Phần mềm dùng chung cùng... chết chung
Theo báo cáo của Ban điều hành đề án 112 Chính phủ, PMDC đã được thử nghiệm tại 27 tỉnh, thành, 15 bộ, ngành; bao gồm: phần mềm thông tin điện tử tổng hợp kinh tế - xã hội, phần mềm thông tin điện tử quản lý văn bản và hồ sơ cồng việc, phần mềm trang thông tin điện tử phục vụ điều hành. Nhưng thực tế ở nhiều nơi, các PMDC nhanh chóng biến thành phần mềm “đắp chiếu” chung!
Tại Vĩnh Phúc, kết quả kiểm tra bước đầu của Sở Bưu chính - viễn thông tỉnh cho thấy ở 12 cơ quan, đơn vị được cài đặt các PMDC đều gặp nhiều khó khăn trong sử dụng, thậm chí có nơi không sử dụng được.
Tương tự, tại Phú Thọ có 29 đơn vị được cài đặt ba PMDC, hầu hết không sử dụng được phần mềm hệ thống thông tin tổng hợp kinh tế - xã hội; chỉ có bảy đơn vị sử dụng thường xuyên phần mềm hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc; ba đơn vị sử dụng phần mềm trang thông tin điện tử. Đáng lưu ý, Sở Bưu chính - viễn thông Phú Thọ đã sử dụng phần mềm khác đáp ứng tốt hơn PMDC của đề án 112.
Theo khảo sát của Sở Bưu chính - viễn thông TP.HCM, tại quận 5 và quận 10, những bất cập của ba PMDC là không sát thực tế, không hiệu quả; phần mềm chưa hoàn chỉnh, đang trong giai đoạn chỉnh sửa nhưng đã triển khai trên diện rộng. Đặc biệt, ba phần mềm được sử dụng riêng lẻ, không liên kết với nhau, không mang tính hệ thống...
Cụ thể, phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc mắc nhiều lỗi logic và thiết kế giao diện chưa chuẩn, gây khó khăn cho việc nhập liệu với số lượng lớn; phần mềm tổng hợp thông tin văn hóa - xã hội chưa hỗ trợ việc tính tổng số liệu từng tháng, không hỗ trợ lãnh đạo đơn vị trong việc lập kế hoạch; phần mềm điều hành tác nghiệp có chức năng sơ sài, không đáp ứng được nhu cầu điều hành.
Sở Bưu chính - viễn thông TP.HCM còn kiến nghị làm rõ vấn đề chi phí cài đặt 25 triệu đồng cho một phần mềm tại một đơn vị “là chi phí quá cao, quá bất hợp lý”. Sở này cũng cho rằng Ban điều hành đề án 112 Chính phủ cần thông báo chính thức số phiên bản mỗi phần mềm và số công ty xây dựng một phần mềm trên địa bàn TP và trên cả nước để đánh giá được mức độ “dùng chung” của cả ba PMDC...
Nói tóm lại, sau năm năm triển khai đề án 112, chưa nơi nào có một hệ thống thông tin phục vụ trực tiếp công tác chỉ đạo điều hành theo đúng nghĩa.
Ồ ạt... đào tạo!
Kiếm tiền quá dễ!
Giám đốc một công ty tin học nói với chúng tôi: “Tôi là một trong số những người đi chỉ huy cài đặt ba PMDC ở một số tỉnh, thành theo hợp đồng được ký giữa công ty tôi và Ban điều hành”. Tiền công chuyên gia được tính trên dưới 1 triệu đồng/ngày nhưng thực chất “chúng tôi đã thực hiện việc triển khai các PMDC bằng nhân lực mới ra trường, hay kể cả nhân lực không có thật”. Bởi vì số tiền trả cho việc cài đặt các phần mềm đã định sẵn cho mỗi địa phương, mỗi phần mềm, công việc còn lại chỉ là thuyết minh cho đúng là công ty bỏ ra từng đó ngày công để làm cơ sở nhận đủ tiền.
|
Cho đến đầu tháng 4-2005, Ban điều hành đề án 112 Chính phủ mới ra văn bản hướng dẫn xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo tin học cho cán bộ công chức. Trong khi đó, về nguyên tắc thì giai đoạn 1 của đề án 112 sẽ kết thúc vào năm 2005. Có lẽ vì thời gian còn lại không nhiều nên Ban điều hành 112 đã phải dốc hết sức để huy động người đi đào tạo. Và hầu như khắp các tỉnh, thành trong cả nước đều “chạy nước rút” để tổ chức dạy tin học cho công chức theo chủ trương của đề án 112. Báo cáo của Ban điều hành đề án 112 cho biết đã có khoảng 64.000 cán bộ, công chức được đào tạo ứng dụng tin học. Riêng TP.HCM, từ giữa tháng 5-2005 cho đến khoảng đầu tháng 1-2006, đã huy động được hơn 3.000 cán bộ, công chức ở 24 quận huyện và 43 sở ngành đi học tin học.
