Ảnh: Nhạc Phi
Bài toán Bản quyền phần mềm: Nan giải!
Nạn sao chép phần mềm là vấn đề mà hầu hết các quốc gia trên thế giới gặp phải. Đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nơi mà mức thu nhập bình quân đầu người thấp khiến cho phần mềm trở thành một thứ hàng xa xỉ thì như một lẽ tất nhiên, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm luôn ở mức cao. Theo báo cáo của Liên minh phần mềm thương mại (BSA) và Tập đoàn IDG năm 2005, Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về vi phạm bản quyền phần mềm với tỷ lệ trên 90%, trong khi tỷ lệ vi phạm chung của toàn thế giới là 35 - 40%.
Và hệ lụy của những yếu kém trong việc thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là sự kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, nền công nghiệp phần mềm nội địa cũng gặp phải những tác hại nghiêm trọng khi các nhà lập trình trong nước chẳng còn mấy động cơ để xây dựng những phần mềm bản địa.
TS. Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ BCVT, nói: "Một trong những yếu tố liên quan đến môi trường đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực CNTT và công nghệ cao chính là tỷ lệ vi phạm bản quyền. Nếu chúng ta có những bước tiến mạnh mẽ trong việc thực hiện bản quyền phần mềm thì chắc chắn, những chi phí dành cho việc giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền sẽ được bù lại bằng những lợi ích gián tiếp trong việc cải thiện hình ảnh của đất nước, thu hút đầu tư của nước ngoài".
Với việc ký kết Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ và trở thành thành viên chính thức của WTO, việc thực thi nghiêm ngặt việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và phần mềm nói riêng của Việt Nam là một yếu tố tiên quyết. Thực tế này đã đặt Việt Nam trước vấn đề cực kỳ nan giải: Phải giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm nhưng lại không có nguồn kinh phí dồi dào để mua bản quyền phần mềm.
Đáp án cho vấn đề này chỉ có thể là phần mềm nguồn mở. Phần mềm nguồn mở phát triển mạnh mẽ, đang mang đến cho các nước đi sau cơ hội làm chủ công nghệ, phát huy tính sáng tạo và đảm bảo tính mở của hệ thống thông tin. Ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam cho rằng: "Hiện nay, giá các sản phẩm thương mại rất cao. Chi phí tối thiểu cho một máy tính bình thường là 400 - 500 USD. Còn đối với các công nghệ phức tạp hơn, chi phí có thể lên đến hàng ngàn USD. Tuy nhiên, với phần mềm nguồn mở, giá sản phẩm có thể rẻ hơn đến hàng chục lần".
"Phần mềm nguồn mở tạo ra cho Việt Nam một lớp kỹ sư CNTT có khả năng nắm chắc được phần hệ thống. Theo tôi, đây là yếu tố rất quan trọng. Hệ thống chính là nền tảng. Trong hệ thống CNTT, người nào nắm được nền tảng công nghệ, người ấy sẽ chiến thắng. Cho nên, việt phát triển nguồn mở tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận được mã nguồn. Thông qua đó, chúng ta có thể nắm được bản chất của cả hệ thống thông tin. Điều này khác hoàn toàn với việc chỉ sử dụng nguồn đóng", ông Lê Trung Nghĩa, Giám đốc Công ty Nhất Vinh nói.
Thế kỷ 21 được xác định là sẽ có những thay đổi mạnh mẽ liên quan đến xu thế toàn cầu hoá và chuyển sang nền kinh tế phát triển dựa trên nền tảng tri thức. Để nhanh chóng hội nhập và trụ vững được trong cạnh tranh quyết liệt của hội nhập, bản thân mỗi quốc gia phải tạo dựng được cho mình năng lực về CNTT-TT, không chỉ đủ sức chống đỡ được những tác động ngày một mạnh mẽ của cạnh tranh mà còn vươn lên, khẳng định mình và phát triển. Với các nước đang phát triển như Việt Nam, phần mềm nguồn mở được đánh giá là vũ khí của cuộc cạnh tranh này. Vậy phần mềm nguồn mở đang có vị trí như thế nào tại Việt Nam?
