Cập nhật: 01/02/2024 |
Cơ hội để Việt Nam rõ nét hơn trên bản đồ giáo dục công nghệ thông tin thế giới |
|
Lần đầu tiên Việt Nam đăng cai Vòng chung kết Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương Kỳ thi Lập trình sinh viên quốc tế (ICPC). Một cơ hội để dấu ấn Việt Nam rõ nét hơn trên bản đồ giáo dục công nghệ thông tin thế giới.
|
|
Kỳ thi đặc biệt
Khoảng 20 năm trước, phong trào Tin học sinh viên ở Việt Nam phát triển rất mạnh. Nhiều sinh viên cùng học Tin học với nhau ở một trường đại học trong nước, sau đó đi du học ở nhiều quốc gia khác, rồi lại tụ hội tại kỳ thi ICPC.
“Hồi đấy, sau khi đạt Huy chương Bạc Olympic Tin học quốc tế, tôi nhận học bổng của Nhà nước để sang Úc du học. Tại kỳ thi ICPC Thượng Hải năm 2005, tôi là thành viên đội tuyển Trường Đại học New South Wales. Trong đội cũng có 1 bạn là người Úc gốc Việt. Khi sang Thượng Hải, chúng tôi gặp các bạn đội tuyển Singapore cũng toàn người Việt, rủ nhau đi uống bia như ở Việt Nam. Gần 2 thập kỷ qua, hầu hết những người từng tham gia ICPC ngày đó hiện vẫn làm trong ngành công nghệ thông tin”, những kỷ niệm thú vị trong kỳ thi ICPC 19 năm trước đến giờ vẫn hiện rõ trong tâm trí của ông Phạm Kim Cương, Nhà sáng lập Cohost AI.
Từng tham gia khá nhiều cuộc thi quốc gia, quốc tế, với ông Cương, ICPC là một cuộc thi rất đặc biệt.
Mỗi đội tuyển dự thi ICPC có 3 thí sinh cùng giải đề thi trên 1 máy tính. (Ảnh: ICPC Việt Nam)
“Những người làm công nghệ thông tin thường hay làm việc độc lập, nhốt mình trong phòng cùng máy tính. Nhưng cuộc thi ICPC bắt mọi người phải làm việc nhóm với nhau: Mỗi đội tuyển có 3 thí sinh cùng giải đề thi gồm 10 bài toán trên 1 máy tính, phải phân chia nhau, lúc người này giải toán trên giấy thì người kia gõ bàn phím, người khác thì debug (tìm và sửa lỗi). Làm việc nhóm (teamwork) là kỹ năng rất quan trọng để thành công trong lĩnh vực công nghệ. Cuộc thi ICPC tạo “sân chơi”, môi trường giống như thật trong ngành công nghệ để bồi dưỡng, trau dồi kỹ năng làm việc nhóm. Đấy là lý do các công ty công nghệ rất thích tuyển dụng những người đã từng tham gia, đạt giải ở cuộc thi này”, ông Cương lý giải.
Quay lại thực tại, cựu thí sinh ICPC chia sẻ trải nghiệm cá nhân của một người từng “đầu quân” cho Google, mới quay về Việt Nam khởi nghiệp, đang nỗ lực tìm kiếm đội ngũ nhân sự chất lượng cao để đồng hành thực hiện những ước mơ lớn: “Teamwork vẫn là một vấn đề đối với các bạn trẻ Việt Nam. Các bạn vẫn hay tự ti, khả năng giao tiếp, kết nối vẫn chưa được thông suốt giống như môi trường làm việc ở nước ngoài. Một phần có thể do các bạn không có nhiều trải nghiệm, cơ hội để đi làm các dự án với nhau”.
Ông Phạm Kim Cương, Nhà sáng lập Cohost AI. (Ảnh: Bình Minh)
Với trải nghiệm đó, ông Cương đánh giá rất cao Hội Tin học Việt Nam cùng các trường đại học trong nước nhiều năm nay đã vượt qua không ít khó khăn, đều đặn phối hợp tổ chức “sân chơi” ICPC thường niên cho sinh viên Việt Nam có cơ hội “cọ xát”, trau dồi những kỹ năng cần thiết của nhân lực công nghệ chất lượng cao tiêu chuẩn quốc tế.
Chỉ ít ngày nữa thôi, lần đầu tiên Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Vòng chung kết Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương Kỳ thi ICPC năm 2024.
Đề cập tới câu chuyện này, ông Cương lưu ý: “Nhân tài công nghệ thông tin là một loại tài nguyên quý giống như quặng, vàng, dầu mỏ…, có thể khai thác được rất nhiều và nhanh. Chỉ cần tạo môi trường cho các bạn trẻ được tiếp cận kiến thức của nhân loại, được giao lưu với những bộ óc giỏi trên thế giới, sẽ tạo được nguồn lực chất lượng cao về công nghệ thông tin cho tương lai. Mặt khác, khi Việt Nam đăng cai tổ chức kỳ thi ICPC, có thể nhiều bạn trẻ ở các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan… sẽ biết rõ hơn về các cơ sở đào tạo công nghệ thông tin của Việt Nam, tìm đến để học tập. Khi đó, dấu ấn Việt Nam sẽ ngày càng rõ nét hơn trên bản đồ giáo dục công nghệ thông tin của thế giới”.
