Một nhà nghiên cứu bảo mật đã phát hiện ra một phần mềm độc hại đánh cắp bitcoin và tiền điện tử từ những người dùng có tham gia giao dịch “tiền ảo”.
Xuất hiện phần mềm độc hại trên Android nhắm đến ‘ăn cắp tiền ảo’
Nguyên nhân của việc khai thác này là vì các địa chỉ ví tiền điện tử được tạo thành từ các chuỗi ký tự dài ngẫu nhiên rất khó nhớ vì lý do bảo mật. Chính vì vậy, người dùng thường thích sao chép và dán địa chỉ ví của mình bằng cách sử dụng clipboard hơn là gõ chúng ra. Và phần mềm độc hại đã “tận dụng thói quen” này để “ăn cắp tiền ảo”.
Để làm điều này, hacker trước tiên sẽ “câu” người dùng cài đặt một ứng dụng độc hại mạo danh dịch vụ tiền điện tử hợp pháp có tên là MetaMask. Lưu ý là MetaMask là một dịch vụ có thật nhưng phiên bản hợp pháp của MetaMask chỉ có sẵn dưới dạng tiện ích mở rộng trình duyệt web cho Chrome, Firefox, Opera hoặc Brave và chưa được ra mắt trên bất kỳ cửa hàng ứng dụng di động nào.
Sau khi người dùng cài đặt bản MetaMask “dỏm” này, mỗi khi người dùng sao chép địa chỉ ví tiền điện tử của mình vào bộ nhớ, chúng sẽ được đổi thành địa chỉ ví của hacker. Google đã gỡ bỏ ứng dụng độc hại này gần như ngay lập tức sau khi được Stefanko thông báo.
Có thể nói vấn đề “tiền ảo” vẫn đang được bàn tán rất nhiều dù giá đã giảm mạnh so với năm trước. Các ứng dụng như MetaMask “dỏm” ở trên sẽ vẫn có thể xuất hiện trở lại với diện mạo mới trên chợ ứng dụng Play Store hay thậm chí là Appstore.
Một sự kiện khác cũng liên quan đến “tiền ảo” diễn ra tuần trước cho thấy việc sở hữu những đồng tiền này có thể làm người dùng “mất trắng” bất kỳ lúc nào. Đó là việc khách hàng của sàn giao dịch bitcoin lớn nhất Canada QuadrigaCX đã mất 145 triệu đô la tiền điện tử sau cái chết bất ngờ của chủ sở hữu trang này, người duy nhất có quyền truy cập vào ví lưu trữ ngoại tuyến của công ty. Sự việc vẫn đang được điều tra khi một số người dùng và nhà nghiên cứu cho rằng vụ việc có thể là một trò lừa chiếm đoạt tài sản.
Theo Ictnews.vn