Tác giả phần mềm diệt virus “made in Vietnam” BKAV cho rằng, nếu không hiểu rõ vấn đề thì khi gặp sự cố, tốt nhất nên cầu viện đến chuyên gia hoặc đơn vị hỗ trợ chuyên nghiệp.
Dẫn ra câu chuyện về máy tính và virus, ông Nguyễn Tử Quảng cũng muốn chứng minh thực tế đó không khác xa mấy so với tình hình an ninh mạng tại Việt Nam. “Thực chất vấn đề không nằm ở thiết bị và công nghệ mà điểm mấu chốt là sự nhận thức và phương pháp. Đa phần doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị khi xây dựng hệ thống chỉ loay hoay với câu hỏi nên mua sản phẩm, thiết bị, giải pháp của hãng nào mà không nghĩ rằng cần phải có thiết kế, tư vấn, triển khai và quy trình chuyên nghiệp để đảm bảo vận hành hệ thống trơn tru”, ông Quảng cho biết. “Khi làm đúng bài bản, mọi việc đơn giản hơn rất nhiều”.
Tại hội thảo an ninh mạng và bảo mật dữ liệu 2007 do IDG và Tổng cục kỹ thuật (Bộ Công an) tổ chức, không ít lần hình ảnh xây cất một ngôi nhà với bản quy hoạch chi tiết và những tính toán từ đào móng, xây dựng đến lắp đặt hệ thống khóa cửa ra sao được nhiều diễn giả sử dụng để minh họa cho vấn đề thiết lập và phòng vệ an toàn của một hệ thống mạng. “Xây nhà phải có thiết kế tổng thể thì đối với hệ thống công nghệ thông tin cũng vậy. Cũng là những đòi hỏi về xây dựng chính sách để đảm bảo an ninh an toàn, triển khai các giải pháp kỹ thuật dù tốn nhiều công sức. Chỉ có như vậy, quản trị mạng mới không rơi vào thế bị động”, Cục trưởng Công nghệ tin học nghiệp vụ, Bộ Công an, Nguyễn Viết Thế nói.
"Tôi cho rằng, sự phức tạp trong an toàn an ninh mạng có 3 vấn đề tồn tại chính. Đó là hành lang pháp lý chưa đầy đủ, người sử dụng tự phức tạp hóa vấn đề với việc thiếu chuyên nghiệp trong xử lý tình huống, trong khi các công ty bán thiết bị góp phần làm nhiễu thông tin thị trường", ông Nguyễn Tử Quảng phân tích.
Nhiều chuyên gia cũng đồng quan điểm với người đứng đầu BKIS. Trong năm 2006, hầu hết vụ việc xâm phạm, phá hoại an ninh mạng đều bị cơ quan chức năng tìm ra thủ phạm, hacker giấu mặt. Tuy nhiên, việc xử lý chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính bởi thiếu các chế tài cần thiết, làm mất hiệu quả tính răn đe.
“Trong bộ luật tố tụng hình sự dù đã được bổ sung vài điều về tội phạm máy tính nhưng còn rất mờ nhạt, chưa đủ mạnh để trấn áp hay truy cứu trách nhiệm hình sự đối với loại hình tội phạm mạng”, ông Nguyễn Viết Thế thừa nhận. “Đây là một trong những nguyên nhân lớn khiến giới hacker xấu hoành hành. Bộ Công an và Tư pháp đang phối hợp để sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực này”.
Theo nhiều dự báo được đưa ra tại hội nghị, điểm nóng của bảo mật năm 2007 sẽ là thiết bị di động. Sự phổ biến của điện thoại thông minh sẽ thôi thúc tội phạm chuyển mục tiêu từ môi trường máy tính sang thiết bị thoại cầm tay. Những công nghệ kết nối không dây như Bluetooth và Wi-Fi ẩn chứa nhiều mối đe dọa không nhỏ. Trung tâm VNCERT cũng cảnh báo về xu hướng tội phạm thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ tập trung vào các vụ việc lừa đảo quốc tế qua e-mail, làm giả, mua hàng, rửa tiền qua thẻ tín dụng, phát triển các mạng máy tính ma để tấn công từ chối dịch vụ, bảo kê hệ thống thương mại điện tử, gửi thư rác vào không gian mạng trong nước với quy mô lớn...
Theo Vnexpress