CEO trẻ nhất Việt Nam “lộ diện”
|
Trần Hải Linh - Tổng giám đốc Lenovo Việt Nam. Ảnh: PC World. |
Có lẽ không khó để khẳng định trong rất nhiều CEO - tổng giám đốc tại Việt Nam, Trần Hải Linh - Tổng giám đốc Lenovo Việt Nam là người trẻ nhất.
Sinh năm 1983, thậm chí còn chưa tròn 24 tuổi, Hải Linh đã là cái tên được Lenovo, tập đoàn máy tính lớn đặt nhiều kỳ vọng. “Ông chủ” mới của các dòng máy tính IBM hy vọng Linh sẽ đem hình ảnh của Lenovo đến được nhiều hơn với người tiêu dùng Việt Nam.
Đối với Hải Linh, tuổi tác không quan trọng, quan trọng nhất là sự tự tin. Trả lời câu hỏi của chúng tôi: Linh có nghĩ mình quá trẻ để đảm nhận trọng trách này không? chàng Tổng giám đốc 8X chỉ mỉm cười: “Các bạn cũng như nhiều người, hỏi mình có quá trẻ hay không? Thực ra Hải Linh luôn luôn quan niệm vấn đề là mình có đủ năng lực, mình có đủ sự tự tin để đáp ứng công việc đó hay không. Miễn rằng là mình có tinh thần làm việc đúng, mình tự nhạn thấy có thể đạt được những cái gì mà công ty đòi hỏi vị trí như thế này thì mình tin chắc là mình làm được. Điều đó không chỉ ứng dụng đối với mình, mình tin chắc thế hệ của mình, những người 8x đều tin rằng có thể làm là có thể làm được.”
Theo thông tin từ Lenovo, trong quý đầu năm 2006, tức là một khoảng thời gian ngắn sau khi Linh được bổ nhiệm đứng đầu Lenovo Việt Nam, quy mô của Lenovo Việt Nam cũng tăng lên gấp đôi, dần trở thành một “mắt xích” quan trọng của Lenovo toàn cầu.
Nghe câu chuyện của Linh, bạn có băn khoăn tại sao Linh có thể ngồi lên được “chiếc ghế nóng” của Lenovo Việt Nam ở tuổi 23? Một sự may mắn chăng? Thực tế đã chứng minh rằng, để có được thành công, người ta không chỉ trông mong hoàn toàn vào vận may, Trần Hải Linh cũng thế. Không ngừng “Cày” trên sách vở, không bỏ qua cơ hội “cày” ở bất cứ “mảnh đất” nào ngoài cuộc sống, Linh mới có thể “hái quả”. Tổng giám đốc Lenovo Việt Nam chia sẻ: “Sếp của mình ở Asian luôn nói rằng: “Tôi chẳng thà các cậu làm việc khôn ngoan còn hơn các cậu làm việc chăm chỉ”. Mình luôn tâm niệm là làm việc vừa khôn ngoan vừa chăm chỉ. Và nếu mình luôn có thái độ như vậy thì mình tin chắc rằng thành công sớm hay muộn cũng sẽ đến”.
Nhớ lại thủa “chọn đường”
Rời trường PTTH Hà Nội – Amxtecdam, Linh thi đỗ vào Đại học Ngoại thương, học ở đây chưa đầy một năm, Linh tìm được học bổng du học. Và thế là những ngày “tầm sư” trên đất khách bắt đầu.
Ở Singapore, bất chấp xu thế chọn ngành thời thượng IT, Hải Linh đã quyết định chọn học khoa quản trị kinh doanh của đại học Nanyang cho dù Nanyang là trường đào tạo hàng đầu về công nghệ ở khu vực.
Tại Nanyang, trong khi chúng bạn chỉ biết say mê trong sách vở, Linh tiếp tục “ngược đời”. Bên cạnh học tập, anh tham gia thật nhiều vào các hoạt động ngoại khoá, làm sợi dây liên kết giữa sinh viên Việt Nam với sinh viên quốc tế. Đặc biệt, cứ có cuộc thi nào về ý tưởng kinh doanh, về khả năng “làm ăn” kinh tế là Linh “nhào” vào ngay.
Kể về “sự khác lạ” của con trai mình, mẹ của Hải Linh, bà Ngô Thị Tuyết Lan cho biết: “Tôi còn nhớ có lần Linh gọi điện bên Sin về, Linh cho biết, các bạn tức là học sinh của Việt Nam bên ấy thường chú trọng vào việc học nhiều, không mấy tham gia vào các hoạt động tập thể. Thành ra vị thế của học sinh Việt Nam hơi thấp. Linh đã nghĩ cậu cần phải làm một cái gì đấy để thay đổi tình hình. Lúc ấy mình lại nghĩ cần phải học tập nhiều chứ tại sao lại mất nhiều thời gian vào việc như thế thì Linh bảo là cái này là cái cần thiết phải làm. Và thế là Linh làm thật.”
Từng được Bộ trưởng Bộ Kinh tế New Zealand tặng bằng khen, giành nhiều giải thưởng ở Singapore và đặc biệt, giờ đây, khi mọi chuyện đã có kết quả, Hải Linh cho thấy mình không hề sai lầm khi “đi ngược” với nhiều người. “Ngày đó, có rất nhiều người khuyên Hải Linh nên thi IT vì IT là một ngành thời thượng lúc nào cũng có nhu cầu lớn vì cái đó nó rất dễ xin việc. Hết năm thứ nhất Hải Linh bảo là rất thích môn Marketing, môn Marketing rất hay, khi Hải Linh nói rất thích Marketting thì vợ chồng mình rất tôn trọng vì người trong cuộc sẽ có những nhận xét đầy đủ hơn và chính xác hơn. Đến bây giờ, tốt nghiệp đi làm rồi, Hải Linh vẫn đó là một trong những quyết định sáng suốt nhất của nó.” Bà Lan tiếp lời.
“Con vẫn là Hải Linh của mẹ!”
Thành đạt sớm, Hải Linh vẫn “giữ” được mình. Sau giờ làm việc ở văn phòng, Linh lại trở về với mái nhà của cha mẹ. Dân phố đã quá quen với việc “cậu Linh giám đốc” tưới cây giúp bố và phụ mẹ những việc trong nhà. Rảnh rỗi, Linh vẫn đọc truyện, vẫn xem phim, chơi game, vui vẻ và hồn nhiên như mọi chàng thanh niên mới lớn.
Về con đường phía trước, Hải Linh và cả mẹ của chàng tổng giám đốc cùng quan điểm: tất cả mới bắt đầu, còn phải nỗ lực, phải cố gắng. Linh kết luận: “Cái đích không phải niềm vui, cái niềm vui là cả trong con đường đi. Mình tin rằng ở Lenovo cũng như trong cuộc sống ở Việt Nam ngày hôm nay, trong cuộc sống mỗi ngày, mình đều học được nhiều điều mới, có những thử thách mới để mình vượt qua, bản thân việc đó nó đem lai niềm vui cho cuộc sống của mình. Mình không coi ở một vị trí nào đó, ở một nơi nào đó là mục đích cuối cùng”.
Theo VTV