-Browser (A viết tắt từ Accessibility – sự tiếp cận) sẽ cho phép người mù và khiếm thị quản lý các nội dung đa phương tiện như người bình thường. IBM cho biết phần mềm sẽ đến tay người sử dụng trong năm nay.
Tác giả của phần mềm mang tên mã A-Browser là tiến sĩ Chieko Asakawa, một chuyên gia người Nhật tại phòng thí nghiệm của IMB ở Tokyo, đồng thời cũng là một người mù. Ý tưởng của bà xuất phát từ cảm giác thất vọng khi phải bỏ lỡ vô số nội dung web. Bà Asakawa cho biết nhóm nghiên cứu đang tập trung vào các nội dung tương thích với Real Player và Windows Media Player.
Các phần mềm đọc màn hình và các trình duyệt tự động không thể giúp quản lý video và hình ảnh động. Một số trong đó sẽ tự động chạy video ngay khi trang web được tải. Với A-Browser, một người khiến thị có thể quản lý nội dung đa phương tiện bằng các phím tắt định trước thay vì dùng chuột để chọn các nút trên menu như người thường.
Trình duyệt này còn có chức năng tăng – giảm tốc độ chạy video và chèn thêm một đoạn âm thanh mô tả hoặc tường thuật thường được dùng trong phim cũng như các chương trình truyền hình để người mù có thể hiểu được. Người sử dụng cũng có thể thêm các đoạn âm thanh từ các nguồn độc lập – ví dụ: kênh âm thanh chính, lời mô tả và âm thanh,…
“Chúng tôi đang bắt đầu hướng tới khả năng tiếp cận như một phần quan trọng trong kinh doanh.” Ông Frances West, giám đốc Trung tâm Khả năng và Tiếp cận Con người của IBM phát biểu.
IBM cho biết họ dự định biến trình duyệt này thành phần mềm mã mở để nhiều người có thể tham gia xây dựng, còn người sử dụng sẽ không phải trả phí. Theo ước tính, có khoảng 160 triệu người mù và khiếm thị trên thế giới sẽ được hưởng lợi từ trình duyệt này.
Theo Tuổi trẻ