Thứ bảy, 20/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 30/03/2007
Phần mềm nguồn mở - Cầu nối khoảng cách số?

Hiện tại, nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu lưu ý đến phần mềm nguồn mở và đề ra các chương trình nhằm tận dụng những lợi ích mà phần mềm này đem lại. Mặc dù mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu, song khuynh hướng chung cho thấy chính phủ các nước này đang dần đưa phần mềm nguồn mở vào chính sách đầu tư và phát triển của mình. Phần mềm nguồn mở đã thực sự trở thành cầu nối khoảng cách số, san sẻ sự thịnh vượng từ các nước phát triển sang những khu vực còn thiếu thốn về công nghệ.

Ảnh: Nhạc Phi

Từ sự nghiệp giáo dục...

Hiện tại, trên 90% trẻ em châu Phi không hề biết đến máy vi tính. Đây cũng là một công cụ xa xỉ với học sinh tại các nước nghèo thuộc nhiều khu vực khác trên thế giới. Tuy nhiên, một viễn cảnh công nghệ thông tin đã mở ra. Những chiếc máy tính có giá 100 USD của giáo sư Nicholas Negroponte ra đời đang tạo điều kiện đưa công cụ này đến tận tay hàng triệu trẻ em nghèo. Chính phần mềm nguồn mở đã góp phần biến điều không tưởng này trở thành hiện thực.

Giáo sư Nicholas Negroponte, Học viện công nghệ Massachusetts, nói: "Chúng tôi quyết định lựa chọn những phần mềm nguồn mở miễn phí bởi chúng tốt hơn các phần mềm rao bán. Không những vậy, nó còn tạo điều kiện giúp trẻ em có thể tham gia tích cực hơn vào quá trình tạo ra phần mềm. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng sức mạnh của cộng đồng trong hoạt động này".

Tại Namibia, SchoolNet được thành lập vào năm 1999, đã trang bị cho các trường học những phòng máy thiết kế đặc biệt và những máy tính được quyên góp từ nhiều nguồn. SchoolNet khẳng định rằng, việc tiếp cận nguồn mở đồng nghĩa với việc những người thực tập có thể học cách nâng cấp máy tính dù họ có ít kiến thức về lĩnh vực này. Ông Joris Komen, SchoolNet Namibia, cho biết: "Chúng tôi không có virus, không có những người phá hoại hay ăn cắp phần mềm như ở các nước phát triển khác. Chúng tôi dùng giải pháp nguồn mở để vận hành vào các trường học tại Namibia như 1 phần của hệ thống tiêu chuẩn và bắt buộc mở rộng trên khắp cả nước".

Còn theo Bornface Musweu, SchoolNet Namibia: "Hầu hết những người ở đây đều không có bằng cấp, khi được đưa đến Schoolnet, họ hoàn toàn không biết gì về máy tính. Chính nguồn mở đã giúp chúng tôi phát triển bản thân.”

Tại Ấn Độ, dự án xe bus di động ở quận Baramati được trang bị thiết bị đầu cuối chạy trên phần mềm nguồn mở miễn phí tại các chỗ ngồi, và máy thu tiền vé được thay thế bằng các giáo viên có kiến thức về công nghệ. Kế hoạch này được tài trợ bởi Ngân hàng thế giới và Viện công nghệ thông tin Vidya Pratishtahn.

Những giáo viên trên những tuyến xe bus này có khả năng dạy về các kĩ năng máy tính cho 6.000 học sinh từ 10 - 14 tuổi. Chương trình giảng dạy chú trọng từ những điều cơ bản về máy tính đến cách sử dụng các loại phần mềm khác nhau và thậm chí cả kĩ năng lập trình.

Tiến sỹ Amol Goje, Viện CNTT Vidya Pratishtan, nói: "Ở Ấn Độ, khi chúng tôi muốn thực hiện những dự án như phòng máy tính di động hay giáo dục về máy tính cho trẻ em nông thôn, điều trở ngại cơ bản là tài chính. Để có đủ nguồn tài chính, chúng tôi phải tìm phương án tốt nhất để giảm giá phần mềm. Và nguồn mở là một giải pháp hữu hiệu. Qua đó, bên cạnh những hiểu biết về máy tính, những kiến thức cơ bản của trẻ cũng được nâng cao, chúng dần trở nên thích thú và bắt đầu đến trường".

