Gọi là “hiện tượng”, vì con người này đánh dấu một cột mốc trong hành trình tư duy của loài người. Bill Gates là minh chứng tuyệt vời của nền kinh tế tri thức, thời đại của bộ não con người, đặc điểm của thế kỷ XXI.
|
Tiếp kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: VNN |
Ông đã đến Việt Nam và được đón tiếp nồng hậu không chỉ vì ông là người giàu nhất hành tinh, mà còn vì ông là biểu tượng cao đẹp của con người, sống không chỉ cho mình mà cho mọi người. Việc làm của ông gợi ta nhớ lại V.Hugo, đại văn hào Pháp đã ghi trong đề từ mở đầu kiệt tác “Những người khốn khổ” của mình: “khi trên mặt đất, dốt nát và đói khổ còn tồn tại, thì những quyển sách như loại này còn có thể có ích”.
Mà dốt nát và đói khổ thì vẫn còn tràn lan trên mặt đất, cho nên, loài người luôn cần những trái tim nhân ái biết rung động với nỗi đau. Đừng quên rằng, bước sang thế kỷ XXI này, hiện hơn 1 tỷ người vẫn tồn tại với mức sống dưới tối thiểu. Trong gần 5 tỷ người sống ở các nước đang phát triển thì 3/5 không được chăm sóc sức khỏe, 1/3 không có nước sạch, 1/5 không có mái nhà che mưa nắng, 1/5 trẻ em không được học đến lớp 5. Hiện đang có 2 tỷ người suy dinh dưỡng. Đại dịch AIDS dễ tấn công và lan tràn, đặc biệt là đối với bộ phận người suy dinh dưỡng đó, những người nghèo đang không có điều kiện lo toan chạy chữa cho bệnh tật của mình.
Và Bill Gates đã quyết định góp phần mình vào ngăn chặn đại dịch này cũng như những bệnh tật khác đang giày vò con người, trước hết là “những người khốn khổ”, hầu mong giảm đi phần nào nỗi đau trong một thế giới còn quá dư thừa bất công và thiếu lòng nhân ái.
Thế rồi, vào đầu tháng tư này, ông bà Bill Gates lại thầm lặng đến Việt Nam, trực tiếp xuống tận các trạm y tế xã để tìm hiểu mô hình thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng, vì theo ông, “Việt Nam là tấm gương về chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em”. Ông muốn giới thiệu mô hình này cho các nước châu Phi, nơi mà quỹ từ thiện mang tên ông và vợ, “Quỹ Bill và Melinda Gates” đang hỗ trợ văcxin tiêm chủng cho trẻ em.
Đến “thầm lặng”, ba ngày đầu phóng viên các hãng thông tấn trong và ngoài nước đều không được tham dự các buổi làm việc, ông bà Bill Gates muốn thiết thực hỗ trợ một cách có hiệu quả từ quỹ từ thiện của mình, để sao cho những người nghèo được tiếp nhận có hiệu quả cao nhất, trực tiếp nhất.
Liệu hiện tượng Bill Gates có gợi lên những suy tư mới gì về thời đại chúng ta đang sống?
Những hiện tượng như Bill Gates và một số nhà tỷ phú khác với ứng xử tương tự liệu có cung cấp thông tin gì mới về tác động của những thành tựu lớn lao mà cuộc cách mạng KHCN và nền kinh tế tri thức đang tác động đến thế giới?
Năm 2006, người giàu thứ hai của thế giới, Warren Buffett với tài sản trị giá chừng 52 tỷ USD đã cam kết dành 85% tài sản của mình cho việc làm từ thiện. G.Soros, theo ước tính, đến năm 2003 đã dành cho hoạt động từ thiện là 4 tỷ USD từ tài sản của mình, và hằng năm đóng góp thêm chừng 400 triệu USD nữa. Liệu có phải các nhà từ thiện của thế kỷ XXI đã theo gương nhiều nhà từ thiện thế kỷ XX như “ông vua thép” của một thời, Andrew Carnegie, đã đóng góp vào quỹ từ thiện tổng cộng hơn 350 triệu USD từ năm 1901 đến đến 1915 (mà tính theo thời giá hiện nay thì khoảng trên 4 tỷ USD). Lùi xa hơn một chút, trước Andrew Carnegie, ông “trùm tư bản” Rockefeller cũng là một nhà triệu phú đóng góp vào quỹ hoạt động từ thiện tương tự như thế.
