Phía Cisco đã có tham luận “Hệ thống học tập được kết nối: Xây dựng trường đại học của thế kỷ 21” còn phía CMC đã có những tham luận định hướng hiện thực hoá những viễn cảnh đó phù hợp với điều kiện Việt Nam cả về giải pháp tích hợp hệ thống lẫn phần mềm ứng dụng.
CNTT trong mô hình ĐH đẳng cấp quốc tế
Ông James SL Yong, giám đốc các chương trình thuộc lĩnh vực công khu vực ASEAN của Cisco Systems thuyết trình về mô hình trường ĐH của thế kỷ 21. Ông James nói đến 5 khuynh hướng đang ảnh hưởng đến nền giáo dục ĐH gồm: tình hình nhân khẩu học; toàn cầu hoá; sự thâm nhập của công nghệ; thế hệ sinh viên mới; cải tổ các trường ĐH.
Sự gia tăng dân số toàn cầu, những thay đổi trong cơ cấu nhân hẩu học, khuynh hướng học tập suốt đời và nhu cầu đào tạo gia tăng trên phạm vi toàn cầu là nhóm yếu tố đầu tiên ảnh hưởng quyết định đến giáo dục ĐH. Tiếp theo, toàn cầu hoá với nền kinh tế tri thức và việc đào tạo rõ ràng làm tăng cơ hội việc làm và năng suất lao động cũng như xuất hiện thế hệ sinh viên di động, từ nơi này đến nơi khác để học tập khiến cho giáo dục ĐH phải nâng đến tầm quốc tế. Các công nghệ mới, nhất là CNTT ngày càng xâm nhập rộng khắp, rồi thì, sinh viên thế hệ kế tiếp vốn đã được làm quen với công nghệ trước khi vào ĐH cũng đòi hỏi nhà trường phải có môi trường công nghệ phù hợp. Cuối cùng là các trường đều phải đối đầu với việc cắt giảm ngân sách, tìm kiếm các nguồn tài trợ mới, gia tăng hiệu quả đào tạo.
Ông James SL Yong giới thiệu mô hình của trường ĐH đẳng cấp quốc tế trong thế kỷ 21. Tại đó, các chức năng quản lý hành chính và dịch vụ sinh viên được kết nối, việc trợ giúp tài chính được tự động hoá, thầy trò thực hành mua sắm điện tử, sinh viên đăng ký trực tuyến, hình thàn hệ thống thông tin sinh viên và các dịch vụ dành cho sinh viên. Tất cả được tin học hoá.
Các lớp học thông minh, lớp học ảo, lớp học mở rộng (ra ngoài sân trường nhưng với laptop nối mạng trong tay, sinh viên vẫn học bài)… được hình thành. Thầy và trò sẽ làm việc với nhau không theo mô hình cổ điển lấy giáo viên làm trung tâm nữa mà giữa họ có sự tương tác thông tin gần như tức thời. Lớp học thông minh có đèn chiếu và phông màn trắng; máy tính cá nhân nối mạng cho mỗi người. Lớp học có thể trả lời trực tiếp trên máy và thầy sẽ biết ngay có bao nhiêu sinh viên theo đáp án nào…
Trong môi trường nối mạng không dây của trường, trường có thể thực hiện các chương trình đào tạo từ xa, thực hành các giải pháp học tập hỗn hợp, tạo các môi trường ảo và mô phỏng; xuất hiện thế hệ những thiết bị cầm tay mới, các ứng dụng cộng tác, trường có website về chương trình đào tạo... Thư viện trường được kết nối đóng vai trò một trung tâm hoạt động của ĐH. Ở đó có các bộ sưu tập số, các tài nguyên hình ảnh... Thư viện sử dụng công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) để quản lý sách, vật phẩm cho mượn. Hoạt động nghiên cứu của trường và ngay cả trung tâm thể thao của trường cũng được kết nối… Đặc biệt nhất là hội cựu sinh viên của trường cũng được kết nối và diễn đàn của cựu sinh sẽ mang lại cho cựu sinh và nhà trường những lợi ích to lớn thông qua những thông tin nhà trường cập nhật cho họ và các khoản đóng góp cho trường từ phía họ.
