- Chúng ta đều dễ nhìn thấy các chương trình, đề án, dự án ứng dụng CNTT (dù thành công hay không) thời gian qua được triển khai một cách độc lâp, ít có sự liên kết ngang và đồng bộ với nhau. Vai trò chỉ đạo, điều hòa phối hợp của Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT rất mờ nhạt. Đối với một số đề án như 112 và các chương trình, dự án không nằm trong quyết định 95 lại càng không chỉ đạo được và cũng không có thông tin gì để chỉ đạo.
Nguồn lực của ta có hạn: nhân lực yếu, thiếu, ngân sách có hạn... nên khi triển khai độc lập quá nhiều chương trình, đề án, dự án có qui mô, mục tiêu quá kỳ vọng thì chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng đầu tư dàn trải, không hiệu quả và không thành công.
* Theo ông, vì sao lại có quá nhiều chương trình, đề án, dự án được phê duyệt như vậy?
- Bỏ qua một bên tình trạng “chạy” chương trình, đề án, dự án, chúng ta cũng phải thông cảm với việc nhiều ngành muốn ứng dụng CNTT cho ngành, lĩnh vực mình. Do vậy ngành nào cũng cố có một đề án trong kế hoạch tổng thể về ứng dụng CNTT của quốc gia. Nhưng việc khoanh gọn các mục tiêu cần đạt sao cho khả thi ứng với nguồn lực thực tế, theo tôi, mới là quan trọng.
|
Trung tâm tích hợp dữ liệu tại Phú Thọ (sản phẩm của đề án 112) mới chỉ có thiết bị, không có thông tin cập nhật |
* Có ý kiến cho rằng việc ứng dụng CNTT tại VN kém do nội dung các chương trình, đề án, dự án còn chung chung, ôm đồm nhiều mục tiêu?
- Việc ứng dụng một công nghệ cao như CNTT vào các hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động xã hội là rất khó. CNTT chỉ là công cụ kỹ thuật. Các vấn đề liên quan đến pháp luật, qui chế công tác, cải cách hành chính... mới là vấn đề quan trọng đảm bảo thành công cho một chương trình ứng dụng CNTT. Trong khi đó, hơn mười năm qua hầu hết kế hoạch tổng thể, chiến lược, chương trình, các dự án CNTT cấp quốc gia đều do các chuyên gia CNTT thiết kế, xây dựng nên chúng thường mang sắc thái chủ quan của người làm CNTT. Bên cạnh đó, cải cách hành chính cũng chưa song hành với các dự án quốc gia về ứng dụng CNTT.
* Đích cuối cùng của ứng dụng CNTT vốn phải là phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ cộng đồng?
- Nhà nước của chúng ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Vấn đề cơ quan nhà nước phải phục vụ nhân dân tốt hơn đã được đề ra trong nhiều nghị quyết. Theo tôi, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động của các cơ quan công quyền cũng phải lấy mục đích và định hướng phục vụ người dân tốt hơn qua việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, định rõ tên các dịch vụ công, tiêu chí của chúng và lộ trình cần hoàn tất việc cung cấp các dịch vụ công này cho người dân...
* Ông đánh giá thế nào về việc ngân sách nhà nước phải bỏ ra cho các chương trình, dự án này và có cho rằng có sự thất thoát tiền đầu tư của Nhà nước qua cách triển khai, quản lý như vừa qua?
- Ở đâu có tiền mà ở đó cơ chế quản lý không chặt chẽ, mục tiêu đặt ra không cụ thể, qui trình triển khai dự án, đánh giá nghiệm thu kết quả không chặt chẽ thì có thất thoát.
* Đề án 112 đang được tiến hành kiểm toán. Việc này liệu có nên áp dụng đối với những chương trình, đề án, dự án còn lại?
- Theo Luật ngân sách, tất cả các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước đều phải được kiểm toán. Tôi cho rằng mọi chương trình ở tầm quốc gia thì Kiểm toán Nhà nước sẽ phải thực hiện kiểm toán.
* Ông nghĩ sao khi Thủ tướng quyết định ngừng triển khai đề án 112?
- Cái được, cái chưa được của đề án 112 đã được đánh giá qua nhiều bài viết, nhiều thảo luận, nhất là trong báo cáo giám sát của Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường Quốc hội.
Việc Thủ tướng quyết định ngừng triển khai đề án 112 là đúng đắn, được xã hội ủng hộ. Còn việc đưa CNTT vào ứng dụng trong các cơ quan nhà nước để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan đó, cũng như định hướng phục vụ người dân tốt hơn qua các dịch vụ công trực tuyến thì không thể dừng được. Chúng tôi thấy rằng cái khó nhất là làm sao rút được các kinh nghiệm để có thể làm tốt hơn, không giẫm chân vào các sai lầm cũ.
Theo Tuổi trẻ