Việt Nam đã mở với… nguồn mở?
Hệ điều hành phần mềm nguồn mở Linux đầu tiên đã du nhập vào Việt Nam khá sớm. Từ đầu những năm 90, một số phiên bản Linux khác nhau đã lần lượt đưa vào ứng dụng thử nghiệm tại Hà Nội và TP.HCM bằng nhiều con đường. Trong bối cảnh xuất phát điểm về CNTT nói chung và phần mềm nguồn mở nói riêng của ta còn thấp và chậm, Chính phủ Việt Nam đã chủ trương tích cực tham gia các hoạt động về PMNM trong khu vực và trên thế giới thông qua các Hội thảo, các diễn đàn… Quá trình đó giúp chúng ta có thể tranh thủ tiếp cận và tận dụng được tri thức, tài sản trí tuệ cộng đồng PMNM trên thế giới một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đồng thời, có thể thừa hưởng và học tập được kinh nghiệm của các nước để có kế hoạch triển khai ở Việt Nam.
Ông Đặng Minh Tuấn, Trưởng nhóm Vietkey group cho biết: "Vietkey là một trong những đơn vị đi tiên phong trong phong trào mã nguồn mở. Trong thời gian qua chúng tôi đã tập trung vào một số cái sản phẩm chuyên ngành, còn với hệ điều hành Vietkey, sắp tới chúng tôi sẽ ra phiên bản mới".
Còn theo ông Adam Jollans, IBM: "Những gì chúng tôi nhìn thấy trong suốt những năm vừa qua là Linux và các phần mềm nguồn mở được dùng ngày càng nhiều. Linux là hệ điều hành trang chủ phát triển nhanh nhất, hơn mọi hệ thống khác và các phần mềm nguồn mở đang bắt đầu được sử dụng, mở ra khả năng cải tiến giữa những người bán sản phẩm IT, các trường đại học và từng cá nhân. Tôi nghĩ thời điểm của ý tưởng này đã đến".
Phần mềm nguồn mở là tài sản trí tuệ của của cả cộng đồng trên phạm vi toàn thế giới và được chia sẻ tự do, đây là một trong những lợi thế mà những nước đi sau như Việt Nam có cơ hội để phát triển. Mặc dù được dự đoán là một trong những xu hướng phát triển mạnh mẽ trong trong lĩnh vực CNTT trên thế giới. Nhưng vì nhiều lý do, phần mềm nguồn mở tại Việt Nam lại chưa được nhiều người quan tâm và chưa có vị trí xứng đáng trong ngành công nghiệp phần mềm nói chung.
Chia sẻ nhận định này, ông Lê Trung Nghĩa, Giám đốc Công ty Nhất Vinh nói: "Vấn đề nguồn mở đã được mọi người đề cập đến từ năm 1999 - 2000. Nhưng qua 6,7 năm rồi nó cũng chưa thực sự phát triển như ý muốn". Còn theo TS. Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ BCVT: "Số các doanh nghiệp chuyên về phần mềm nguồn mở tại Việt Nam mới chỉ đếm trên đầu ngón tay".
Không khó để có thể tìm ra nguyên nhân của thực trạng này. Đó là vấn đề nhận thức, khi nhiều người còn chưa hiểu, chưa biết hết lợi ích của việc sử dụng phần mềm nguồn mở và vì thế chưa lưu tâm đến nó. Khó khăn thứ hai thuộc về nhân lực, khi phải có trình độ nhất định mới sử dụng được phần mềm nguồn mở, chưa nói đến việc phát triển nó. Cản trở tiếp theo là vấn đề các ứng dụng phần mềm nguồn mở hiện nay ở Việt Nam còn ít và kém tương thích, ít tài liệu, hướng dẫn, ít nguồn hỗ trợ kĩ thuật. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất, lại là vấn đề thói quen của người sử dụng. Người ta ngại ngần trước cái mới và e dè trước sự thay đổi… "Chúng ta có hàng chục năm sử dụng cái phần mềm mã nguồn đóng, khi mà chúng ta chuyển sang mã nguồn mới cái tâm lý là ngại thay đổi. Cái thứ hai là thực tế việc thay đổi đó nó cũng có những cái khó khăn mà chúng ta cần phải có thời gian, kinh phí, sức lực thì nó cũng là cái rào cản, cái thứ 3 là bản thân cái doanh nghiệp phần mềm mã nguồn mở nó cũng chưa phải là hoàn toàn có chất lượng vượt trội hay có thể thay thế hoàn toàn được phần mềm nguồn đóng", ông Đặng Minh Tuấn nói.