“Địa chỉ đỏ” về nhân lực chất lượng cao trong mắt các BigTech
Với “tuổi đời” hơn 50 năm, ICPC là kỳ thi lập trình lâu đời nhất, lớn nhất và có uy tín nhất dành cho sinh viên đại học trên toàn thế giới. Mục đích chính của ICPC là giúp sinh viên phát triển sự sáng tạo, khả năng làm việc nhóm dưới áp lực thời gian rất cao.
“Trung bình mỗi năm có gần 1 triệu sinh viên toàn cầu tham gia các vòng loại ICPC. Năm 2022, chỉ tính riêng vòng loại châu lục của ICPC cũng thu hút khoảng 75.000 sinh viên từ 3.450 trường đại học của 111 quốc gia tham gia. Hầu hết những trường đại học đó đều rất mạnh trong lĩnh vực đào tạo công nghệ thông tin”, ông Nguyễn Long, Chủ tịch ICPC Việt Nam, Đồng Giám đốc ICPC Asia Pacific, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam, cung cấp một những con số ấn tượng.
Ông Nguyễn Long, Chủ tịch ICPC Việt Nam, Đồng Giám đốc ICPC Asia Pacific, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam. (Ảnh: Bình Minh)
Trước sự hưởng ứng của đông đảo sinh viên thế giới, ICPC đã chia thành 9 Kỳ thi Chung kết ICPC châu lục thay vì 6 Kỳ thi trước đó. Riêng châu Á có 3 Kỳ thi Chung kết ICPC: Asia East (Đông Á), Asia West (Tây Á) và Asia Pacific (châu Á – Thái Bình Dương).
Theo ông Long, ICPC nổi danh toàn cầu bởi đã trở thành “địa chỉ đỏ” về nhân lực chất lượng cao trong mắt các BigTech (ông lớn công nghệ).
Một thống kê mới đây cho hay, có tới 1.500 lãnh đạo các công ty công nghệ từng tham gia ICPC, trong đó, 20% làm tại Google, Amazon, Microsoft, Facebook, IBM… Kỹ sư công nghệ Google đầu tiên từng là thành viên của đội Vô địch ICPC. Giám đốc công nghệ đầu tiên của Facebook từng giành giải Bạc Chung kết ICPC. Những sinh viên tham gia kỳ thi ICPC toàn cầu được doanh nghiệp tuyển chọn với mức lương cao, trung bình từ 30.000 – 320.000 USD/năm.
“Hầu hết các thí sinh Việt Nam tham gia ICPC đều rất thành công, đã học/hoàn thành tiến sĩ ở Việt Nam hoặc nước ngoài. Hiện đã hình thành nên cộng đồng OLP-ICPC Việt Nam đang làm việc trong các hãng công nghệ lớn tại Silicon Valley, gồm cả loạt tên tuổi lớn như Google, Facebook, Microsoft, Amazon… Nhiều người mở startup thành công, thậm chí trở thành “kỳ lân” công nghệ. Có thể kể tới: Phạm Hữu Ngôn, thành viên đội tuyển đầu tiên của Việt Nam dự Chung kết toàn cầu ICPC năm 2006, hiện là Tổng Giám đốc Ahamove; Lưu Thế Lợi, thành viên đội tuyển OLP/ICPC năm 2010, hiện là Chủ tịch của Kyber Network, Tiến sĩ đầu tiên ở châu Á về lĩnh vực Blockchain; Nguyễn Thành Trung, thành viên đội tuyển dự Chung kết toàn cầu ICPC năm 2014, hiện là Tổng Giám đốc Công ty Axie Infinity; Lê Yên Thanh, dự Chung kết toàn cầu ICPC năm 2014 và 2016, hiện là Tổng Giám đốc Công ty Phenikaa Mass; Lâm Xuân Nhật, hiện là Giám đốc Công nghệ của Công ty Autonomous…”, ông Long thông tin.
“Rất nhiều sinh viên Đại học FPT từng tham gia các kỳ thi như ICPC đang làm việc trong BigTech. Không ít bạn còn mạnh dạn khởi nghiệp, tạo được những doanh nghiệp “kỳ lân”, thu hút rất nhiều lao động”, thày giáo Bùi Ngọc Anh, Đại học FPT minh họa thêm từ thực tiễn của trường mình, đồng thời khẳng định ICPC sẽ giúp chọn lọc ra những con người có tư duy giải quyết vấn đề rõ ràng, khúc chiết, các tập đoàn lớn có thể yên tâm trao gửi những vấn đề khó khăn, thách thức nhất cho những con người như vậy.