Câu chuyện tại châu Phi xa xôi hay tại nước châu Á chỉ là số ít minh chứng cho sự tham gia của phần mềm nguồn mở trong giáo dục. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về lợi ích của phần mềm nguồn mở, đặc biệt với những nước đang phát triển. Trong nhiều trường hợp, phần mềm nguồn mở chính là phương thức thích hợp nhất để giải quyết những vấn đề trên diện rộng.

... Đến những vấn đề trên diện rộng

Trên thực tế, những thảm họa thiên nhiên như sóng thần thường gây ra sự tàn phá khủng khiếp. Trong tích tắc, nó nhanh chóng xóa sạch các phương tiện giao thông liên lạc và các dịch vụ cứu nạn khẩn cấp. Một phần sống còn trong việc chế ngự thiên tai là phải nhanh chóng cập nhật được thông tin: ai bị ảnh hưởng…mọi người đang ở đâu…ai cần giúp đỡ…Và bằng cách kiểm soát thông tin 1 cách chính xác thông qua công nghệ thông tin sẽ giúp gia đình và các thân nhân có thể tìm thấy nhau, nguồn cứu trợ có thể đến tận tay những người cần giúp đỡ nhất.

Giáo sư VK Samaranayaka, Đại học Colombo, Sri Lanka cho biết: "Một thảm hoạ sóng thần khủng khiếp nhất mà chúng tôi từng thấy đã xảy ra ở Sri Lanka làm rất nhiều người chết và bị thương. Số người mất tích cũng rất lớn và những người thân vẫn đang trông chờ những thông tin về họ".

Trước tình trạng khẩn cấp sau thảm họa sóng thần, hệ thống chế ngự thiên tai Sahana đã được phát triển bởi đội ngũ hơn 80 nhà lập trình Sri Lanka. Việc sử dụng những phần mềm nguồn mở miễn phí đã giúp họ tránh được những thủ tục rườm rà, có thể download phần mềm trực tiếp từ internet mà không phải trả bất cứ khoản phí nào.

Ông Chamindra da Silva, Quỹ hộ trợ phần mềm Lanka, cho biết: "Sau thảm họa sóng thần, một nhóm tình nguyện viên từ nền công nghiệp IT và cộng đồng nguồn mở đã hợp tác để xây dựng 1 giải pháp. Đó là 1 trang web dựa trên trình ứng dụng về chế ngự thiên nhiên. Họ đã nhìn lại sự hỗn loạn và các vấn đề ảnh hưởng đến nông dân để nhận diện và tìm giải pháp cho các vấn đề này".

"Khi bắt đầu xây dựng hệ thống này, chúng tôi không có tiền để mua các phần mềm có bản quyền, hơn nữa, lại phải thay đổi chúng. Chúng tôi cần nhiều thứ hơn là các phần mềm thương mại. Và với nguồn mở, những vấn đề này dường như được giải quyết", Giáo sư VK Samaranayaka, Đại học Colombo, Sri Lanka nói.

Từ thực tế tại Sri Lanka có thể thấy, một hệ thống quản lý thiên tai tại địa phương sử dụng phần mềm nguồn mở miễn phí đã được xây dựng mà không cần trả tiền bản quyền. Lợi ích lớn nhất có thể thấy chính là sự truy cập ngay lập tức với mã nguồn. Và liệu phần mềm nguồn mở miễn phí kết nối nông dân, các nhà sản xuất thực phẩm và người mua thông qua internet có phải là bước tiếp theo để thu hẹp khoảng cách số?

Trên khắp thế giới, nông dân mang sản phẩm của mình đến thị trường đều phải thông qua người trung gian. Nhưng tại Malaysia, phần mềm nguồn mở miễn phí đang giúp nông dân tránh được tình trạng này. Tại đất nước này, Agribazaar là một công cụ marketing trực tuyến cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ quảng cáo sản phẩm của họ ở địa phương cũng như trên phạm vi toàn cầu. Agribazaar cũng giúp đỡ những nhà sản xuất thực phẩm nhỏ có thể trực tiếp liên lạc với người mua và thỏa thuận giá cả.

Tại một vùng đất khác như Badajoz - thủ phủ xưa của vùng Extremadura. Tỉnh lị thuộc Tây Ban Nha này có diện tích tương đương nước Bỉ, từng là 1 trong những vùng có kinh tế lạc hậu nhất Tây Âu. Đường dây điện thoại ở đây chỉ mới được hoàn thành vào năm 1980. Sự thử thách đặt ra cho việc kết nối 1 triệu dân ở đây là tiền và khoảng cách. Nhưng hiện nay, điện thoại đã được phủ khắp các vùng còn lại của Tây Ban Nha và mạng nội bộ được kết nối ở các địa phương còn lại.

