GS.TS Nguyễn Thúc Hải là một trong những người dành trọn cuộc đời với đam mê, cống hiến với tình yêu rộng khắp cho Ngành Công Nghệ Thông Tin (CNTT) Việt Nam, là một nhân chứng sống chứng kiến toàn bộ quá trình phát triển của Tin học - CNTT ở Việt Nam, cá nhân GS cho rằng thập kỷ 90 của thế kỷ 20 xứng đáng được gọi là thập kỷ bản lề, thập kỷ đột phá giúp cho CNTT Việt Nam có được sự tự tin và phát triển mạnh mẽ khi bước vào thế kỷ 21.
GS.TS Nguyễn Thúc Hải cung cấp và chia sẻ thông tin về 3 dấu ấn lớn của CNTT Việt Nam trong giai đoạn này, đó là:
1. Hội Tin Học Việt Nam (VAIP - www.vaip.vn) sau đại hội lần thứ nhất (8/1/1989) đã phát huy mạnh mẽ vai trò tập hợp lực lượng và triển khai các hoạt động mang tính đại chúng góp phần phổ biến kiến thức và nâng cao dân trí về một ngành còn hết sức mới mẻ không chỉ đối với Việt Nam;
2. Chương trình Quốc gia đầu tiên về CNTT hướng đến năm 2000 (QĐ 211/TTg 1995 - IT Program to 2000: khi chương trình này được chính thức phê duyệt thì khái niệm “Công nghệ thông tin” bắt đầu được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam) được triển khai tạo ra bước đi ban đầu tầm quốc gia đồng bộ trên mọi lĩnh vực;
3. Tháng 11/1997, Internet chính thức hoạt động ở Việt Nam thông qua một số nhà cung cấp dịch vụ (ISP: Internet Services Provider) đầu tiên như NetNam, VDC,...
GS.TS Nguyễn Thúc Hải nhấn mạnh rằng: Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trong giai đoạn đó cũng đã rất nhanh chóng có những bước đi thích nghi với bối cảnh chung. Ban Chỉ đạo CNTT cho ngành GD&ĐT) được thành lập do Bộ Trưởng Trần Hồng Quân làm Trưởng Ban, Thứ Trưởng Trần Chí Đáo là Phó Trưởng Ban, Vụ Trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Thân Đức Hiền làm Ủy viên thường trực, 3 (ba) chuyên gia được mời tham gia Ban Chỉ Đạo gồm: Quách Tuấn Ngọc, Đỗ Trung Tuấn, Nguyễn Thúc Hải - đều là TS từ Pháp về. Mục tiêu quan trọng đầu tiên mà Ban Chỉ Đạo đề ra là phải nhanh chóng xây dựng các Khoa CNTT trọng điểm, những chiếc "máy cái" trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực bậc cao về CNTT cho cả nước. Một Tổ Công tác được thành lập để xúc tiến việc này, do GS. Thân Đức Hiền làm Tổ Trưởng, 3 (ba) chuyên gia nêu trên cũng tham gia. GS. Nguyễn Thúc Hải cũng chia sẻ về một chuyến đi xuyên Việt với những kỷ niệm khó quên với các đồng nghiệp, và đặc biệt khi đoàn lần đầu tiên được đến Cần Thơ để thực hiện sứ mệnh xây dựng những chiếc “máy cái” đầu tiên cho Ngành CNTT Việt Nam.
(Ảnh: chuyến đi xuyên Việt của GS Nguyễn Thúc Hải, PGS Đỗ Trung Tuấn và TS Quách Tuấn Ngọc)
Và kết quả là đã có 7 Khoa CNTT trọng điểm được thành lập trong năm 1995 (thời gian cụ thể khác nhau tùy theo quyết định của từng trường) gồm:
- Khoa CNTT và Truyền Thông, ĐH Cần Thơ (Chủ nhiệm Khoa: ThS Võ Văn Chín); 23/08/1994 là ngày kỷ niệm thành lập Khoa.
- Khoa CNTT, ĐH KHTN Tp.HCM (Chủ nhiệm Khoa: GS Hoàng Văn Kiếm); 04/1995 là kỷ niệm thành lập Khoa.
- Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính (KH&KT MT), ĐH Bách Khoa Tp.HCM (Chủ nhiệm Khoa: GS Phan Thị Tươi), được thành lập vào năm 1993.
- Khoa CNTT, ĐH Bách Khoa Đà Nẵng (Chủ nhiệm Khoa: PGS Phan Huy Khánh).
- Khoa CNTT, ĐH Khoa học Huế (Chủ nhiệm Khoa: PGS Lê Mạnh Thạnh). Khoa được thành lập vào 13/12/1994, nhưng chính thức đi vào hoạt động vào 01/06/1995.
- Khoa CNTT, ĐH Tổng hợp HN (Chủ nhiệm Khoa: PGS Hồ Sỹ Đàm). Khoa được thành lập vào ngày 22/2/1995.
