|
Lễ trao giải Sao Khuê diễn ra tại Nhà Hát Lớn (Hà Nội) vào sáng nay 22/4/2007. (Ảnh: Thế Phong)
|
Được Hiệp hội phần mềm Việt Nqr`1am (VINASA) tổ chức thường niên từ năm 2003, giải thưởng Sao Khuê với uy tín của mình, còn mang ý nghĩa định hướng, phát triển ngành phần mềm trong nước. Ban tổ chức cho biết, năm nay, Sao Khuê được xét trao cho hai nhóm đối tượng khác nhau.
Thứ nhất là nhóm các cơ quan, tập thể, cá nhân tiêu biểu có thành tích đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp phần mềm và CNTT nước nhà, nhóm thứ hai dành cho các doanh nghiệp phần mềm, sản phẩm, giải pháp dịch vụ phần mềm tiêu biểu có hiệu quả ứng dụng cao tại Việt Nam.
Báo cáo của Hiệp hội DN phần mềm VN (VINASA) cho biết, doanh thu phần mềm của Việt Nam 2006 là 300 triệu USD (doanh thu xuất khẩu và gia công chiếm 90 triệu), cũng năm 2006, Việt Nam có 25.000 lập trình viên và ngành phần mềm giữ tốc độ tăng trưởng trung bình hơn 30 % trong 5 năm qua.
7 biện pháp phát triển trong "chương trình phát triển công nghiệp phần mềm VN đến 2010":
|
1. Hoàn thiện môi trường pháp lý, nâng cao năng lực quản lý nhà nướ và hỗ trợ phát triển công nghiệp phần mềm. 2. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phần mềm 3. Tăng cường các nguồn vốn đầu tư cho Công nghiệp phần mềm. 4. Phát triển thị trường CNTT trong nước và nước ngoài. 5. Hỗ trợ và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp phần mềm. 6. Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển phần mềm mã nguồn mở. 7. Tăng cường hạ tầng viễn thông - Internet cho công nghiệp phần mềm.
|
"Đây là một con số đáng mừng, nhưng vẫn còn rất khiêm tốn nếu so sánh với một số nước trong khu vực" - Tiến sĩ Mai Liêm Trực - Nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT trao đổi với báo giới tại lễ trao giải - "Chúng ta cần phải có một số biện pháp mạnh mẽ thúc đẩy nguồn lực con người trong nước, nếu không mục tiêu trở thành "trung tâm nguồn nhân lực phần mềm cho khu vực" sẽ mãi chỉ là... mong muốn!"
Với tư cách là cá nhân duy nhất được trao giải Sao Khuê 2007 cho lĩnh vực "hoạch định và thi hành chính sách", T.S Mai Liêm Trực đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề "đào tạo nguồn nhân lực phần mềm" trong số 7 chính sách và giải pháp của "chương trình phát triển Công nghiệp phần mềm VN đến năm 2010" mà thủ tướng vừa phê duyệt.
Theo Tiến sĩ, trước giờ Việt Nam mới chỉ đào tạo nguồn nhân lực CNTT theo trình độ đại trà, chưa có đào tạo nguồn nhân lực cao cấp, có khả năng xuất khẩu ra nước ngoài. "Cái đầu tiên chúng ta phải thay đổi là nhận thức trong chính sách, phải áp dụng các chuẩn quốc tế vào quy trình đào tạo, nếu chúng ta thực sự muốn hội nhập!" - Tiến sĩ Trực lấy ví dụ: "Dạy và học tiếng Anh trong đào tạo kỹ sư CNTT chẳng hạn, nếu không đưa ra các yêu cầu bắt buộc về trình độ tiếng Anh đối với nguồn nhân lực CNTT, làm sao chúng ta đạt được tầm quốc tế?!".
Trong "Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm VN đến 2010" vừa được Thủ tướng chính phủ phê duyệt có đưa ra cụ thể các mục tiêu cho ngành công nghiệp phần mềm VN:
Tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 35 - 40%/năm. Nhân lực phát triển phần mềm và dịch vụ phần mềm đạt 55 - 60 ngàn người, với giá trị sản phẩm trung bình 15 ngàn USD/người/năm.
Chương trình cũng đặt ra mục tiêu xây dựng được trên 10 doanh nghiệp phần mềm có quy mô nhân lực trên 1 ngàn người, 200 doanh nghiệp có quy mô nhân lực trên 100 người. Riêng về vấn đề vi phạm bản quyền phần mềm, chương trình đặt ra mục tiêu chung "giảm xuống bằng mức trung bình trong khu vực."
Về mặt vĩ mô, mục tiêu phát triển công nghiệp phần mềm VN đến năm 2010 nêu rõ VN phải lọt được vào top 15 quốc gia cung cấp dịch vụ gia công phần mềm hấp dẫn nhất thế giới và nằm trong nhóm các nước dẫn đầu về thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.
Giải thưởng Sao Khuê 2007 được phát động từ cuối tháng 1/2007, với 96 đề cử ban đầu, hội đồng bình chọn đã chọn ra 56 đề cử xuất sắc, sau cùng, quyết định trao giải cho 46 đề cử nổi bật nhất. Bao gồm:
2 giải thưởng cho lĩnh vực hoạch định và thực thi chính sách phát triển công nghiệp phần mềm và CNTT.
3 giải cho lĩnh vực doanh nghiệp, đơn vị tiêu biểu ứng dụng tin học.
2 giải thưởng cho lĩnh vực truyền thông và phát triển CNTT
7. Giải thưởng cho các doanh nghiệp phần mềm tiêu biểu (3 giải về xuất khẩu, 1 giải chất lượng, 3 giải tăng trưởng, 1 giải cung cấp nội dung thông tin số)
28 giải thưởng cho các sản phẩm và dịch vụ phần mềm tiêu biểu trong nước. (Trong các phần mềm được trao giải Sao Khuê 2007, có 3 sản phẩm được đánh giá hạng 5 sao và 29 giải pháp nhận 4 sao).
3 giải cho nhóm sản phẩm, giải pháp Thương mại điện tử.
1 giải cho nhóm sản phẩm và dịch vụ phần mềm nước ngoài.
|
Theo Vietnamnet