Hiểu một cách đơn giản thì những đóng góp từ thiện ấy được thúc đẩy bởi các đạo luật về thừa kế và thuế tài sản. Thuế đánh rất nặng vào tài sản thừa kế và miễn giảm cho các khoản đóng góp từ thiện. Không những thế, chi tiền vào các hoạt động từ thiện còn được lưu danh. Nhưng có lẽ nếu giải thích hiện tượng Bill Gates dành phần lớn tài sản của mình để làm từ thiện và rồi năm tới sẽ dành toàn bộ thời gian và trí tuệ, sức lực cho hoạt động từ thiện chỉ với lý do đơn giản như trên, thì e không đủ và không đúng.
Đành rằng, không phải mọi nhà tư bản đều được như Bill, nhưng Bill là một nhân tố mới, hoàn toàn mới trong hành trình con người vươn lên để thực hiện những khát vọng vừa bình thường, vừa cao cả. Bình thường ở chỗ phải giàu lên một cách chính đáng để cuộc sống vật chất và tinh thần ngày một xứng đáng với con người. Và cao cả là người ta không thể chỉ sống cho riêng mình, mà còn biết sống vì mọi người.
Phải chăng hiện tượng “làm từ thiện” của Bill và của nhiều nhà tỷ phú khác cho thấy chủ nghĩa tư bản thời hiện đại, trên một số biểu hiện, không hoàn toàn giống với chủ nghĩa tư bản của thời kỳ tích lũy, khủng hoảng chu kỳ và chính sách thực dân tìm kiếm thuộc địa của thế kỷ XVIII, XIX, thời C. Mác viết bộ “Tư Bản”, khi “mỗi lỗ chân lông đều tiết ra bùn, máu và nước mắt của người lao động”? Với những khuyết tật thâm căn cố đế của nó, như C.Mác đã từng vạch ra, chủ nghĩa tư bản đã phải tự điều chỉnh để tồn tại theo quy luật vận động của lịch sử.
Thế kỷ XX bước sang thế kỷ XXI, loài người đang trải qua một hiện thực sống động và đầy kịch tính của những thành tựu kỳ diệu mà cách mạng khoa học và công nghệ mang lại. Mặc dù đã có một dự phóng thiên tài là “khoa học đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp”, C.Mác cũng như Ph Angghen, tác giả của “Sự phát triển của Chủ nghĩa xã hội từ không tưởng đến khoa học” viết năm1892 sau khi C.Mác đã qua đời, những người đề ra ra lý luận về “chủ nghĩa xã hội khoa học” cũng không sao hình dung nổi những thành tựu của cuộc các mạng và công nghệ đang phát triển như vũ bão trong thế kỷ XX bước sang thế kỷ XXI như thế nào!
Những “phá hủy sáng tạo” đang kích thích sự tìm tòi và khám phá không ngừng, khiến cho thành tựu tri thức đạt được trong mấy thập kỷ cuối thời kỳ này, bằng toàn bộ tổng số tri thức trước đó, kể từ khi con người xuất hiện trên trái đất. Và đúng như Ph. Angghen đã từng phê phán trong tác phẩm nói trên về một thứ “lý luận chưa chín muồi… được sản sinh ra từ đầu óc con người”, đã “gán hệ thống ấy từ bên ngoài vào cho xã hội. Những hệ thống xã hội mới ấy ngay từ đầu đã không thể không rơi vào không tưởng; chúng càng được đề xuất tỉ mỉ bao nhiêu thì lại càng rơi vào ảo tưởng thuần túy bấy nhiêu”*.
Đứng vững trên mặt đất hiện thực của thế kỷ XXI, dường như có thể áp dụng nhận định đó cho chính “chủ nghĩa xã hội khoa học” ra đời từ thế kỷ XIX. Vì vậy, nếu dừng lại ở những mệnh đề lý luận có từ thế kỷ ấy, tự bằng lòng với kết luận rằng chúng “vẫn còn nguyên vẹn giá trị”, không biết thanh lọc và tuyển chọn để giữ lại những gì còn còn có ý nghĩa cho sự vận động và phát triển của cuộc sống hôm nay, vứt bỏ những gì đã lỗi thời, lạc hậu; nếu vẫn nhắm mắt “tụng niệm”, sẽ gây nên những phản tác dụng khó lường cho sự nghiệp cách mạng hôm nay.
Phải chăng “hiện tượng Bill Gates” đã ghi nhận những nhân tố mới, giúp tìm hiểu sâu thêm về sự vận động phức tạp của cuộc sống con người nói chung, và sự vận động của chủ nghĩa tư bản hiện đại nói riêng?
