|
Viết lệnh mua cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Ảnh: LAD
|
Hỏi ra mới biết dịch vụ đặt lệnh qua mạng của Vietcombank mới đổi giờ (từ 21h tối chuyển thành 7h30 sáng). Thay vì hùng hục vào mạng, “mua tranh bán cướp” (theo đúng mô tả của Long) với thiên hạ mỗi tối, giờ thì Long phải tập dậy sớm để sẵn sàng trực chiến trước giờ vào làm.
Long cho biết trước khi sử dụng dịch vụ đặt lệnh qua mạng của VCBS, anh đã phải tức tốc đăng ký lắp ADSL tại nhà và lựa chọn gói dịch vụ đắt tiền nhất, tốc độ cao nhất, mặc dù đã được chính nhân viên lắp đặt “bỏ nhỏ” là không cần thiết đối với người dùng cá nhân. Tuy nhiên, Long một mực cho rằng khi “giao thông tắc nghẽn” thì “xế ngon” bao giờ cũng có lợi thế hơn. “Không thể tiếc tí tiền nhỏ nhặt mà để lỡ việc lớn được”, anh chàng tuyên bố.
Cho tới nay, Công ty chứng khoán Vietcombank là nơi duy nhất chấp nhận cho khách hàng đặt lệnh qua mạng, nên chuyện dịch vụ này thường xuyên rơi vào trạng thái quá tải là đương nhiên. Nhiều khách hàng đã phàn nàn rằng không bao giờ truy cập được vào site VCBS đúng giờ dịch vụ “mở cửa”, hoặc cứ hì hục đặt được lệnh, gửi đi là lại bị thông báo hệ thống đã quá tải, không nhận thêm lệnh mới, mặc dù khi ấy nhìn đồng hồ mới có... 7h31 phút.
Một số khác thì ca thán rằng lệnh của họ bị treo “pending” cả ngày rồi đột nhiên mất tích không dấu vết vào buổi tối, khiến cho chủ nhân thiệt hại cả trăm triệu như chơi.
Nhưng rồi ca cẩm thì cứ ca cẩm, cánh công chức vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt sử dụng dịch vụ như một giải pháp bất khả kháng. Họ tự an ủi mình rằng ngoài đời thực có đến gần 50 công ty chứng khoán đang hoạt động mà còn quá tải như vậy, huống hồ là tất cả đồ dồn vào một "miệng cống" của sàn giao dịch trên thế giới ảo. Với nhu cầu khủng khiếp hiện nay, thì 10 cỗ máy chủ trị giá tới cả triệu USD/cái của VCBS có gồng mình hết sức cũng đành bó tay.
Kiếm tiền từ Net
Có người đã từng nói vui rằng “Thị trường OTC sống nhờ tin đồn”. Với việc có tới gần 7000 công ty đang được rao bán trên thị trường phi tập trung hiện nay, chuyện bạn tình cờ được “gạ” mua cổ phiếu của một công ty chưa nghe đến tên bao giờ là hoàn toàn có thể xảy ra.
Chi, nhân viên một công ty trong ngành bưu điện cho hay nhiều khi cô phải lên... Google để tìm kiếm thông tin về một loại cổ phiếu OTC nào đó. Thế nhưng trong kỷ nguyên tìm kiếm số hóa, vẫn có những yêu cầu từ phía người dùng mà Gã khổng lồ tìm kiếm Internet ở nước Mỹ kia phải... bất lực.
Chơi chứng khoán thời... hi-tech (VietNamNet) - Cơn sốt chứng khoán đang khiến các nhà đầu tư ở độ tuổi U40-U50 cũng phải sắm các món đồ hi-tech như laptop, smart phone... kèm theo kỹ năng lướt web, nhắn SMS nhoay nhoáy.
|
Những lúc ấy, “cứu viện” duy nhất của Chi chính là những diễn đàn chuyên về chứng khoán như Vietstock, diendanchungkhoan, hoặc TTVN. Ở đây, cô có thể tìm thấy đủ loại thông tin, từ nhận định thị trường, phân tích về các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn Hà nội (HASTC), sàn TP HCM (Hostc) cho đến cổ phiếu OTC.
Hiện tại, có khá nhiều trang web cung cấp thông tin về thị trường chứng khoán Việt Nam đang hoạt động. Từ chuyên mục riêng về tài chính, chứng khoán của các báo như Vietnamnet, Vnexpress, Tiền Phong Online, Lao Động, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Đầu tư chứng khoán, Thời báo kinh tế Việt Nam... cho đến những diễn đàn “100% chứng khoán” mà chúng tôi đã kể đến ở trên.
Một số website như Sanotc, vinaotc, muare.vn là điểm đến quen thuộc cho những ai có nhu cầu tìm mua, khảo giá cổ phiếu OTC. Tuy nhiên, để có thể rao mua hoặc rao bán trên Sanotc, một “cái chợ giao dịch cổ phiếu” khá sôi động hiện nay, người dùng ngoài việc đăng ký thành viên còn phải nhắn một tin nhắn SMS đến tổng đài để kích hoạt tài khoản.