- Khoa CNTT, ĐH Bách Khoa HN (Chủ nhiệm Khoa: GS Nguyễn Thúc Hải), Thành lập vào năm 1995.
(Ảnh: Các Chủ Nhiệm khoa đầu tiên)
GS. Nguyễn Thúc Hải cho biết: “lúc đó chưa thành lập các ĐH Quốc gia và ĐH vùng. Đến năm 2006 ĐHQG-HCM đã thành lập thêm Trường ĐH CNTT (do GS. Hoàng Văn Kiếm làm Hiệu Trưởng) trong khi vẫn giữ nguyên 2 Khoa CNTT ở 2 trường thành viên ĐHKHTN và ĐHBK. Còn ở ĐHQG-HN, ĐH Tổng hợp danh tiếng đã bị chia tách thành 3 trường thành viên: ĐH KHTN, ĐH KHXH&NV và ĐH Công nghệ. Khoa CNTT trở thành đơn vị trực thuộc ĐH Công nghệ)”.
“Thấm thoắt hơn 25 năm, dù đối với một con người hay một cơ sở đào tạo, vẫn chỉ là giai đoạn "start-up", thành công hay thất bại đều đang ở thì tương lai. 5 năm nữa mới đến tuổi "tam thập nhi lập", cụ Khổng Khâu bảo thế”, GS. Nguyễn Thúc Hải chia sẻ với tâm trạng vẫn “hy vọng”, vẫn “mong chờ” về tương lai của Ngành CNTT Việt Nam hướng đến trong 5 năm tới để kỷ niệm tròn 30 năm.
GS. Nguyễn Thúc Hải chia sẻ và có ý kiến thêm rằng: “Mỗi thời mỗi khác, đều có những thuận lợi và khó khăn riêng. Thời của thế hệ đi trước, 7 Khoa thực sự là đại diện xứng đáng cho hoạt động đào tạo bậc cao về CNTT của cả nước, chỉ có sự phối hợp mà chưa có sự cạnh tranh bởi chưa hình thành thị trường nhân lực CNTT. Nhưng bây giờ thì khác, mặc dù 7 Khoa đã có nhiều thay đổi cả về lượng và về chất, nhưng bên cạnh đã xuất hiện hàng loạt anh tài, đặc biệt từ khối ngoài công lập bao gồm cả cá các ĐH nước ngoài, nên cuộc đua về tuyển sinh, về "đại học nghiên cứu" nhằm chia sẻ thị trường đào tạo nhân lực sẽ ngày càng gay cấn.”
Dù sao đi nữa thì lịch sử sẽ ghi nhận vai trò và sự đóng góp của 7 Khoa vào sự phát triển của CNTT Việt Nam nói chung và CNTT trong GD&ĐT nói riêng. Với 7 khoa CNTT trọng điểm ban đầu đến giờ vẫn là cỗ máy cung cấp nguồn nhân lực CNTT chủ lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành CNTT Việt Nam.
Đến nay, một số trong 7 Khoa ban đầu đã có những thay đổi về tên gọi và đơn vị trực thuộc, cụ thể là:
-
Khoa CNTT và Truyền Thông, ĐH Cần Thơ (Chủ nhiệm Khoa: PGS. TS Nguyễn Hữu Hoà)
-
Khoa CNTT, ĐH KHTN, ĐHQG-HCM (Chủ nhiệm Khoa: TS Đinh Bá Tiến)
-
Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính, ĐH Bách Khoa, ĐHQG-HCM (Chủ nhiệm Khoa: PGS. TS Phạm Trần Vũ)
-
Khoa CNTT, ĐH Bách Khoa, ĐH Đà Nẵng (Chủ nhiệm Khoa: PGS. TS Nguyễn Tấn Khôi)
-
Khoa CNTT, ĐH Khoa học, ĐH Huế (Chủ nhiệm Khoa: PGS. TS Hoàng Quang)
-
Khoa CNTT, ĐH Công nghệ, ĐHQG-HN (Chủ nhiệm Khoa: PGS. TS Lê Sỹ Vinh)
-
Viện CNTT và Truyền Thông, ĐH Bách Khoa HN (Viện trưởng: PGS. TS Tạ Hải Tùng)
(Ảnh: Các Chủ Nhiệm khoa đương nhiệm)
Cuối cùng, GS. Nguyễn Thúc Hải nhân kỷ niệm 25 năm “ngày khai sinh” và sự phát triển 7 Khoa CNTT “những chiếc máy cái đầu tiên” của Ngành CNTT Việt Nam với lời chúc mừng đến các đồng nghiệp, các 7 Khoa CNTT nhân sự kiện trọng đại này.
(Theo thông tin và Ảnh từ GS. Nguyễn Thúc Hải & Tổng hợp).