Nhân tố mới ấy đánh dấu một chặng mới của con người trên con đường dài dằng dặc, mà từng chặng đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và máu của những người đi tìm hạnh phúc với những giục giã của khát vọng công lý.
Bill Gates -con người từ chối đỗ xe ô tô tại khách sạn mà đến đỗ tại bãi công cộng chỉ để tiết kiệm 20 USD, nhưng đã bỏ ra 750 triệu USD để hỗ trợ việc tiêm phòng dịch cho trẻ em châu Phi. Thì ra, con người có thể làm những việc phi thường bằng sự khởi đầu lương thiện rất bình thường.
Và hiện tượng Bill Gates, có lẽ không chỉ hỗ trợ cho việc phòng trừ bệnh AIDS, cho tầm nhìn xa về tiêm chủng mở rộng, về việc phổ biến tri thức về tin học và trang bị hệ thống máy tính cho học sinh phổ thông… mà có khi cũng hỗ trợ khá nặng ký cho cuộc tranh cãi về “bóc lột”, về “giá trị thặng dư”, thậm chí về “đảng viên làm kinh tế tư nhân với quy mô không hạn chế”. Vì đơn giản là khái niệm “bóc lột” sẽ buộc phải có nội hàm mới tương ứng với cách nhìn nhận về “giá trị thặng dư” mà trong phạm vi bài viết ngắn này chưa thể đề cập sâu. Vì thế, cùng với những cách hiểu mới, xuất phát từ đời sống đang diễn ra, mà có những giải pháp và quyết sách mới phù hợp với đòi hỏi của phát triển.
Quả thật hiện tượng Bill giúp thúc đẩy việc xác lập một cách nhìn mới bằng một đôi mắt mới để tiếp cận với một thế giới đầy biến động dưới tác động của nhiều nhân tố, đặc biệt là sự tác động của cuộc cách mạng KH và CN đang phát triển như vũ bão.
Và người ta hiểu ra rằng, tương lai không là sự nối tiếp giản đơn của quá khứ, kiểu tư duy tuyến tính không còn phù hợp trước những phát triển mới mẻ với những hợp trội bất ngờ của cuộc sống. Và cách hiểu đó mới có thể mang lại sự độc lập và sáng tạo. Bởi lẽ, chỉ có thể độc lập và sáng tạo khi lý luận gắn kết với thực tiễn, biết dựa vào sự vận động của thực tiễn mà điều chỉnh lý luận một cách thông minh và sống động, chứ không chỉ hoài công phủi bụi thời gian trên những trang sách ra đời từ nhiều thế kỷ trước, nhằm biện hộ cho những lạc hậu của chính mình. Trong tri thức sơ đẳng của lý luận về nhận thức, người ta buộc phải hiểu rằng, thực tiễn cao hơn nhận thức lý luận không chỉ vì nó có ưu điểm của tính phổ biến và cả tính hiện thực trực tiếp mà vì thực tiễn là phương thức đầu tiên và chủ yếu trong mối tương tác giữa con người với thế giới. Chính vì vậy mà C.Mác đã khẳng định “chính trong thực tiễn mà con người phải chứng minh chân lý”. Xuất phát từ mệnh đề đó mà, khi chuyển sang thời kỳ “Chính sách kinh tế mới (NEP), V.I Lenin không ngần ngại tuyên bố rõ: “toàn bộ quan điểm của chúng ta về chủ nghĩa xã hội đã thay đổi về cơ bản”.
Cuộc sống đang dồn dập phát triển, thật hạnh phúc biết bao khi được sống và được suy nghĩ về những cái mới đang nảy sinh sống động trong sự dồn dập phát triển của thời đại chúng ta đang sống. Được độc lập suy nghĩ bằng chính cái đầu của mình, sáng tạo trong hành động thiết thực và dũng cảm nhằm góp phần vào sự nghiệp lớn lao của đất nước đang bứt lên tiến cùng thời đại chính là hạnh phúc lớn, trước hết là hạnh phúc của thế hệ trẻ đang đem hết sức mình xây dựng xã hội mới.
Phải chăng đó là thế hệ mà trước đây Ph. Angghen đã đặt hết niềm tin rằng họ sẽ tự tay mình xây nên một xã hội mới. Ông viết: xã hộị mới đó, “sẽ được quyết định khi một thế hệ mới lớn lên… Hẽ sẽ vứt bỏ tất cả những điều mà theo quan niệm hiện nay họ phải làm: họ sẽ tự biết cần phải làm như thế nào”.**
Theo Vietnamnet