Trong kết luận mới đây của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về việc ngừng thực hiện Đề án 112, có chỉ đạo tiến hành kiểm toán, quyết toán tài chính Đề án 112 (theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 6258 ngày 30.10.2006). Tuy nhiên, do Ban điều hành Đề án 112 (gọi tắt là BĐH 112) vi phạm hàng loạt quy định của Nhà nước, nên đề án chắc chắn không thể quyết toán được.
** Ý kiến của bạn đọc
Không thể "chạy" Quốc hội và Thủ tướng
* Trong báo cáo (tháng 1.2007) của Sở BCVT TP.HCM gửi đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội về Đề án 112, ông khẳng định chắc chắn đề án này sẽ không thể quyết toán được. Cơ sở nào ông khẳng định như thế?
- Ông Lê Mạnh Hà: Đề án 112 không quyết toán được do không có phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ ngân sách hằng năm (trừ năm 2002). Theo quy định về kinh phí hằng năm: trên cơ sở dự toán kinh phí hằng năm do các cơ quan trung ương và các tỉnh lập, BĐH 112 tổng hợp làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư để đưa vào ngân sách nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ, rồi trình Quốc hội quyết định. Sau khi Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt phân bổ kinh phí cho các đơn vị.
Tuy nhiên, theo hồ sơ Sở BCVT TP.HCM thu thập được, chỉ có năm 2002 là có quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Lý do thứ hai là không có quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền đối với các dự án. Cho đến nay Sở BCVT chưa thấy quyết định đầu tư nào cho các dự án của BĐH 112. Đặc biệt là các hợp đồng kinh tế không hợp lệ. BĐH 112 không có tư cách pháp nhân nên không được ký hợp đồng kinh tế.
* Trong trường hợp không thể quyết toán được, các công ty, đơn vị ký hợp đồng kinh tế (không hợp lệ) với BĐH 112 bị thiệt hại, họ có thể kiện BĐH 112?
- Ông Lê Mạnh Hà: Các đơn vị có thể kiện BĐH 112 vì BĐH ký hợp đồng kinh tế. Nhưng do các hợp đồng này không hợp lệ nên người ký là trưởng ban điều
Ông Lê Mạnh Hà
|
hành phải chịu trách nhiệm cá nhân.
* Cho đến nay, chưa cơ quan nào xác định bao nhiêu tiền tỉ đã đổ vào Đề án 112. Có nghĩa là chưa ai biết Đề án 112 đã lãng phí 300 tỉ đồng hay 3.000 tỉ đồng... Ông có nghĩ là trong quá trình thực hiện kiểm toán, quyết toán theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, BĐH 112 có thể tìm cách "lách" để làm giảm nhẹ thiệt hại, có nghĩa là làm giảm nhẹ trách nhiệm cho mình?
- Ông Lê Mạnh Hà: BĐH 112 không thể "lách" để quyết toán vốn từ nguồn kinh phí đầu tư được vì không thể "chạy" được quyết định của Quốc hội và phê duyệt ngân sách hằng năm của Thủ tướng Chính phủ. Cũng không thể "chạy" được quyết định đầu tư của cơ quan có thẩm quyền. Nếu cơ quan tài chính quyết toán mà không có đủ các hồ sơ trên thì chính cơ quan này sai phạm. Cái mà BĐH có thể "xoay xở" được là từ nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 170 tỉ đồng, và từ nguồn kinh phí sự nghiệp 110 tỉ. Nhưng cũng rất khó vì các hợp đồng kinh tế là không hợp lệ.
Bộ BCVT có trách nhiệm gì?
* Là cơ quan quản lý nhà nước cao nhất về CNTT, ông thấy Bộ BCVT có trách nhiệm gì đối với những vấn đề của Đề án 112?
- Ông Vũ Đức Đam: Đề án 112 có từ trước khi Bộ BCVT được thành lập. Từ khi thành lập, với chức năng cơ quan quản lý nhà nước về CNTT, Bộ đã nỗ lực xây dựng và tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch... và các hoạt động thúc đẩy ứng dụng, phát triển CNTT. Bộ cũng đã xây dựng Kế hoạch tổng thể phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) đến năm 2010 trình Chính phủ từ năm 2005. Có thể thấy việc ứng dụng và phát triển CNTT có những tiến bộ nhưng bên cạnh đó cũng còn không ít bất cập. Bộ BCVT có đóng góp vào những tiến bộ và phải chịu trách nhiệm về những bất cập.