Thế nhưng, tháng 5-2005, sau khi nhận được kế hoạch và chương trình đào tạo của Ban điều hành đề án 112, Sở Bưu chính - viễn thông TP.HCM đã có phản ứng gay gắt. Theo đó, sở cho rằng toàn bộ chương trình gồm tám phần nội dung (môđun) nhưng có đến sáu môđun (chiếm 80% thời lượng chương trình) là kiến thức thuộc chương trình đào tạo chứng chỉ quốc gia tin học trình độ A.
Theo hợp đồng ký kết giữa Ban điều hành 112 với các đơn vị đào tạo thì định mức chi phí đào tạo tin học là trên dưới 2 triệu đồng/người học (trong khoảng 19 ngày). Như vậy, nếu tính mức này thì việc đào tạo tin học theo chương trình của đề án 112 cho 64.000 người đã ngốn của ngân sách khoảng 128 tỉ đồng. Đó là chưa kể đến chi phí viết giáo trình, chi phí tổ chức đào tạo...
Tuy nhiên, theo ông Lê Mạnh Hà - giám đốc Sở Bưu chính - viễn thông TP.HCM, hằng năm Sở Nội vụ TP cũng có chương trình đào tạo chứng chỉ quốc gia trình độ A cho công chức, nên ở đây có sự trùng lắp và gây lãng phí trong việc tổ chức đào tạo kiến thức tin học căn bản.
Hợp đồng lạ đời!
Về nguyên tắc, Ban điều hành chỉ cần ký một hợp đồng thuê các công ty tin học cài đặt PMDC cho các tỉnh rồi yêu cầu các tỉnh chuẩn bị cơ sở hạ tầng để cài đặt phần mềm là xong. Nhưng ở đây, không hiểu sao Ban điều hành lại ký hợp đồng kinh tế với văn phòng UBND các tỉnh, thành về việc cài đặt các PMDC. Theo những bản hợp đồng này, Ban điều hành (bên A) sẽ cử cán bộ (người của các công ty tin học đã được Ban điều hành thuê) xuống cài đặt phần mềm và văn phòng UBND các tỉnh, thành (bên B) có trách nhiệm chuẩn bị hạ tầng để cài đặt phần mềm, đồng thời triển khai sử dụng phần mềm. Ngay sau ký hợp đồng, Ban điều hành sẽ “tạm ứng” cho văn phòng UBND các tỉnh, thành 100 triệu đồng. Số tiền còn lại sẽ được quyết toán dựa trên số lượng đơn vị sở, ban, ngành trong tỉnh được cài đặt PMDC.
Trong hợp đồng còn qui định rõ: “Trong trường hợp một bên vi phạm hợp đồng thì bên đó có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho bên kia theo pháp luật hiện hành và theo thỏa thuận của hai bên. Nếu có sự tranh chấp không tự giải quyết được thì sẽ đưa ra tòa án để giải quyết”. Giả sử giữa hai bên “cơm không lành, canh không ngọt” thì chẳng lẽ Ban điều hành đi kiện văn phòng UBND tỉnh, thành đòi bồi thường thiệt hại hoặc ngược lại. Trong khi đó, về nguyên tắc hành chính, đây chỉ là mối quan hệ giữa cấp trên (trung ương) và cấp dưới (địa phương).
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một luật sư nhận xét hợp đồng giữa Ban điều hành và văn phòng UBND các tỉnh, thành hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Ngoài ra cũng có ý kiến cho rằng để triển khai những nội dung đó, Ban điều hành chỉ cần giao việc cho văn phòng UBND tỉnh, thành chứ hoàn toàn không thể thực hiện dưới dạng hợp đồng kinh tế.
Điều mà nhiều người vẫn thắc mắc vì sao Ban điều hành (thực chất là đơn vị thuộc văn phòng Chính phủ) lại phải ký hợp đồng và trả cho văn phòng UBND các tỉnh, thành một khoản tiền công triển khai các PMDC cũng như tiền công đào tạo?
|
Theo Tuổi trẻ