Thứ sáu, 19/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 26/04/2007
Trao đổi với người đầu tiên "bật đèn đỏ" Đề án 112

Đã có quá nhiều ý kiến thảo luận về Đề án 112: “Tin học hóa quản lý nhà nước” giai đoạn 2001-2005, trước khi và sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo “Ngừng triển khai Đề án 112". Ban điều hành Đề án phải tiến hành tổng kết, nghiêm túc kiểm điểm việc không hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ; khẩn trương thực hiện kiểm toán, giải quyết những vấn đề tồn tại, liên quan.

VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông TP. HCM, người đầu tiên “bật đèn đỏ” đề nghị ngưng đề án này.

Đề án 112 là gì

5 mục tiêu của Đề án

- Xây dựng các hệ thống tin học quản lý hành chính nhà nước.

- Tổ chức xây dựng và tích hợp các cơ sở dữ liệu quốc gia.

- Tin học hóa các dịch vụ công.

- Đào tạo cán bộ công chức về tin học.

- Thúc đẩy cải cách hành chính.

Đây là một đề án cấp quốc gia với chi phí đầu tư lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Riêng kinh phí của Trung ương cho các hạng mục chính đã không dưới 1.000 tỉ đồng.

Tại TP.HCM, kinh phí được duyệt cho dự án lên đến 240 tỉ đồng (trong đó có 153 tỉ đồng từ ngân sách của Thành phố.)

Ban Chỉ đạo cấp Trung ương của Đề án 112 thuộc ngay Văn phòng Chính phủ. Tại các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, Văn phòng HĐND và UBND là thường trực của Ban chỉ đạo.

"Cái chết được báo trước" từ lâu

Tại Sở Bưu chính Viễn thông TP. HCM, ông Lê Mạnh Hà cho chúng tôi xem một tập tài liệu trong đó có đến 40 văn bản các loại của Sở, gửi lên UBND TP và các cơ quan chức năng để báo cáo và kiến nghị về các vấn đề của Đề án 112. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

VietNamNet: - Sở Bưu chính Viễn thông TP. HCM là đơn vị đã lên tiếng đầu tiên, liên tục và quyết liệt có những phản đối về đề án này. Vậy câu chuyện bắt đầu từ đâu?

Le_Manh_Ha.jpg
Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông TP. HCM, người đầu tiên “bật đèn đỏ” đề nghị ngưng Đề án 112. Ảnh: Bùi Văn.
Ông Lê Mạnh Hà: - Sở Bưu chính Viễn thông được thành lập tháng 10/2004. Ngay từ năm 2004 đến các năm sau, Sở đã liên tục có nhiều công văn gửi lên UBND TP và các cơ quan chức năng, trước tiên là đề nghị tạm ngưng triển khai trên diện rộng 3 phần mềm dùng để đánh giá và sau đó đề nghị ngưng hẳn.

Tôi cũng đã từng tuyên bố TP. HCM  không tiếp tục triển khai Đề án 112, trên thực tế đúng là như vậy. Có thể nói chúng tôi đã đúng khi triển khai xây dựng chính phủ điện tử theo hướng riêng của Thành phố. Đến nay kết quả đạt được rất khả quan, Thành phố hiện là đơn vị đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin.

- Mục tiêu của dự án thì tốt, tuy cũng có những ý kiến còn cho là xa vời thực tế, dàn trải… Nhưng khi nào thì những điểm yếu bắt đầu lộ rõ?

- Sai lầm là ở chỗ người không đúng việc. Những người chủ trì phải là người chuyên ngành của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Đề án giao thông phải do ngành giao thông làm, thủy lợi phải do ngành nông nghiệp làm… Một văn phòng không chuyên ngành không thể có khả năng thực hiện đề án, nhất là một đề án về công nghệ thông tin, một ngành rất mới và phức tạp.

- Dường như đây là một trường hợp điển hình về vừa đá bóng vừa thổi còi: một cơ quan vừa định ra chuẩn, vừa thẩm định, vừa hợp đồng mua và thuê, vừa triển khai sử dụng…

- Sai cơ bản là “anh” không phải cơ quan quản lý nhà nước. Chỉ cơ quan quản lý nhà nước mới có quyền thẩm định dự án và phê duyệt dự án. Nhưng ở đây đã qua bao năm, Ban Điều hành vẫn đứng ra thẩm định dự án. Hậu quả là cho đến nay, tôi chưa thấy dự án nào của Ban Điều hành 112 Trung ương được phê duyệt

Tiền là tiền của ai?

Các phát hiện và báo cáo của Sở Bưu chính Viễn thông TP. HCM về Đề án 112

1. Thành lập Hội đồng thẩm định không đúng qui định, không khách quan. (Báo cáo ngày 16/12/2004).

2. Thẩm định sai thẩm quyền (Báo cáo ngày 28/12/2004).

3. Giao chủ đầu tư sai quy định (Báo cáo ngày 5/1/2006).

4. Dùng vốn sự nghiệp sai quy định (Báo cáo ngày 5/1/2006).

5. Đầu tư dàn trải, không hiệu quả (Báo cáo ngày 28/12/2004).

6. Bất thường và bất cập trong việc quy định quản lý các dự án thuộc 112 tại TP. HCM (Báo cáo ngày 16/12/2004). Trong đó chỉ ra 4 điểm bất cập về thẩm định, đấu thầu, và qui trình ra văn bản.

