Đa dạng các kiểu tin nhắn giả mạo
|
Nhiều người vẫn bị mất tiền vì các tin nhắn lừa (Ảnh minh họa - fotosearch) |
Hình thức giả mạo tin nhắn gây thiệt hại cho người sử dụng điện thoại di động xuất hiện từ khá lâu với nhiều kiểu "lừa" khác nhau khiến không ít người mất tiền. Tuy nhiên số người mất tiền oan vì các dạng tin nhắn này vẫn xảy ra hàng này.
“Chúc mừng bạn đã trúng thưởng 100.000đ. Hãy nhắn tin theo cấu trúc NAP 100K và gửi đến 87xx để nhận phần thưởng” là một trong những tin nhắn giả mạo điển hình để trục lợi từ khách hàng.
Thậm chí một số đối tượng còn lạm dụng cả tên các chương trình khuyến mãi hiện hành của các nhà cung cấp mạng để “chế biến” thành tin nhắn giả mạo trục lợi khách hàng. “Chiêu lừa” phổ biến nhất là “nhân dịp…”.
Đại diện MobiFone cho biết Cty đã nhiều lần khuyến nghị với khách hàng, khi nhận các tin nhắn có nội dung tương tự như trên. Tuy nhiên, trong một số trường hợp do hiếu kỳ, không ít khách hàng đã trở thành nạn nhân của trò giả mạo này.
Khi gửi tin theo cú pháp trên, khách hàng sẽ phát sinh cước sử dụng dịch vụ đến 8xxx, cước có thể lên đến 15.000 đồng/tin nhắn. Trường hợp ít nhất thì khách hàng cũng tổn thất tiền tin nhắn nội mạng hoặc liên mạng khi gửi tin lan truyền cho nhau.
"Mất cước có thể chỉ là một vấn đề nhỏ, vấn đề tai hại hơn mà trò giả mạo này gây ra là sự hoang mang của khách hàng vào các chương trình khuyến mại của các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động. Do lợi dụng danh nghĩa của các nhà cung cấp này, các đối tượng đã khiến khách hàng tin rằng đang tham gia một chương trình khuyến mãi rất đặc biệt và hấp dẫn của nhà cung cấp dịch vụ tổ chức"- Đại diện MobiFone nói.
Cảnh giác với các tin nhắn “trên trời rơi xuống”
Theo thông tin mới nhất, hệ thống nạp tiền qua hình thức nhắn tin SMS cho các game thủ chơi trò chơi trực tuyến Thế giới Hoàn Mỹ của Công ty Quang Minh DEC mới tiến hành triển khai từ ngày 18/3/2007 cũng bị “spam” tin nhắn. Thông qua thuê bao của nhà cung cấp MobiFone, những kẻ lừa đảo đã lợi dụng, việc thanh toán qua SMS này để thu lợi bất chính.
Thủ đoạn lừa đảo này như sau: Người chơi sẽ nhận được một tin nhắn từ số điện thoại lạ có dạng: "Để được thưởng 20.000 VND trong tài khoản, bạn hãy soạn tin nhắn theo cú pháp sau: NAPTIEN TK20000 và gửi đến số 8778", hoặc "Chúc mừng bạn: bạn là người may mắn trong chương trình khuyến mãi của chúng tôi, hãy soạn tin nhắn: NAPTIEN TK20000 và gửi đến số 8778 để nhận thưởng”.
Phía Quang Minh DEC cho biết, những tin nhắn trên đều là cú pháp nạp tiền vào eBank - công cụ chuyển đổi tiền VND thành đồng tiền ảo được tính bằng đơn vị "DEC" dưới hình thức thẻ cào hoặc tin nhắn SMS, trong đó TK20000 chính là một tài khoản eBank.
Khi nhắn một tin như thế, khách hàng sẽ bị mất 15.000 đồng, trong 15.000 đồng này, bọn lừa đảo sẽ được hưởng 10.000 đồng, 5.000 đồng còn lại Quang Minh sẽ phải “bỏ tiền túi” để trả cho Bộ Bưu chính Viễn thông tiền thuê đầu số 8778 (30% giá trị một tin nhắn).
“Để giải quyết vụ việc trên, Quang Minh DEC đã quyết định khóa tạm thời để điều tra các tài khoản eBank đáng ngờ như: tk15000, tk20000, tk30000, tk50000. Bên cạnh đó, từ ngày 1/4/2007, mỗi tài khoản eBank chỉ được phép nhận tiền DEC từ tin nhắn với những số ĐTDD đã đăng ký trước (tối đa là 5 số) đồng thời Cty cũng đưa thêm 1 chức năng mới: Lưu IP của người dùng khi thực hiện giao dịch để từ đó có thể dò ra các tài khoản gian lận.
Trước số lượng rất nhiều khách hàng bị lừa tin nhắn kiểu trên, đại diện MobiFone và Quang Minh DEC đều khẳng định sẽ tiến hành các biện pháp truy tìm những kẻ tung tin nhắn để trục lợi. Tuy nhiên, cả hai nhà cung cấp này đều thừa nhận rất khó để tìm và phát hiện những kẻ tung tin nhắn mạo danh vì những tin nhắn này đều được thực hiện qua internet.
Hiện tại, chỉ cần vào trang web của các mạng di động, đăng ký rồi đăng nhập dưới danh nghĩa của một số di động cùng mạng bất kỳ là có thể gửi tin nhắn qua internet cho người khác. Trong quá trình đăng ký, quản trị mạng chỉ cảnh báo rằng người gửi phải chịu trách nhiệm về nội dung còn việc quản lý thì không thể thực hiện được.
Theo Báo tiền phong