Một trong những điểm mới của một trường ĐH hiện đại chính là sự thể hiện mình trong cộng đồng nơi trú đóng. Chính các trường sẽ là một trong những hạt nhân của thành phố số, nơi có những cơ sở phục vụ việc học tập suốt đời của người dân quanh vùng. Việc kết nối các trườg vào các cộng đồng tại chỗ và xa hơn là xu thế không đảo ngược. Ông James SL Yong cho biết ĐH Quốc Gia Singapore (NUS) là một trong những ngôi trường đạt chuẩn ĐH của thế kỷ 21 với hầu hết các ứng dụng CNTT đã được triển khai. Hoặc, Case Western Reverve University (Mỹ) là trường ĐH đã đóng vai trò hạt nhân của thành phố Cleveland số với sáng kiến OneCleveland.
Ông James cũng nói tới cơ hội lớn lao cho ngành CNTT trong môi trường chuyển đổi nhanh chóng của các ĐH trên thế giới. Một môi trường với rất nhiều mạng sẽ trở thành một môi trường mới của mạng hội tụ. Những việc cần làm để có một ngôi trường hiện đại “một kết nối” rất nhiều, từ xây dựng tiêu chí nhà trường, khảo sát trường, xây dựng kế hoạch, quản lý thực hiện, công nghệ ứng dụng, triển khai dự án đến đánh giá kết quả… Ông James cũng cho biết “Cisco luôn hỗ trợ các trường ĐH”.
Để có ĐH Việt Nam đẳng cấp quốc tế…
Về CNTT-TT, để có ĐH Việt Nam đẳng cấp quốc tế, các chuyên gia từ CMC, một đối tác hàng đầu của Cisco tại Việt Nam đã đưa ra những phương án tiếp cận trong việc xây dựng hệ thống thông tin hiện đại cho môi trường ĐH.
Ông Tạ Hoàng Linh, phó tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật công ty cổ phần Tích Hợp Hệ Thống CMC – CSI thuyết trình về tích hợp hệ thống: "Mục tiêu là xác định các hạng mục cần có (phải phù hợp với nhu cầu sử dụng, với xu thế và chuẩn công nghệ, với điều kiện về hạ tầng của Việt Nam, phù hợp khả năng đầu tư; xây dựng đề án đầu tư khả thi; xây dựng đề cương thiết kế khả thi; xây dựng lộ trình thực hiện khả thi...". Theo ông Linh, hệ thống thông tin hiện đại cho môi trường ĐH sẽ có các hạng mục chính gồm hạ tầng mạng (phần cứng – HW); các dịch vụ nền cơ bản (phần mềm – SW); các dịch vụ nâng cao (SW); hệ thống lưu điện thông minh (HW – SW); hệ thống sao lưu/khôi phục dữ liệu (HW – SW); hệ thống bảo mật (HW – SW); hệ thống giám sát hoạt động (SW); hệ thống chất lượng dịch vụ (SW); các hệ CSDL quan hệ và các ứng dụng nghiệp vụ.
“Tổ hợp các hạng mục dẫn đến hình thành giải pháp” – ông Linh nói và cho ví dụ hệ thống hạ tầng mạng cộng hệ thống tạo bài giảng và hệ thống truy nhập hình thành e-Learning (giải pháp đào tạo từ xa). Hay là hệ thống hạ tầng mạng + thư viện điện tử + hệ quản lý điều hành tác nghiệp + e-Learning + điện thoại IP + Video IP hình thành ĐH thông minh… Ông Linh cũng cho biết sự sẵn sàng của các đối tác trong và ngoài nước, giới thiệu một số trường như ĐH Kinh Tế Quốc Dân hay ĐH Giao Thông Vận Tải đã có những hạng mục cơ bản do CMS CSI tư vấn triển khai.
Ông Trần Kim Cương, phó giám đốc chi nhánh Sài Gòn công ty cổ phần Giải Pháp Phần Mềm CMC - CMCSoft giới thiệu những ứng dụng phần mềm cho các trường ĐH và CĐ. Những giải pháp chính mà CMCSoft có thể cung cấp cho các trường gồm cổng điện tử; quản lý đào tạo và nghiên cứu; tài nguyên học tập và nghiên cứu; quản lý nguồn lực chung; các ứng dụng hạ tầng; mạng và hạ tầng tính toán. Cũng như ông Linh, ông Cương giới thiệu chi tiết về những giải pháp đó. Thông tin có thêm tại www.cmcsoft.com.
Theo PCworld