7. Trùng lắp trong các dự án của 112 Chính phủ và 112 Thành phố (Báo cáo ngày 16/12/2004).

8. Phần mềm dùng chung kém chất lượng, không hiệu quả. (Báo cáo ngày 12/4/2005).

9. Nhiều bất hợp lý trong chương trình đào tạo của 112 (Báo cáo ngày 25/5/2005).

- Kinh phí cho dự án được duyệt và cấp như thế nào? Và phải thanh quyết toán đợt trước mới chi tiền đợt sau?

- Đúng ra thì năm 2002, Đề án có được duyệt kinh phí, còn các năm sau thì chỉ là ứng kinh phí, chưa có duyệt kinh phí. Ứng kinh phí liên tiếp trong nhiều năm thì rõ ràng là có vấn đề.

- Các cơ quan tài chính khi chi tiền chắc chắn phải theo dõi việc sử dụng đồng tiền như thế nào?

- Về nguyên tắc là phải kiểm tra. Khi tạm ứng cũng phải theo qui định. Nhưng có lẽ nhiều khoản ứng đã phải theo sức ép của Ban Điều hành 112 mà không theo đúng qui định.

- Vậy còn các khoản chi theo ngân sách địa phương thì sao?

- Ngân sách các địa phương eo hẹp nên chủ yếu dựa vào ngân sách Trung ương của Đề án 112. Một số tỉnh vẫn khen dự án, vì có tiền để mua thiết bị là mừng, nhất là tiền không phải của địa phương mình. Còn TP. HCM có đủ kinh phí nên không cần chờ vốn của Đề án 112 Trung ương

- Nhưng đến nay đã có tỉnh nào tổng kết về kết quả và hiệu quả của dự án chưa?

- Tôi không rõ có tỉnh nào, nhưng theo tôi biết thì hình như chưa có tỉnh nào tổng kết được. Vốn của Trung ương, vốn của địa phương cùng đổ vào. Đến nay không ai biết được bao nhiêu tiền đã chi vào.

Nhiều nơi thấy sai, nhưng không thấy sai hệ thống

- Tại sao tình trạng đó kéo dài trong nhiều năm mà không có biện pháp kịp thời?

- Chúng tôi đã phát hiện thấy những điểm sai về pháp lý, về tài chính, về chuyên môn và đã nhiều lần báo cáo Thành phố. Chúng tôi đã mời Ban Chỉ đạo 112 vào để thảo luận những điểm sai này. Nhưng không ai vào.

phanmemdungchung.jpg

Ba phần mềm dùng chung gồm "Hệ thống thông tin tổng hợp kinh tế xã hội", "Trang thông tin điện tử phục vụ điều hành" và "Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc" được Ban điều hành Đề án 112 trưng bày trong buổi lễ giới thiệu về "thành quả bước đầu đạt được" của Đề án ngày 9/9/2005 tại Trung Tâm Hội nghị Quốc tế 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội. Đây là những phần mềm Sở BCVT TP. HCM đã có công văn đề nghị tạm ngưng triển khai trên diện rộng để đánh giá và sau đó đề nghị ngưng hẳn.(Ảnh: B.M.). 

- Nhưng tất cả 64 ban chỉ đạo cấp tỉnh thành, chưa kể trong Ban Chỉ đạo cấp Trung ương, nhất định phải có ai đó nhìn thấy đây là những sai phạm, không phải sai phạm nhỏ lẻ mà là sai phạm hệ thống. Vậy đúng ra trong ngần ấy năm phải có ai từ trong cuộc đứng ra “thổi còi”?

- Nhìn thấy những điểm sai lẻ tẻ, cảm thấy có vấn đề thì từ sớm cũng có nhiều người. Nhưng để thấy cái sai một cách hệ thống thì không phải ai cũng dễ thấy, nhất là trong một lĩnh vực mới như lĩnh vực công nghệ thông tin. Tự nhiên có được một đề án từ trên áp xuống, tự nhiên có kinh phí, phần lớn là mừng.

- Các địa phương có thể vui mừng vì có dự án, có tiền. Nhưng để nhìn thấy những sai không nhất thiết phải giỏi về công nghệ thông tin?

- Nhất thiết là phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Nhưng những người ủng hộ BĐH 112 lại có lập luận: đây là lĩnh vực mới, không thể áp dụng theo những qui định hiện hành về đầu tư hay xây dựng. Cần phải sinh ra những cái mới. Nhưng vấn đề là “cái mới” lại bị sai và thậm chí làm chậm lại tiến độ thực hiện các dự án.

Đại biểu Hội đồng nhân dân TP. HCM đã có lần chất vấn: Tại sao Sở Bưu chính Viễn thông TP. HCM đưa nguyên những quy định về quản lý đầu tư và xây dựng để áp dụng vào quản lý đầu tư cho công nghệ thông tin, như thế là cứng nhắc? Chúng tôi có văn bản giải trình: Làm như thế là đúng, áp dụng những quy định về đầu tư vào các dự án công nghệ thông tin là đúng, là có lợi cho cả chủ đầu tư, tư vấn và đẩy nhanh được tiến độ triển khai.

Theo Vietnamnet

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0