Thứ hai, 13/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 04/05/2007
“Cái chết” của đề án 112 - Kỳ 2: Thất bại được báo trước!

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, những cảnh báo về nguy cơ “chết yểu” của đề án 112 đã được các chuyên gia nói đến rất nhiều ngay khi đề án mới ra đời.

Chuẩn bị quá sơ sài

Năm 1996, chương trình quốc gia về công nghệ thông tin (CNTT) với vốn đầu tư khoảng 280 tỉ đồng (trong số này có trên 150 tỉ đồng dành cho các dự án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước) được triển khai rầm rộ. Nhưng chỉ ba năm sau, năm 1998, chương trình này bị “khai tử” một cách đột ngột, trong khi theo kế hoạch thì lẽ ra nó phải “sống” cho đến hết năm 2000. Những bài học “xương máu” của chương trình quốc gia về CNTT chưa được nghiêm túc xem xét thì đề án “Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước 2001-2005” được khai sinh. Đây là đề án qui mô nhất từ trước đến nay ở lĩnh vực này. Tuy nhiên, ngay khi ra đời, đề án 112 đã nhận được không ít lời cảnh báo về những nguy cơ sẽ giẫm lên “vết xe đổ” của giai đoạn trước đó...

Ông CHU HẢO (nguyên phó trưởng ban chỉ đạo quốc gia về CNTT):

"Theo tôi, lãng phí của đề án 112 là nhiều địa phương ham mua máy tính, mua phần cứng nhiều hơn là đi vào xây dựng cơ sở dữ liệu, rồi nối mạng máy tính và chia sẻ thông tin"

Ông NGUYỄN TRỌNG (nguyên chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT):

"Mục tiêu của đề án 112 là đúng, nhưng đường đi đến mục tiêu ấy là không đúng, do đó chúng ta không thể tới đích" 

Ông Phan Đình Diệu, nguyên phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT (giai đoạn từ tháng 5-1994 đến 6-1997), còn lưu lại bức thư ông gửi Thủ tướng Phan Văn Khải đề ngày 2-8-2001, tức chỉ vài ngày sau khi đề án 112 ra đời. Trong bức thư này, ông nhấn mạnh: “Nội dung đề án 112 được chuẩn bị quá sơ sài, không đủ luận cứ khoa học, các khái niệm có nhiều nhầm lẫn...”. Ông Diệu viết tiếp: “Tôi có cảm tưởng như đề án được viết để cho có, để rồi có thể làm một cách tắc trách, chứ không phải viết nghiêm túc để làm một cách nghiêm túc. Nặng về phần trang thiết bị và mạng nhưng rất qua loa về nội dung thông tin - đáng lẽ phải là phần chủ yếu nhất của đề án”.

Cũng trong bức thư này, ông Diệu nêu rõ: “Nếu đã xác định làm thật thì phải hiểu tin học hóa là công việc hết sức khó khăn, đòi hỏi nhiều công sức và trí tuệ. Tiếc rằng những công việc được bắt đầu trong giai đoạn 1996-1998 đã bị xóa bỏ một cách vô trách nhiệm, nay không thể lại làm với sự chỉ đạo hời hợt được”. Ông cũng đề nghị với Thủ tướng cần kiểm điểm vì sao chương trình quốc gia về CNTT bị đình chỉ từ năm 1998.

Cũng đề cập sự ra đời và triển khai đề án 112, ông Nguyễn Trọng - nguyên chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT - cho biết cách đây khoảng năm năm, ông đã từng đặt vấn đề thông qua những bài viết trên tạp chí PC World B rằng dự án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 1996-1998 với vốn đầu tư hơn 150 tỉ đồng có thành công không và những ngàn tỉ tới đây cho việc này sẽ ra sao? Lúc đó ông Trọng cũng nêu quan điểm thẳng thắn: “Chúng tôi chưa thấy rõ khả năng thật sự để vượt qua “cái chết hệ thống” của những toan tính hôm nay”. Theo ông, “những toan tính hôm nay” chính là việc triển khai đề án 112!

Giẫm lên vết xe cũ

Tiếp nối câu chuyện về sự ra đời của đề án 112, ông Chu Hảo - nguyên thứ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ, nguyên phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT - nói: “Hầu hết những người thực hiện chương trình quốc gia về CNTT 1996-1998 đều thấy rằng đề án 112 chắc sẽ lặp lại cách làm mà chúng tôi có ý định tránh. Nghĩa là đề án 112 vẫn đi theo lối phân bổ ngân sách gần như rải đều ở các nơi, cũng xây dựng đồng loạt các trung tâm tích hợp dữ liệu qui mô, các phần mềm... mà không tính sát sao đến nhu cầu thực tế cũng như trình độ, khả năng khai thác ở các nơi. Mặt khác, chúng tôi cũng hết sức ngạc nhiên khi biết đề án 112 được đầu tư không dưới 1.000 tỉ đồng cho các hạng mục chính”.

