Cập nhật: 12/05/2007 |
Hậu Đề án 112: Sẽ soạn thảo đề án mới |
|
Xung quanh việc ngừng triển khai Đề án Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước (gọi tắt là Đề án 112) đang có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên vấn đề mà nhiều người quan tâm nhất là bài học nào được rút ra từ câu chuyện này và việc xử lý những “kết quả” của Đề án 112 để lại như thế nào? Thứ trưởng Bộ BC-VT Vũ Đức Đam đã có cuộc trao đổi chung quanh vấn đề này.
|
|
|
- Theo ông, đâu là bài học lớn nhất của Đề án 112?
- Cái được lớn nhất của Đề án 112 là đã xây dựng được một hệ thống mạng thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành các công tác hành chính khá thống nhất từ trung ương tới địa phương. Ngoài ra, nhờ nó, ý thức ứng dụng CNTT vào mọi công tác đã được hình thành rộng rãi tới mọi thành phần của xã hội, nhất là bộ máy công chức chính quyền. Cũng từ Đề án 112 đã tạo ra một nguồn nhân lực CNTT đáng kể về CNTT xã hội. Bài học lớn nhất từ Đề án 112, theo tôi chính là việc tổ chức mô hình, cách thức để thực hiện các nội dung và mục tiêu đặt ra. Đây chính là khâu yếu nhất, bất cập nhất của Đề án 112 mà những đề án CNTT khác cần phải rút kinh nghiệm.
- Vậy thưa ông, Bộ BC-VT phải làm gì khi được Thủ tướng giao nhiệm vụ tiếp tục thực hiện các mục tiêu về Tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước trong thời gian tới?
- Theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, vấn đề này sẽ được thực hiện đúng theo Nghị định 64 về Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước vừa được ban hành 10-4 vừa qua. Hiện nay Bộ BC-VT đang gấp rút tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài ngành để soạn thảo một đề án mới, cụ thể hơn về vấn đề này, để trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Đề án này sẽ được xây dựng trên cơ sở những kết quả đã làm được cũng như bài học rút ra từ việc thực hiện Đề án 112 và căn cứ trên tình hình thực tế của việc ứng dụng, phát triển CNTT hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới.
Từ trước đến nay, hoạt động của Ban điều hành Đề án 112 là trực thuộc Chính phủ, chứ không phải Bộ BC-VT. Vì vậy, bộ máy, con người của Đề án 112 trước đây sẽ do Chính phủ quyết định. Vấn đề tài chính, kinh phí của Đề án 112 cũng vậy, Bộ BC-VT không có quyền quyết định. Những vấn đề này sẽ do Ban Điều hành 112 trực tiếp giải quyết, báo cáo lên để Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Kiểm toán Đề án 112
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc không tiếp tục thực hiện Đề án 112 và Công văn số 147 của Ban Điều hành Đề án 112 về việc kiểm toán Đề án 112 của Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ vừa ra văn bản yêu cầu tất cả các vụ, cục, đơn vị có dự án thành phần thuộc Đề án 112 VPCP phải làm báo cáo kết quả triển khai thực hiện và kèm theo đầy đủ hồ sơ của dự án, các tài liệu theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước để tiến hành kiểm toán.
|
Ông Nguyễn Chí Công, Tổ trưởng Tổ chuyên môn Ban Điều hành Đề án 112:
Thất bại vì không có mục tiêu cụ thể, rõ ràng
Cái sai lầm lớn nhất là việc xem ứng dụng CNTT là mục tiêu, mà đúng ra phải xem nó là công cụ để thực hiện cải cách hành chính! Đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc Đề án 112 không thể đạt được những mục tiêu đề ra. Ngoài ra, theo cá nhân tôi, Đề án 112 thất bại vì không có những mục tiêu cụ thể, rõ ràng. Hiện, công tác kiểm toán đang được tiến hành và chắc chắn sẽ sớm có kết luận cuối cùng về kinh phí thực hiện của đề án. Lúc đó chúng ta sẽ biết đề án có gây thất thoát tiền của Nhà nước hay không và thất thoát ở đâu, ai phải chịu trách nhiệm!
|
Theo Nhân dân |