Thứ tư, 17/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 31/03/2007
Học ngoại ngữ xuyên lục địa qua Skype

Chiếc máy nghe nhạc iPod của danh hài người Anh Tommy Campell lúc nào cũng đầy ngồn ngộn các file tiếng Trung do một phụ nữ Trung Quốc cung cấp.

 

Nguồn: AFP
Lily Huang đang giảng bài qua webcam cho Tommy Campell qua dịch vụ Voip của Skype. Nguồn: AFP
Hai người chưa từng gặp mặt, nhưng tuần nào, họ cũng dành 3 tiếng đồng hồ cho nhau. Trên thực tế, Tommy là một "học sinh" đang phải đánh vật với tiếng Trung phổ thông, còn Lily Huang chính là giáo viên đứng lớp.

Thay vì đăng ký một khóa học tiếng Trung ngay trên đất Anh với học phí cao ngất ngưởng, để rồi lo ngay ngáy bị những học viên khác trong lớp nhận ra mình, Tommy có thể tiếp thu mọi bài giảng của Lily hết sức thoải mái và riêng tư ngay tại chính ngôi nhà của anh.

Ngược lại, Lily cũng không phải khăn gói lặn lội bay sang xứ sở sương mù. Cô chỉ việc truy cập vào mạng Internet từ nhà và giảng dạy cho học sinh thông qua... Skype và webcam mà thôi.

Điều tuyệt nhất: Tommy không phải là học viên duy nhất của Lily. Mỗi giờ "đứng lớp", cô hiểu rằng mình đang truyền thụ tiếng Trung cho cả chục học viên khác, cư trú rải rác khắp nơi trên thế giới.

Sức mạnh của Skype

Dịch vụ VoIP này ra đời vào năm 2003 và sau đó được bán lại cho Gã khổng lồ đấu giá trực tuyến eBay hồi tháng 9/2005 với giá 4,1 tỷ USD. Giờ thì Skype đã được nhân bản ra 27 ngôn ngữ khác nhau, và châu Á chiếm khoảng 30% trong tổng số 171 triệu thuê bao của dịch vụ này.

Nói cách khác, châu Á chính là thị trường tăng trưởng nhanh nhất của VoIP.

Sức mạnh của công nghệ đã cho phép một phụ nữ 34 tuổi, sinh sống tại hòn đảo Hải Nam xinh đẹp đáp ứng nhu cầu học tập của hàng ngàn học viên tại Mỹ, New Zealand hay Malaysia - một viễn cảnh mà chỉ mới 5 năm trước đây, ai cũng cho là bất khả thi.

"Các học sinh của tôi đều rất bận rộn. Họ không có thời gian đến lớp, vì thế họ muốn học ngay tại nhà, nơi họ có thể cảm thấy thư giãn và thoải mái", Lily nói. Cô hiện là giáo viên tiếng Anh tại một trường Trung học tại địa phương.

"Ở các lớp ngoại ngữ bình thường, có quá nhiều học viên trong khi chỉ có một giáo viên duy nhất. Học viên không có cơ hội để nói và thực tập nhiều. Nhưng với Skype, anh ta/cô ta có thể nói bao nhiêu tùy thích".

Nào đã hết, học viên còn thoát được những khoản học phí ngất ngưởng mà các nước phương Tây thường áp dụng. Tại Anh, một giáo viên tiếng Trung có bằng cấp có thể dễ dàng hét giá 150 USD/giờ, thậm chí là hơn nếu học viên của họ là giới doanh nhân. Trong khi ấy, bài giảng của Lily chỉ khoảng 20 USD/giờ, và học viên có thể thanh toán thẳng qua dịch vụ PayPal của eBay.

"Đó là một khoản thu nhập kha khá ở Trung Quốc. Tôi lại vẫn có thể ở nhà và trông chừng đứa con 6 tuổi của mình", Lily cho biết. Chính chồng cô là người đã nảy ra ý tưởng dùng Internet để giảng dạy cách đây 1 năm, và Lily nhanh chóng đăng quảng cáo trên một số website nước ngoài.