Ông Hảo cho rằng ngay khi đề án 112 ra đời, ông đã không tin tưởng lắm vào khả năng thành công vì cách đi của những người tổ chức thực hiện đề án này đã lặp lại lối đi mà những người thực hiện chương trình quốc gia về CNTT trước đó đã nhận ra rằng không thể tiếp tục. Ông Hảo cũng nói đề án 112 đã được lấy ý kiến rất hình thức: “Chúng tôi không được tham khảo từ đầu, đến giai đoạn cuối trước khi ra quyết định thì mới được hỏi ý kiến. Trong những tình huống như thế thật là khó để góp ý kiến chu đáo được”.

Tùy tiện đầu tư!

Theo phân tích của Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường Quốc hội, việc phân cấp đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong đề án rõ ràng và tạo điều kiện chủ động cho các bộ, ngành, địa phương. Song trong quá trình chỉ đạo, do Ban điều hành đề án 112 Chính phủ không định được khung chuẩn các hệ thống tin học hóa của các bộ, ngành, địa phương, không xác định được mức đầu tư sàn dẫn đến các bộ, ngành, địa phương tùy tiện đầu tư.

Chưa hết, có bộ, ngành, địa phương được đầu tư rất lớn, có nơi lại ít quan tâm, hầu như không đầu tư gì thêm ngoài nguồn từ kinh phí trung ương cấp về. Nói cách khác, vẫn còn nặng cơ chế “rót” kinh phí từ trung ương xuống địa phương nên có tình trạng không ít địa phương cố gắng “tranh thủ”, đồng thời ỷ lại vào trung ương về ngân sách cũng như về phương án triển khai, không chú trọng đúng mức tới hiệu quả đầu tư. Ngay kinh phí trung ương cũng không dự trù sát mà chỉ nêu “không dưới 1.000 tỉ”.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, Ban điều hành đề án 112 ở trung ương không nắm được các bộ, ngành, địa phương đầu tư thêm bao nhiêu. Con số tổng hợp mới đến tháng 9-2003 đã là 3.730 tỉ đồng chi cho đề án 112. Vậy đến cuối năm 2005 là bao nhiêu?

Ngoài ra, nhiều báo cáo còn cho thấy nguồn kinh phí từ Ban điều hành 112 Chính phủ chỉ đầu tư cho việc xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu và chỉ được đầu tư trong các năm 2002-2004. Trong khi đó, chưa có phần mềm dùng chung và cơ sở dữ liệu nên vốn đầu tư sẽ không hiệu quả...

* Ông LÊ MẠNH HÀ (giám đốc Sở Bưu chính - viễn thông TP.HCM):

Đúng là “ném tiền qua cửa sổ”!

“Ném tiền qua cửa sổ” - câu nói đó rất đúng với lĩnh vực CNTT. Nếu làm một con đường thì dù tốt dù xấu cũng vẫn có thể lưu thông được. Với CNTT thì khác, máy móc mua không được dùng là lạc hậu và xuống giá rất nhanh, phần mềm không dùng được thì không sử dụng vào việc gì khác mà chỉ có bỏ đi, đào tạo mà không có thực hành thì cũng quên hết.

Theo tôi, nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của đề án 112 là tính không chuyên nghiệp đối với một đề án đòi hỏi có trình độ quản lý chuyên môn cao.

Nếu giao việc xây dựng cầu Thăng Long cho văn phòng thì thất bại là điều ai cũng có thể nhìn thấy. CNTT phức tạp hơn nhiều mà một đơn vị không có chuyên môn dám đảm nhận thực hiện thì chắc không có ở các nơi khác trên thế giới. 

Giải pháp nào cho ứng dụng CNTT trong hoạt động hành chính nhà nước? Giải pháp đầu tiên là về con người. Hiện nay chúng ta đang thiếu một “nhạc trưởng” thực thụ trong CNTT. Nếu không có tổng chỉ huy có khả năng quản lý nhà nước và dày dạn kinh nghiệm thì khả năng thành công là rất thấp dù có đề án tốt đến đâu.

 

Theo Tuổi trẻ

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0