Bất cập dễ thấy nhất là ban điều hành đề án 112 không có chức năng quản lý nhà nước về công nghệ thông tin (CNTT), chức năng này thuộc Bộ Bưu chính - viễn thông. Chính vì vậy, khi ban điều hành tổ chức thẩm định các dự án phần mềm và hướng dẫn ban điều hành các tỉnh thẩm định thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán thì trái với nghị định, qui định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, tạo nên tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong đầu tư cũng như triển khai các dự án thuộc đề án 112.
Theo các chuyên gia, điều này đã gây lãng phí rất lớn cho các địa phương. Điển hình nhất là việc xây dựng các phần mềm dùng chung. Có những phần mềm dùng chung được lấy qua đấu thầu, nhưng cũng có những phần mềm do địa phương tự xây dựng. Đã có rất nhiều tỉnh đề nghị là được sử dụng phần mềm của họ chứ không sử dụng phần mềm chung đã có trước đây. Kết quả là ý tưởng xây dựng những phần mềm dùng chung, thống nhất trên cả nước của đề án 112 bị đổ vỡ.
Một số địa phương như TP.HCM, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Vĩnh Long... đã thử nghiệm và thực hiện tốt mô hình của họ, nhưng không thể áp dụng mô hình đó cho những tỉnh khác. Đề án 112 muốn áp đặt những mô hình cụ thể, mà lại không có những mô hình cụ thể với từng địa phương, vùng miền, bộ ngành. Nói cách khác, đề án 112 chưa xây dựng được một mô hình thử nghiệm tốt mà đã triển khai đồng loạt, nên việc không đạt được những mục tiêu là điều tất yếu! Với cung cách điều hành như vậy thì rất khó tránh khỏi lãng phí thất thoát.
Trong quá trình chỉ đạo, ban điều hành đề án 112 Chính phủ đã không định được khung chuẩn của các hệ thống tin học hóa, không xác định được mức đầu tư sàn (dưới và trên), dẫn đến việc các bộ ngành, địa phương đầu tư tùy tiện. Theo số liệu, đến tháng 9-2003 kinh phí thực hiện lên đến 3.730 tỉ đồng! So sánh với các kết quả mang lại thì quả thật không tương xứng.
Đi tìm nguyên nhân tạm gọi là “thất bại” của đề án 112, có thể nhận diện được mấy vấn đề khá rõ ràng:
1- Chưa quan tâm xây dựng một nền hành chính được vận hành theo một “công nghệ hành chính” tiên tiến. Trên nền “công nghệ” ấy mới áp dụng giải pháp tin học. Hay nói cách khác, tin học hóa quản lý hành chính nhà nước chỉ phát huy được trên nền “công nghệ hành chính” tiên tiến.
2- Vai trò của người được giao trách nhiệm và quyền hạn cần thiết để triển khai ứng dụng CNTT tại đơn vị, kể cả cấp quốc gia (còn gọi là lãnh đạo CNTT-CIO), chưa đủ tầm. Ở nơi nào lãnh đạo quan tâm chỉ đạo, phân công phân nhiệm rõ ràng thì tiến độ triển khai ứng dụng CNTT nhanh chóng hơn, ngược lại thì công việc luôn bị trì trệ. Người thiếu hiểu biết và kinh nghiệm về qui trình xử lý hành chính, các đặc thù công nghệ trong ứng dụng tin học mà lại được giao nhiệm vụ triển khai ứng dụng CNTT rất dễ đi đến sự lựa chọn sai giải pháp, theo cảm tính, chủ quan, thậm chí có yếu tố tiêu cực...
3- Hạ tầng CNTT yếu kém, không đồng bộ, thiếu kết nối mạng hoặc kết nối không thông suốt cũng là một lý do quan trọng hạn chế khả năng triển khai ứng dụng phần mềm và cơ sở dữ liệu. Điều đáng ngại, nhiều nơi chỉ mới coi trọng đầu tư phần cứng, máy chủ, không coi trọng xây dựng kết nối mạng để chia sẻ dữ liệu và thông tin ngay từ ban đầu.
Công nghệ và năng lực của các nhà cung cấp giải pháp CNTT cho chính phủ điện tử tại các đia phương hiện nay khá hạn chế, lại bị giới hạn ở một vài công ty, do đó thiếu vắng sự cạnh tranh lành mạnh, sự minh bạch khi nghiệm thu kết quả, sản phẩm.
Theo Tuổi trẻ