rong đó khẳng định đây là đề án có phạm vi, đối tượng và ảnh hưởng rất rộng đến hoạt động của các cơ quan nhà nước thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), nhưng việc triển khai đề án còn chậm, kết quả chưa đạt được như các mục tiêu của đề án đã đề ra, còn nhiều bất cập...
Theo Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường Quốc hội, sở dĩ đề án 112 không đạt được mục tiêu bởi dù ban điều hành không có chức năng quản lý nhà nước về CNTT nhưng vẫn tổ chức thẩm định các dự án phần mềm và hướng dẫn ban điều hành các tỉnh thẩm định thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán, trái với nghị định, qui định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, tạo nên tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong đầu tư CNTT. Thậm chí, Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT cũng không chỉ đạo, bao quát được đề án 112.
Liên quan đến vấn đề kinh phí và phân cấp đầu tư cho đề án 112, báo cáo cho rằng việc phân cấp đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong đề án rõ ràng và tạo điều kiện chủ động cho các bộ, ngành, địa phương, nhưng trong quá trình chỉ đạo, do ban điều hành đề án 112 Chính phủ không định được khung chuẩn các hệ thống tin học hóa của các các bộ, ngành, địa phương, không xác định được mức đầu tư sàn nên dẫn tới tình trạng các bộ, ngành, địa phương tùy tiện đầu tư. Có bộ, ngành, địa phương đầu tư rất lớn; có nơi lại ít quan tâm, hầu như không đầu tư gì thêm ngoài nguồn từ kinh phí trung ương cấp về. Không ít địa phương cố gắng “tranh thủ”, đồng thời ỷ lại vào ngân sách trung ương, ỷ lại vào phương án triển khai, không chú trọng đúng mức tới hiệu quả đầu tư.
Ngay kinh phí trung ương cũng không dự trù sát mà chỉ nêu “không dưới 1.000 tỉ đồng” trong khi ban điều hành đề án 112 ở trung ương không nắm được các bộ, ngành, địa phương đầu tư thêm bao nhiêu. Ban điều hành đề án báo cáo tính đến tháng 9-2003 số tiền đầu tư cho đề án đã là 3.730 tỉ đồng. Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường Quốc hội đặt câu hỏi: “Vậy đến cuối 2005 là bao nhiêu? Con số này ứng với bao nhiêu phần trăm so với mức cần đầu tư đến 2005 và đã hoàn thành được bao nhiêu phần trăm nhiệm vụ, mục tiêu tin học hóa quản lý hành chính nhà nước đến 2005?”.
Trước quá nhiều bất cập của đề án 112, Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường Quốc hội kiến nghị sau khi có kết quả kiểm toán (do Kiểm toán Nhà nước thực hiện), Chính phủ nên tổng kết giai đoạn 2001-2005 của đề án, gửi báo cáo chính thức cho các cơ quan hữu quan và công bố báo chí để khẳng định những việc đã làm được, những việc chưa làm được.
Theo Tuổi trẻ