Theo thống kê của Bộ trưởng Bộ phát triển hạ tầng và công nghệ Tây Ban Nha, chi phí cho phần mềm miễn phí trong quá trình cài đặt từ năm 2002-2003 là gần 200.000 euros. 40,000 bản copy đã được chuyển đến các trường học. Theo những người thi hành dự án, nếu họ mua phần mềm bản quyền, chi phí có thể lên tới 30 triệu euros.

Vùng đất tiếp theo mà chúng tôi muốn đưa các bạn đến là một góc xa hơn của trái đất: Công viên quốc gia Galapagos thuộc một quần đảo ở bờ biển Ecuador. Những người ở công viên này nói rằng, gần đây họ chọn phần mềm nguồn mở vì khả năng quản lý từ xa. Họ cảm thấy phần mềm nguồn mở dùng tốt hơn vì những nhà phát triển phần mềm địa phương đã sẵn sàng làm quen với phần mềm cơ sở dữ liệu của nguồn mở và có thể phát triển hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu riêng phù hợp với mong muốn của họ cũng như tiết kiệm chi phí ban đầu.

Ông Javier Villa, Công viên quốc gia Galapagos nói: "Galapagos đang tràn ngập khách du lịch. Vì vậy yêu cầu trước mắt là tìm ra phương pháp để quản lý địa điểm của khách du lịch. Nếu không có phương pháp quản lý 1 cách hệ thống các khu vực cần được bảo tồn, chúng ta sẽ không thể bảo vệ các thế hệ tương lai".

Dù đóng vai trò là công cụ chế ngự thảm họa của thiên nhiên hay giúp nông dân các nước đang phát triển trực tiếp bán các sản phẩm của mình không qua trung gian… phần mềm nguồn mở cũng đã thể hiện vai trò của một cầu nối khoảng cách số. Tuy nhiên, liệu điều này có đồng nghĩa với việc phần mềm nguồn mở sẽ tạo ra một cuộc cách mạng số tại các nước đang phát triển?

Phần mềm nguồn mở = Tương lai số?

Thủ tướng Nam Phi Mbeki nổi tiếng về sự nghiền Internet. Ông muốn đất nước mình phải thông qua cuộc cách mạng số. Thậm chí có 1 chương trình TV dành hẳn cho phần mềm mở. Học viện Meraka được tài trợ bởi chính phủ đã tạo ra rất nhiều dự án về nguồn mở, trong đó có con đường số.

Con đường số chịu trách nhiệm về phần mềm nguồn mở, tài liệu học tập, bách khoa toàn thư, sách số, chương trình đồ họa và trò chơi giáo dục. Không chỉ cung cấp nguồn truy cập, những người ủng hộ nó còn nói rằng nó có thể làm công nghệ nhanh chóng trở nên rõ ràng và có thể tiếp cận được.

Dự án Con đường số của Nam Phi là 1 cách giúp mọi người tiếp thu kiến thức theo cách của riêng họ và họ học được cách dùng và cải tiến vai trò của công nghệ thông tin liên lạc. Và những dự án như Con đường số có thể là bước tiếp theo cho sự phát triển công nghệ ở những cộng đồng nghèo. Tại cuộc gặp thượng đỉnh của Liên hợp quốc vào năm 2005 về cộng đồng thông tin tai Tuinisa, các đại biểu đã họp lại để giải quyết vấn đề thu hẹp khoảng cách số; và phần mềm nguồn mở miễn phí là chủ để được tất cả các đại biểu nhắc tới.

Đã hơn 20 năm kể từ khi Stallman bắt đầu phong trào phần mềm miễn phí và khoảng cách số vẫn chưa thể thu hẹp tại khắp mọi nơi trên thế giới. Tuy nhiên phải thừa nhận rằng phần mềm nguồn mở đang tạo cơ hội cho nhiều người nghèo có cơ hội tiếp cận và thụ hưởng những tiến bộ của CNTT. Còn tại Việt Nam, phần mềm nguồn mở đang được nhìn nhận như thế nào và việc xã hội hoá phần mềm nguồn mở liệu có đến đích? Mời quý vị và các bạn đón xem trong phần 3: Xã hội hoá phần mềm nguồn mở tại Việt Nam - Hướng nào?

Bài viết là nội dung chính của chương trình Cuộc sống số phát sóng 11h sáng mai (10/3) trên VTV1. Mời quý vị và các bạn chú ý đón xem!

Theo VTV

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0