Vị giảng viên Đại học FPT nhấn mạnh ưu điểm của sinh viên Đại học FPT nói riêng và sinh viên Việt Nam nói chung: Sự đam mê, có thể dành 10 – 12 tiếng/ngày để luyện thi.
Điểm mạnh của sinh viên Việt Nam là sự đam mê công nghệ. (Ảnh: ICPC Việt Nam)
Tuy nhiên, “điểm bất lợi của mình là chưa có hệ thống đào tạo về thi ICPC ở tầm quốc gia. Các trường vẫn đang tự xây dựng những khóa/chương trình đào tạo nhỏ. Chủ yếu dựa trên nỗ lực của thày và trò. Một số trường cử 1 thày/cô giáo đảm nhiệm việc huấn luyện sinh viên thi ICPC. Riêng tại Đại học FPT, chúng tôi có cả Ban Huấn luyện gồm 5 thày cô ở các cơ sở cùng tham gia huấn luyện cho các em sinh viên nên nội dung cũng đa dạng hơn, tần suất ôn luyện cũng nhiều hơn”, thày Ngọc Anh chia sẻ.
Cơ hội cho Việt Nam
Việt Nam chính thức đăng ký tham gia ICPC từ năm 2005; tháng 4/2006 lần đầu đăng cai vòng loại khu vực (regional) Kỳ thi ICPC Châu Á tại Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đến năm 2022, đội tuyển EggCentroy của Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia Vòng chung kết Kỳ thi ICPC toàn cầu, vào Top 12 - đạt Huy chương Đồng, giúp Việt Nam lần đầu tiên có giải tại Kỳ thi Chung kết ICPC toàn cầu, trở thành nước đầu tiên trong khu vực ASEAN đạt giải thưởng này, .
Tích lũy kinh nghiệm tổ chức chất lượng, hiệu quả 17 cuộc thi khu vực, Việt Nam được các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương tín nhiệm đề cử trở thành nước đăng cai tổ chức Vòng chung kết khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ICPC năm 2024 (The 2024 ICPC Asian Pacific Championship).
Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục đảm nhận trọng trách lần đầu tiên đăng cai tổ chức Vòng Chung kết khu vực châu Á – Thái Bình Dương của ICPC (từ ngày 29/2 – 3/3/2024).
Các thí sinh sẽ thi đấu trên hệ thống thi chuẩn quốc tế do ICPC Nhật Bản vận hành, kết nối với hệ thống giám sát thi VNOJ của Việt Nam.
64 đội tuyển sẽ so tài cao thấp, và 16 đội tuyển xuất sắc nhất sẽ tham dự Vòng Chung kết ICPC toàn cầu 2024 tại Kazakhstan vào tháng 9 năm nay. Lần đầu tiên sẽ có bảng xếp hạng lập trình của sinh viên qua ICPC Asia Pacific Championship.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Sỹ Vinh, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Bình Minh)
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Sỹ Vinh, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Việt Nam trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới vẫn đang chỉ là dấu chấm tương đối nhỏ và mờ. Nhiều công ty công nghệ thông tin trên thế giới chưa hiểu lắm về nguồn nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam cũng như khả năng của các công ty công nghệ Việt Nam. Chúng tôi muốn thông qua kỳ thi sắp tới, với sự tham gia của đông đảo sinh viên đều là những sinh viên giỏi nhất, bạn bè quốc tế sẽ hiểu hơn về một Việt Nam đang có nguồn nhân lực tốt, nền công nghiệp công nghệ thông tin phát triển. Qua đó, dấu ấn của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới sẽ ngày càng sáng hơn”.
Cũng theo đại diện Ban Tổ chức, Chung kết ICPC Asia Pacific mở ra cơ hội đẩy mạnh giao lưu quốc tế giữa sinh viên Việt Nam với sinh viên từ các trường đại học đào tạo công nghệ thông tin hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về học thuật, đặc biệt là kỹ năng lập trình - thuật toán cùng kỹ năng làm việc tập thể, đảm bảo tính hoàn thiện công việc trong cường độ cao.
Chung kết ICPC Asia Pacific sẽ mở ra cơ hội đẩy mạnh giao lưu quốc tế giữa sinh viên Việt Nam với sinh viên từ các trường đại học đào tạo công nghệ thông tin hàng đầu khu vực. (Ảnh: ICPC Việt Nam)
“Từ năm 2005, chúng tôi đã muốn mang Kỳ thi Chung kết ICPC châu Á và toàn cầu về Việt Nam nhưng đây là một việc không dễ. Hôm qua, đại diện ICPC toàn cầu hỏi: “Việt Nam có đăng cai được World Final (Vòng chung kết toàn cầu) không?”, chúng tôi khẳng định có đủ năng lực nhưng vẫn phải cân nhắc thêm vì muốn làm được việc này cần có sự ủng hộ rất lớn về mặt chính trị.
|
|