Quảng cáo trên MySpace

Cô cũng lập hẳn một trang cá nhân riêng trên mạng xã hội ảo MySpace, và chính tại đây, Tommy đã tìm ra cô, sau khi gõ vào Google từ khóa tìm kiếm "gia sư tiếng Trung".

"Học một ngôn ngữ mới đòi hỏi bạn phải có sự tự tin rất lớn. Việc được học ở nhà khiến cho tôi cảm thấy dễ thở hơn nhiều", chàng nghệ sĩ hài 28 tuổi này nói.

"Nhiều giáo viên không thấy thoải mái với việc đến tận nhà học viên để giảng bài, vì thế họ thường bố trí một địa điểm trung gian để gặp mặt. Nghe cứ như là một cuộc hò hẹn thất bại vậy. Thậm chí giáo viên tiếng Tây Ban Nha của tôi trước đây còn hẹn học ở một quán cà phê nữa".

Một học viên khác của Lily là Eric Atherton, giám đốc một công ty chuyên cung cấp linh kiện cho ngành dầu khí. Eric sống tại vùng ngoại ô Oxfordshire của Anh, nơi anh không tài nào tìm được một gia sư tiếng Trung.

"Tôi làm ăn khá nhiều với khách hàng Trung Quốc, vì thế, nếu nói được tiếng Trung thì việc thiết lập và duy trì quan hệ với họ sẽ tốt hơn". Và cũng như Tommy, Eric tìm thấy Lily thông qua công cụ tìm kiếm Google.

"Ngay khi đọc được bài giới thiệu tôi đã muốn thử ngay. Nghe mô tả công nghệ thì thấy rất thú vị - mà nó có hiệu quả thật chứ không phải không".

Bên cạnh tính năng điện thoại thấy hình, Skype còn có tính năng chat, cho phép các học viên của Lily kiểm tra và thực hành chính tả. Khung cửa sổ chat cũng đã biến thành bảng trắng cho Lily, để cô vẽ lên đó những ký tự đầy rắc rối và khó nhớ của tiếng Trung giản lược.

Phụ thuộc công nghệ

Mỗi tuần, Lily dành khoảng 20 tiếng đồng hồ để soạn giáo án và lên lớp. Tuy nhiên, việc cô dựa quá nhiều vào công nghệ cũng là một điểm yếu.

Tháng 12 năm ngoái, một trận động đất mạnh ngoài khơi đảo Đài Loan đã phá hỏng mạng cáp Internet ngầm dưới biển, khiến cho kết nối của cả châu Á bị tê liệt trong suốt nhiều ngày.

Skype đòi hỏi phải có kết nối tốt để có thể cung cấp chất lượng hình ảnh và âm thanh "ngon lành", chính vì vậy, trong 4 tuần lễ "Không Net" của Trung Quốc, Lily đã phải tạm dừng dạy học. "Không có Internet, chúng tôi chẳng làm được gì cả. Hồi đó tôi như phát điên lên", Lily nhớ lại.

Với mỗi học viên, Lily lại soạn một giáo án riêng. Buổi học này kết thúc, cô luôn hỏi "học trò" thích học tiếp về chủ đề gì trong buổi sau. Kèm theo đó là một file âm thanh MP3 để học viên luyện nghe nói.

"Cô ấy luôn tôn trọng quyền tự do của học viên. Nhiều giáo viên khác chỉ giảng dạy giới hạn trong sách giáo khoa, quá cứng nhắc. "Xin hỏi bưu điện ở đâu? - Ai thèm quan tâm đến những chủ đề như vậy chứ. Tôi chỉ muốn được dạy cách tợp một ly bia sau giờ làm việc mà thôi", Tommy cười phá lên.

Theo Vietnamnet

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0