Đối với Đề án 112, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BĐH 112 đã được Thủ tướng quy định rất rõ. Với chức năng quản lý nhà nước của mình, Bộ BCVT đã có văn bản gửi BĐH đề án, trong đó có kiến nghị cụ thể với BĐH về những vấn đề cần khắc phục nếu đề án tiếp tục triển khai. Những ý kiến của Bộ BCVT cũng trùng với nhiều ý kiến được các chuyên gia phát biểu, phân tích trong thời gian gần đây. Mặt khác, Bộ cũng đã chủ trì xây dựng nghị định về ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước để làm căn cứ pháp lý cho tất cả các các bộ, ngành địa phương thực hiện việc ứng dụng CNTT.
* Sau khi ngừng thực hiện Đề án 112, Bộ BCVT sẽ có biện pháp giải quyết như thế nào với các tồn tại mà đề án để lại?
- Ông Vũ Đức Đam: Theo Nghị định 64/2007/NĐ-CP ban hành ngày 10.4.2007 của Chính phủ, Bộ BCVT được giao trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan trong việc
Ông Vũ Đức Đam
|
tổ chức thực hiện ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc Bộ tiếp nhận toàn bộ các công việc và vấn đề của Đề án 112.
* Đề án 112 đã bị ngừng, trách nhiệm xây dựng CPĐT sẽ dồn lên Bộ BCVT?
- Ông Vũ Đức Đam: Cũng nên hiểu rõ rằng 112 là một đề án còn Bộ BCVT là một cơ quan quản lý nhà nước. Mặt khác, Đề án 112 cũng không đồng nghĩa với Đề án xây dựng CPĐT hoàn chỉnh mà chỉ là một phần. Vì thế, việc không tiếp tục thực hiện Đề án 112 cũng không đồng nghĩa với việc chuyển giao toàn bộ nhiệm vụ triển khai CPĐT về Bộ BCVT. Thực tế là Bộ BCVT cũng không thể trực tiếp làm tất cả các công việc để xây dựng thành công CPĐT. Để làm được điều này đòi hỏi rất nhiều yếu tố trong đó cần sự nỗ lực và quyết tâm rất cao của Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương đặc biệt là người đứng đầu tất cả các cơ quan này.
Kiểm toán Nhà nước vào cuộc
Ngày 7.5, ông Đoàn Mạnh Giao - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã yêu cầu tất cả các vụ, cục, đơn vị có dự án thành phần thuộc Đề án 112 VPCP (theo Biên bản phân công triển khai các dự án thành phần thuộc Đề án 112 của VPCP lập ngày 10.9.2004) phải làm báo cáo kết quả triển khai thực hiện và kèm theo đầy đủ hồ sơ của dự án, các tài liệu theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước. Báo cáo kết quả thực hiện và các hồ sơ của dự án thành phần làm thành 3 bộ hồ sơ gửi đến Trưởng ban Quản lý Đề án 112 VPCP, Vụ Tổ chức cán bộ và Trung tâm tin học trước ngày 15.5.2007; các dự án thành phần chưa triển khai cũng phải báo cáo, nêu rõ lý do chưa thực hiện. Chủ nhiệm VPCP yêu cầu Cục Quản trị - Tài vụ báo cáo tình hình cấp, quản lý, sử dụng kinh phí cho Đề án 112 VPCP; tình hình trang thiết bị của Đề án 112 VPCP; gửi Bộ trưởng, Chủ nhiệm, Trưởng ban Quản lý Đề án 112 VPCP trước ngày 15.5 và chuẩn bị báo cáo Kiểm toán Nhà nước.
|
Theo Thanh niên
PV Thanh Niên phỏng vấn ông Vũ Đức Đam - Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông (BCVT), ông Lê Mạnh Hà - Giám đốc Sở BCVT TP.HCM.