cũng với tên CTTĐT Chính phủ. Ngay lập tức, ông Nguyễn Công Hóa, trưởng ban quản lý dự án website Chính phủ (hiện đã được Thủ tướng quyết định nâng thành CTTĐT của Chính phủ), đã có văn bản trình bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định CTTĐT Chính phủ do Ban điều hành đề án 112 Chính phủ đưa lên Internet “có nhiều bất cập cả về tính pháp lý, cả về công nghệ và đặc biệt là những nội dung thông tin đưa vào cổng này”. Theo ông Hóa, nếu không làm rõ mục đích, nội dung và xử lý kịp thời có thể dẫn đến việc hiểu nhầm cho nhiều người, làm ảnh hưởng đến Thủ tướng và Văn phòng Chính phủ về sự chồng chéo, lãng phí trong ứng dụng công nghệ thông tin...

Cụ thể, ông Hóa cho rằng CTTĐT Chính phủ của đề án 112 chưa có quyết định thành lập và phê duyệt thiết kế, chưa có giấy phép của Bộ Văn hóa - thông tin, tổng biên tập (trưởng Ban điều hành đề án 112 Chính phủ Vũ Đình Thuần kiêm chức tổng biên tập) chưa có quyết định của người có thẩm quyền bổ nhiệm. Về mặt kỹ thuật, ông Hóa nói trang này sử dụng công nghệ cổng hút tin từ các trang khác không cần quan tâm đến số lượng, chất lượng và an ninh dữ liệu. Việc bố trí các chuyên mục bên trong rất tùy tiện.

Bản báo cáo của ông Hóa kết luận: “Có nhiều công việc cấp thiết cần sự đầu tư cả về trí tuệ và nguồn lực, tài chính của hoạt động triển khai đề án 112 Chính phủ. Nhất là sau khi các cơ quan trung ương và địa phương cả nước, trong đó có Văn phòng Chính phủ, mấy năm qua đã bỏ ra nhiều trăm tỉ đồng từ nguồn vốn của ngân sách cấp cho đề án 112 để mua sắm máy móc thiết bị, giờ đây rất cần được thiết kế tổ chức xây dựng các tổng kho dữ liệu điện tử quốc gia (không chỉ là những website nội dung nghèo nàn, trùng lặp) để tích hợp vào hệ thống thiết bị, đưa vào vận hành khai thác, phục vụ lợi ích của quốc dân. Vì vậy, chúng tôi không hiểu sao Ban điều hành đề án 112 lại đi làm một công việc khó hiểu này? Phải chăng vì sức ép của nước ngoài mà phải vội vàng làm ra một sản phẩm không phải “cháo” mà cũng không phải “cơm” như vậy?...”.

Dưới góc độ chuyên môn, ông Trần Lương Sơn, tổng giám đốc Công ty phần mềm VietSoftware, khẳng định CTTĐT Chính phủ do đề án 112 xây dựng là sản phẩm mà ở đó thể hiện sự vô trách nhiệm với Chính phủ và nhân dân.

Việc xây dựng “CTTĐT Chính phủ” do đề án 112 thực hiện là một sự lãng phí tiền của Nhà nước, đặc biệt đó là nguồn vốn vay! Ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi tiền ngân sách đổ vào đây để làm ra một sản phẩm gọi là “cổng thông tin của Chính phủ” nhưng nó không được sử dụng như một kênh thông tin chính thức của Chính phủ?

QUỐC THANH - KHIẾT HƯNG

Khả năng tiêu cực là có

Nguồn tin Tuổi Trẻ cho biết chiều 9-5, Kiểm toán Nhà nước đã làm việc với Sở Bưu chính - viễn thông (BC-VT) TP.HCM để nắm các thông tin, số liệu về việc ghi vốn, giải ngân và quyết toán các dự án thuộc đề án 112 tại TP.HCM.

Được biết, có hơn mười dự án thuộc đề án 112 tại TP.HCM được đề cập như cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật, cơ sở dữ liệu dân cư, quản lý công chức, cổng thông tin thương mại dịch vụ... Tuy nhiên, theo thông tin ban đầu từ Sở BC-VT, hầu hết các dự án nêu trên mới dừng ở giai đoạn ghi vốn chứ chưa giải ngân, quyết toán do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có dự án phải làm thí điểm để đánh giá hiệu quả, có dự án phải tạm ngưng như dự án quản lý vốn đầu tư nước ngoài vì các qui định liên quan thay đổi... Chỉ có dự án tin học hóa tại Sở Văn hóa - thông tin mới giải ngân 1,2 tỉ đồng nhưng chưa rõ là vốn của TP hay của trung ương.

Sau khi làm việc, hai bên thống nhất để Sở BC-VT lập một báo cáo chi tiết từng dự án, quá trình triển khai, ghi vốn từng năm, tạm ứng... và số tiền giải ngân có hay không, có bao nhiêu. Hôm nay 10-5, Kiểm toán Nhà nước sẽ làm việc với Sở Tài chính.

Cùng ngày, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Mạnh Hà - giám đốc Sở BC-VT, người “bật đèn đỏ” đề nghị ngưng đề án 112 - cho biết trên thực tế TP.HCM đã ngưng việc thực hiện đề án 112 từ năm 2005. Từ đó về sau TP thực hiện tin học hóa theo một đề án riêng của TP, rất hiệu quả và làm trước tại những nơi có nhu cầu phục vụ nhân dân như giấy phép xây dựng, kinh doanh...

Ông Hà nhận định ngoài việc lãng phí thì khả năng thất thoát, tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện đề án này là hoàn toàn có thể xảy ra. “Chỉ có điều là vạch mặt chỉ tên nó như thế nào cho rõ” -  ông Hà nói. Trong đó, đào tạo và mua sắm trang thiết bị là hai lĩnh vực dễ tiêu cực nhất.

Riêng về đào tạo, tại TP.HCM, Ban điều hành đề án 112 Chính phủ (thông qua các trường, trung tâm tại TP) đã đào tạo cho TP khoảng 3.000 cán bộ (có trình độ vi tính tương đương bằng A) với chi phí khoảng 2 triệu đồng/người. Theo ông Hà, để biết chi phí này cao hay thấp hơn “giá thị trường” thì cần kiểm tra. Tuy nhiên quan trọng hơn, giá này khó được quyết toán vì đã vượt định mức.  

 

Theo Tuổi trẻ

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0