Xã hội hóa phần mềm nguồn mở - bao giờ ?
Cũng theo ông Đặng Minh Tuấn, Trưởng nhóm Vietkey group: "Phần mềm nguồn mở nó thực sự phát huy sức mạnh khi mà nó phải được xã hội hoá tức là nó phải được cộng đồng phát triển. Nếu chỉ có một vài tổ chức, một vài công ty thì nó lại thành mô hình mã nguồn đóng và nó không tập trung được sức mạnh của tập thể, sức mạnh của cộng đồng".
Tại buổi lễ công bố Chương trình hành động và Lịch sự kiện hoạt động năm 2007 của Hội Tin học Việt Nam được tổ chức mới đây, một trong những hoạt động được đặc biệt nhấn mạnh và thu hút sự quan tâm của báo chí và những người tham gia là “Đề án xã hội hóa phần mềm nguồn mở”. Vấn đề nâng cao ý thức và nhận thức toàn xã hội về Bảo vệ bản quyền phần mềm trong lộ trình thực thi các cam kết hội nhập không chỉ là mối quan tâm của Hội tin học Việt Nam mà còn là trăn trở của tất cả những người quan tâm đến tương lai của nền CNTT nước nhà. Ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học VN, cho biết: "Mục tiêu ban đầu là nâng cao nhận thức và tuyên truyền phổ cập cho người dân. tiếp xúc những phần mềm bản quyền như phần mềm nguồn mở làm sao tiết kiệm được kinh phí trong cái hoàn cảnh chúng ta khá khó khăn về vốn đầu tư".
"Mục tiêu rất tốt, rất là phù hợp nhưng khâu tổ chức thực hiện luôn luôn là khâu đòi hỏi nỗ lực rất nhiều. Chúng tôi cũng nghĩ rằng Hội Tin học VN cùng với cái cộng đồng CNTT ở trong nước phải ý thức được tầm quan trọng của cái đề án này để có những bước tổ chức thực hiện rất là tốt thì nó sẽ đóng góp được tốt vào tỷ lệ vi phạm bản quyền", Tiến sĩ Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ BC - VT nói.
Còn theo ông Lê Trung Nghĩa, Giám đốc Công ty Nhất Vinh: "T rong lịch sử Việt Nam các bậc tiền bối của chúng ta đã làm được cái việc là chuyển đổi cái ký tự Hán Nôm mà các cụ viết sang tiếng La tinh mà chúng ta bây giờ đang viết. Tôi nghĩ nó khó hơn nhiều. Tôi nghĩ chẳng có lý do gì mà chúng ta bảo chúng ta vì chúng ta quá quen với Microsoft Office mà không thể chuyển đổi sang Open Office tôi nghĩ là cái này là vô lý. Chỉ có thể nói là chúng ta vì những lý do A, B, C, D gì đó chúng ta quá thiếu quyết tâm chúng ta mới không làm được điều đó. Chứ còn cái chuyện chuyển đổi nó không đau đớn gì cả tại sao chúng ta lại không làm".
Còn quá sớm để khẳng định khi nào Việt Nam có thể xã hội hoá phần mềm nguồn mở, nhưng đã không còn sớm để có thêm những nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi loại phần mềm này tại Việt Nam. Sự ra đời của phần mềm nguồn mở đã tạo ra cơ hội cho nhiều nước đang phát triển tiếp cận với những thành tựu của CNTT trong bối cảnh phải tôn trọng vấn đề bản quyền, nhưng cơ hội sẽ không tự đến nếu không có những nỗ lực cả ở phía chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, quan trọng nhất là việc thay đổi nhận thức và thói quen dùng "chùa" những sản phẩm phần mềm đã hình thành từ lâu nay.
Theo VTV