Xu hướng "hao hụt" này cũng đang xảy ra với các nội dung sát hạch chuyên sâu như thiết kế và phát triển phần mềm, hệ thống mạng, và cơ sở dữ liệu. Cụ thể, tỷ lệ đỗ sát hạch kỹ sư thiết kế và phát triển phần mềm của các năm 2003 là 16%, năm 2004 là 15% và 4,5% vào năm 2005. Nhưng đến 2006, không có thí sinh nào qua được nội dung này.
Phân tích các nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, Phó giám đốc VITEC Lâm Quang Nam cho rằng độ tuổi trung bình thí sinh ngày càng giảm, sinh viên bắt đầu đông dần lên, đề thi thì ngày càng khó hơn và yêu cầu kỹ năng, kiến thức theo chuẩn của Nhật Bản cũng cao dần. "Nhu cầu nhân lực từ đối tác ngày càng khắt khe trong khi chúng ta chưa có cách nào nâng cao trình độ của ứng viên. Cứ đà này, tỷ lệ đỗ trong các kỳ thi tới có thể còn giảm nữa", ông Nam nhận định. "CNTT trong nước chủ yếu được đào tạo "chay". Học sinh cứ học mà không rõ thực tế trong khi đa số thầy cũng chưa tham gia quy trình làm phần mềm thực sự".
Hiện tại, Việt Nam đang dẫn đầu 5 nước khác trong khu vực là Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Philippines, Thái Lan về tổng số thí sinh tham dự cũng như số người thi đỗ. Tuy nhiên, trong các đợt sát hạch gần đây, số lượng thí sinh của các nước trên đang tăng nhanh. Tính riêng năm 2006, Việt Nam tụt xuống hạng thứ 3 trong số 7 quốc gia tham gia sát hạch chuẩn kỹ năng này.
Hệ thống sát hạch CNTT tương đương chuẩn Nhật Bản được VITEC triển khai từ năm 2002 với mỗi năm hai kỳ thi vào tháng 4 và tháng 10 tại 5 thành phố: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TPHCM và Cần Thơ. Đã có 10 kỳ sát hạch được thực hiện với 4.496 thí sinh. Trung tâm này cũng hợp tác với Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA) xây dựng một hệ thống xếp bậc cho kỹ sư phần mềm. Dự kiến, trong tháng 4 tới, hệ thống này sẽ được công bố.
Theo Dân trí