Thứ sáu, 19/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 02/04/2007
Chiến tranh pháp lý leo thang

Minh họa: Nguyễn ngọc Thuần

Việc kiện tụng đã trở thành “chuyện thường ngày” trong giới công nghệ thông tin. Ba tháng đầu năm 2007, cuộc chiến pháp lý không những không dịu đi mà còn có phần khốc liệt hơn so với năm 2006.

Bằng phát minh vẫn là... ác mộng

Năm Hợi bắt đầu với một loạt đơn kiện liên quan đến bằng phát minh. Sony phải bồi thường hơn 90 triệu USD vì “dùng chùa” công nghệ cảm biến trong tay cầm chơi game. Hãng điện thoại Ericsson kiện Sendo “quên” ký hợp đồng sử dụng công nghệ với mình. HP và Acer đưa nhau ra tòa vì tranh chấp công nghệ xử lý - biên tập DVD...

Đáng chú ý nhất là xung đột giữa hai gã “Goliath”: Alcatel và Microsoft. Tòa án liên bang Hoa Kỳ đã ra phán quyết buộc hãng phần mềm số 1 thế giới bồi thường hơn 1,5 tỉ USD cho hãng viễn thông Pháp. Nhiều công ty khác cũng đang “ngồi trên đống lửa” khi công nghệ MP3 được khẳng định là của Alcatel.

Tranh chấp chắc chắn vẫn chưa dừng lại bởi Microsoft đã kháng án lên Tòa án tối cao Hoa Kỳ, đồng thời kiện ngược lại Alcatel, buộc tội họ vi phạm công nghệ điện thoại tích hợp.

Nhà cung cấp dịch vụ VoIP (điện thoại Internet) Vonage vừa “ngậm ngùi” trả 58 triệu USD, đồng thời chấp nhận “chia sẻ” 5% lợi nhuận trong tương lai cho Verizon vì vi phạm bằng phát minh.

Đạo luật “già" giết chết mạng cộng đồng “trẻ”?

Nói đến mạng cộng đồng là nói đến MySpace và YouTube, nhưng thời gian gần đây báo chí chỉ nhắc tới YouTube. Không chỉ gây tiếng vang với “giải Oscar” trực tuyến đầu tiên, YouTube còn nổi đình đám nhờ đơn kiện của Viacom.

Tập đoàn giải trí đang sở hữu Paramount Pictures và DreamWorks này yêu cầu YouTube phải bồi thường tới 1 tỉ USD vì đăng tải trái phép tới 160.000 đoạn video của Viacom. Gần như ngay lập tức, “người khổng lồ”, với sự hậu thuẫn của EFF (Electronic Frontier Foundation - một tổ chức chuyên về luật điện tử), phản đòn bằng đơn kiện ngược Viacom vi phạm luật bản quyền và quyền tự do ngôn luận khi buộc YouTube xóa đoạn video nhại (parody) chương trình truyền hình The Colbert Report.

Nhưng mấu chốt vấn đề không phải là việc hai bên ăn miếng trả miếng mà là ở cơ sở pháp lý của vụ kiện: Đạo luật bản quyền kỹ thuật số thiên niên kỷ (Digital Millennium Copyright Act - viết tắt là DMCA), một đạo luật vừa tròn 10 tuổi. Số phận của YouTube cuối cùng lại nằm trong tay một đạo luật được soạn thảo khi người ta chưa hề tưởng tượng được rằng sẽ có web 2.0 hay các mạng cộng đồng.

Cả Viacom lẫn Google đều khẳng định đạo luật DMCA đứng về phía họ, giới quan sát vẫn lạc quan khẳng định Google không phí tiền khi mua YouTube, nhưng tòa sẽ phán quyết ra sao thì chưa ai dám khẳng định, chỉ biết rằng cần có “một cái gì đó” thay thế DMCA.

Bên kia “chiến tuyến”, News Corp tỏ ra rất khéo léo trong việc tránh rắc rối với luật bản quyền khi nhanh tay ký hợp đồng phát hành video với nhiều hãng giải trí lớn. Tuy nhiên, điều này cũng không cứu MySpace khỏi rắc rối với luật pháp. Hồi tháng một vừa qua, mạng cộng đồng này bị kiện vì... không bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Bên nguyên là gia đình năm bé gái vị thành niên bị bạn quen qua MySpace cưỡng bức.

Microsoft vừa chân ướt chân ráo nhảy vào thị trường chia sẻ video với Soapbox (đang thử nghiệm) cũng đã vội khóa đăng ký tài khoản mới trên trang web này trong hai tháng. Họ thừa nhận cần “lùi một bước” để hạn chế số video clip vi phạm bản quyền được tải lên, đồng thời để tiến thành thử nghiệm công cụ lọc nội dung có chức năng tự động xóa video bất hợp pháp.

Kiện xong là...hợp tác

Ngoài vấn đề vi phạm bản quyền phần mềm và game, do người ta không thể “tóm cổ” hết những kẻ phát tán sản phẩm crack nên còn nhiều rắc rối thì hòa giải vẫn là giải pháp “kết thúc chiến tranh” phổ biến hiện nay.

Cisco sau khi hùng hồn buộc tội Apple cũng đã chấp nhận để “trái táo” dùng chung thương hiệu iPhone, còn “quán quân chip bán dẫn” Intel thì vừa chấp nhận “lùi bước” trước Amberwave để chấm dứt vụ tranh chấp công nghệ ép silicon.

Các hãng giải trí lớn như Sony BMG hay Warner Bros lần lượt bắt tay với News Corp hoặc Google. Ngay cả “nhà vô địch vi phạm bản quyền” Bit Torrent cũng đã mở dịch vụ cung cấp phim hợp pháp bằng việc ký hợp đồng với nhiều hãng phim. Trường hợp YouTube và Viacom vẫn đang căng thẳng là vì Viacom không chấp nhận giá mà phía Google đưa ra (500 triệu USD).

Liên kết giữa các mạng cộng đồng với các hãng giải trí và các tập đoàn truyền thông/công nghệ lớn đã trở thành một xu hướng rất rõ nét; thay vì “cắn xé” lẫn nhau, người ta cố tìm cách hợp tác để “đôi bên cùng có lợi” nhưng chiến tranh pháp lý trong giới CNTT có kết thúc được hay không chỉ thời gian mới có thể trả lời.

Theo Tuổi trẻ

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0