Một số website như atpvietnam lại có cách thức làm ăn khác. Hàng ngày, họ sẽ cung cấp bản tin chứng khoán miễn phí, tổng hợp và điểm lướt qua các tít báo đăng tải hàng ngày về chứng khoán và thị trường ngoại tệ-vàng. Tuy nhiên, để có thể đọc sâu vào nội dung từng bài báo, khách hàng sẽ phải bỏ tiền ra mua “bản tin chuyên ngành”. Tương tự là trường hợp của các “Sổ tay chứng khoán”, Bản tin dành cho “người quan tâm đến cổ phiếu ngân hàng” – tất cả đều phải “tiền trao, cháo múc”.
Không chỉ có các công ty, nhiều cá nhân cũng đã tranh thủ ăn theo chứng khoán. Một số nick đã rao bán phần mềm phân tích giá chứng khoán trên mạng (thí dụ như Megastock 9.0, tất nhiên là bản crack), với mức giá dao động từ vài trăm nghìn cho đến vài triệu, kèm theo những lời quảng cáo rất kêu như “Bạn muốn lãi 100 triệu/tuần?”.
Dìm giá, làm hàng
Nhưng cũng chính tại đây, một vấn đề mới lại nảy sinh. Giữa thế giới ảo mang đặc trưng “ẩn danh hóa”, khó có thể xác định được ai-là-ai, người nào là thực tâm và kẻ nào đầu cơ “thừa nước đục thả câu”. Hầu hết các diễn đàn hiện nay đều cho phép đăng ký thành viên mà không có sự quản lý về danh tính, chẳng hạn như địa chỉ thật, số CMTND... Chính vì vậy, nhiều kẻ đã đăng ký tới hàng chục nick khác nhau chỉ để phục vụ cho mục đích làm giá, "dìm hàng" cổ phiếu của mình. Chỉ việc lập ra một topic với tiêu đề giật gân, sau đó sử dụng hết chỗ nick ma kia để tung hứng là đã có thể lung lay một bộ phận người chơi “newbie” thiếu kinh nghiệm.
Trước Tết, nhân lúc thị trường xuống, đã có nhiều nick hô hào “Thị trường sụp đổ, bỏ của chạy lấy người thôi”, trong khi ngay ở một chủ đề khác trên cùng diễn đàn, chính nick này lại nhảy vào tán dương một công ty hết lời, tuyên bố anh ta mới ôm thêm vài nghìn cổ phiếu nữa.
Nhân lúc một công ty nào đó đang khốn đốn vì tin đồn, nhiều nick ảo đã vào “dìm hàng” bằng cách rao bán với mức giá thậm tệ, chỉ khoảng 1.5 – 2.0 (tức là gấp 1,5 – 2 lần mệnh giá gốc), trong khi giá giao dịch thực tế cao gấp nhiều lần. Những mẩu tin rao bán này được đăng tải với tần suất dày đặc, dưới nhiều cái nick khác nhau, cùng lúc đó, hắn lại lên diễn đàn mở một topic đại khái “Công ty A có phốt gì hay không mà dân tình bán tháo nhiều thế?”. Chiêu bài "rung cây dọa khỉ" này tuy đơn giản, song vẫn tỏ ra vô cùng hiệu quả trên những diễn đàn như muare.vn hoặc website sanotc.
Những “cao thủ” lâu năm trong nghề có thể dùng kỹ thuật kiểm tra IP để xác minh các nick khả nghi có của cùng một chủ hay không. Một số thành viên cũng đã mở topic riêng, “vạch mặt” những nick ma dìm giá, với bằng chứng là khi gọi điện đến những số máy rao bán giá bèo, điện thoại di động luôn ở trạng thái “tò tí te ngoài vùng phủ sóng”.
Chỉ tiếc rằng nhiều người chơi cả tin đã không đủ bình tĩnh để xác minh thông tin mà vội vã bán tháo số cổ phiếu bên trong tài khoản của mình. Đến khi tỉnh ra thì đã muộn.
Ngăn ngừa giao dịch "nội gián"
Hơn ai hết, nhân viên các công ty chứng khoán luôn là những người có điều kiện tiếp xúc với các thông tin “nhạy cảm”. Với nhiều người, đó đều là những thông tin “vàng”, những thông tin “hái ra tiền”. Chỉ cần thông tin này được “rò rỉ” bên ngoài, một nhà đầu tư sẽ có thể bỏ túi hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng.
Nhận thức rõ nguy cơ này, một số công ty chứng khoán – nhất là các công ty mới thành lập, đã áp dụng các biện pháp quản lý nhân viên và bảo mật thông tin hết sức nghiêm ngặt. Tại công ty chứng khoán Kim Long, máy camera được chĩa thẳng vào màn hình của từng nhân viên môi giới, nhập lệnh. Chỉ cần nhân viên truy cập website không được phép hoặc mở tính năng chat, quản trị mạng sẽ phát hiện được ngay.
Tại các công ty chứng khoán, việc chat trong giờ làm việc cũng bị nghiêm cấm một cách tuyệt đối. Thậm chí ở nhiều nơi, công ty còn quản lý cả nội dung cuộc gọi điện thoại của nhân viên môi giới, nhằm ngăn chặn tình trạng “thông tin nội gián”. Tuy nhiên, nếu nhân viên cố tình trao đổi bằng tin nhắn SMS thì hệ thống cũng khó lòng “đánh hơi” được.
Theo Vietnamnet