Những bước phát triển ngoạn mục
Báo cáo Thủ tướng, Bộ trưởng Bưu chính, Viễn thông Đỗ Trung Tá nêu bật những thành tựu mà ngành đã đạt được trong những năm qua, nhất là trong năm 2006 và 4 tháng đầu năm 2007. Cụ thể, tính đến nay, tổng số thuê bao điện thoại trên toàn quốc lên tới 32,5 triệu máy, đạt mức khá cao trong khu vực Đông Nam Á (38 máy/100 dân), trong đó thuê bao điện thoại di động chiếm hơn 71%.
So với trước năm 2000, đây là những bước tiến ngoạn mục, nhất là trong lĩnh vực phát triển Internet, từ chỗ hầu như không có gì, đến đầu tháng năm 2007, toàn quốc có hơn 4,3 triệu thuê bao Internet, đạt mật độ 5 thuê bao/100 dân; số người sử dụng dịch vụ Internet khoảng 15,5 triệu người, bằng 18,3% dân số.
Theo Bộ trưởng Đỗ Trung Tá, đến nay tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 56/64 tỉnh, thành phố đã có website để cung cấp thông tin quản lý nhà nước, trao đổi, tiếp nhận thông tin phản hồi từ nhân dân và doanh nghiệp. Trong đó, Website Chính phủ đã có đóng góp quan trọng vào công tác thông tin phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhu cầu thông tin của nhân dân, doanh nghiệp. Website Chính phủ và các báo điện tử khác đã góp phần tích cực thông tin đối ngoại, đồng thời hình thành cầu nối giao lưu trực tuyến với nhân dân của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ.
Bộ trưởng Đỗ Trung Tá cũng thông báo về những giá trị đạt được tương đối cao do công nghệ thông tin (CNTT) đem lại như: Tốc độ phát triển CNTT bình quân hằng năm đạt 25-30%; doanh thu toàn ngành năm 2006 gần 3 tỷ USD, trong đó công nghệ phần mềm chiếm 350 triệu USD. Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Intel, IBM (Mỹ), Fujitsu, Canon… đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam.
Giai đoạn 2007-2010, toàn ngành phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng trên 10%, trong đó đến năm 2010 đạt mật độ điện thoại 55-60 máy/100 người dân (vượt gần gấp đôi mục tiêu Đại hội Đảng X đề ra là 35 máy/100 người dân; số người sử dụng internet đạt 35-40; doanh thu CNTT đạt 6-7 tỷ USD.
Một số hạn chế, bất cập
Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá cũng thẳng thắn thừa nhận: Việc phát triển cơ sở hạ tầng mạng lưới bưu chính viễn thông tuy đạt tốc độ cao, nhưng qui mô còn nhỏ; có sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn trong sử dụng CNTT, viễn thông, internet; việc sử dụng chung hạ tầng công nghệ thông tin hiện chưa được các doanh nghiệp chú trọng tận dụng.
Bộ trưởng nhận định, năng lực cạnh tranh, tỷ trọng đóng góp trong GDP của các doanh nghiệp CNTT, bưu chính, viễn thông trong nước thấp; giá cước của hầu hết các dịch vụ viễn thông, internet đã giảm nhưng vẫn còn một số dịch vụ giá cao như dịch vụ kênh thuê riêng; đầu tư cho ứng dụng CNTT phân tán, ứng dụng và phát triển CNTT chưa mạnh; triển khai thương mại điện tử của các doanh nghiệp còn ở mức sơ khai; tiến độ triển khai Chính phủ điện tử khá chậm; chưa đầu tư xứng đáng cho đảm bảo an toàn, an ninh mạng; nguồn nhân lực CNTT thiếu và yếu, đặc biệt là chuyên gia giỏi, năng suất lao động thấp hơn so với mức bình quân trong khu vực…
Ứng dụng công nghệ thông tin phải thiết thực, cụ thể, hiệu quả
Ghi nhận báo cáo của Bộ trưởng Đỗ Trung Tá, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và biểu dương những kết đạt được của ngành bưu chính viễn thông trong những năm qua và 4 tháng đầu năm 2007. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, tốc độ phát triển của ngành bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin thời gian qua chưa xứng với tiềm năng, trí tuệ của con người Việt Nam.
Mặt khác, việc ứng dụng CNTT trong quản lý Nhà nước, quản lý sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cũng chưa cao. Thủ tướng nhắc lại lý do Thủ tướng quyết định ngừng Đề án tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước (Đề án 112) vì Đề án này không có hiệu quả và không đạt mục tiêu đề ra. Từ đó, Thủ tướng yêu cầu Đề án ứng dụng công nghệ tin học trong quản lý nhà nước giai đoạn 2007 -2010 phải đề ra mục tiêu cụ thể, thích hợp và có lộ trình rõ ràng để thực hiện thành công đề án. Các công chức, viên chức cần nắm vững những kiến thức cơ bản về CNTT, máy tính, internet làm công cụ quan trọng giúp thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công, không được để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức trung ương “mù thông tin” từ phương tiện thông tin điện tử. Thủ tướng nói thêm: “Sáng sớm hằng ngày, tôi thường xuyên truy cập, nắm thông tin và đọc báo điện tử trên internet”.
Thủ tướng cho rằng, Bộ Bưu chính Viễn thông cần rà soát lại các văn bản pháp qui, bổ sung, hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước, tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng để huy động mọi nguồn lực nhằm phát triển lĩnh vực CNTT, công nghiệp phần mềm, bưu chính viễn thông nhanh và tạo ra những bước đột phá mạnh mẽ hơn nữa. Muốn vậy, ngành phải có những mục tiêu cụ thể, thiết thực và cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư và cạnh tranh lành mạnh. Ngành cần đặc biệt quan tâm đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn nghiệp vụ tinh thông. Về việc kiện toàn Ban chỉ đạo Công nghệ thông tin Quốc gia, Thủ tướng nêu rõ: Cần tổng kết hoạt động 5 năm vừa qua, từ đó kiện toàn và đề ra phương hướng hoạt động của Ban chỉ đạo trong thời gian tới một cách thiết thực, hiệu quả. Thủ tướng nhấn mạnh: Vai trò CNTT nói chung và phương tiện truyền thông điện tử, internet nói riêng ngày càng trở nên quan trọng đối với người dân, doanh nghiệp cũng như các cơ quan Nhà nước. Ví dụ như Website Chính phủ mỗi ngày 3-4 triệu lượt người vào truy cập, đọc và khai thác thông tin, đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất thiết thực, to lớn.
Thủ tướng nói: Rút kinh nghiệm Đề án 112, sắp tới, việc xây dựng Đề án “Chương trình ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước” theo qui định của Nghị định 64/2007/NĐ-CP không được đặt ra mục tiêu rộng lớn quá và phải có nội dung, lộ trình thật cụ thể, thiết thực, có các biện pháp triển khai đúng đắn, kết quả đạt được phải thiết thực, rõ ràng.
Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ Bưu chính Viễn thông chuyển giao chương trình kinh tế - kỹ thuật về CNTT từ Bộ Khoa học Công nghệ về Bộ Bưu chính Viễn thông quản lý; ủy quyền Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông phê duyệt Quy hoạch phát triển bưu chính viễn thông và CNTT 3 vùng kinh tế trọng điểm quốc gia./.
Theo Website Chính phủ