Theo ý kiến của Thủ tướng, lĩnh vực ứng dụng CNTT trong mọi mặt của đời sống cần được tập trung phát triển với những chỉ đạo chặt chẽ của Bộ để nâng cao hiệu quả cạnh tranh doanh nghiệp, ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước cần được quan tâm đặc biệt. Toàn ngành phải có được sự phát triển đồng bộ, mạnh mẽ, có tính chất đột phá.
"Cần nghiêm túc nhìn nhận những gì đã làm được và chưa làm được, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu. Chúng ta chưa thể thỏa mãn với mức độ tăng trưởng đã có vì thị trường và tiềm năng con người VN còn rất lớn", Thủ tướng nói, "Vừa qua, những ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân chưa phát huy hết khả năng. Vì thế trong thời gian tới, hành động cần có chương trình cụ thể hóa và phải thực hiện một cách quyết liệt, hiệu quả những mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra".
Theo báo cáo của Bộ Bưu chính Viễn thông, tính đến cuối tháng 4, mật độ điện thoại đạt 38,5 máy/100 dân, trong đó di động chiếm 70,8%, số người sử dụng Internet là 15,49 triệu, (tỷ lệ 18,64%).
Trong kế hoạch phát triển giai đoạn 2007-2010, mật độ điện thoại sẽ là 55-60 máy/100 dân, số người sử dụng Internet đạt 35-40%. Công nghiệp CNTT sẽ được tập trung chiều sâu, đổi mới công nghệ, hướng mạnh cho xuất khẩu, lấy công nghiệp phần mềm và nội dung là khâu đột phá với mức tăng trưởng 40%/năm, phần cứng máy tính tăng trưởng 20%/năm, sản xuất thiết bị viễn thông tăng 22%/năm, doanh thu công nghiệp CNTT đạt 6-7 tỷ USD. Bên cạnh đó, tổng doanh thu của các doanh nghiệp bưu chính viễn thông và Internet đạt 267.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 37.000 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư phát triển của các doanh nghiệp là 87.000 tỷ đồng, thu hút 1,5 tỷ USD đầu tư FDI.
Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, Bộ Bưu chính Viễn thông đã kiến nghị với Thủ tướng một số đề xuất như: giữ nguyên số lượng 8 nhà cung cấp hạ tầng mạng cho đến năm 2010 để có đủ thời gian cho các doanh nghiệp viễn thông nâng cao tiềm lực, khả năng cạnh tranh; nhanh chóng sử dụng kỹ thuật số trong phát sóng phát thanh - truyền hình và có lộ trình ngừng sử dụng kỹ thuật tương tự...
Đặc biệt, Bộ đã kiến nghị Thủ tướng cho phép đổi tên Bộ "Bưu chính Viễn thông" thành "Công nghệ thông tin và truyền thông". Đề xuất này đã nhận được sự tán thành của các Bộ có mặt tại buổi làm việc như Văn hóa Thông tin, Kế hoạch Đầu Tư, Tài chính, Nội vụ...
Theo Vnexpress