Được biết, lần đầu tiên ý tưởng đề xuất thành lập câu lạc bộ hoặc hội các khoa, trường, viện CNTT-TT Việt Nam đã được PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra tại Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực CNTT trong điều kiện xây dựng Việt Nam thành quốc gia mạnh về CNTT" diễn ra ngày 21/4/2011 tại Hà Nội.
Tiếp đến, ngày 19/12/2012, tại Hội thảo "Đào tạo, nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực CNTT giai đoạn 2013 - 2015" tại TP.HCM, lại có đề xuất thành lập câu lạc bộ và tiến tới hội/hiệp hội đào tạo CNTT. Ngay tại hội thảo này, lãnh đạo Bộ TT&TT rất tán đồng đề xuất thành lập Câu lạc bộ FISU, sau đó đã tích cực các bước để chuẩn bị triển khai… Hội Tin học Việt Nam cũng vào cuộc và làm đầu mối thành lập Câu lạc bộ này để đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện và giám định nghề nghiệp về chuẩn, hình thức và nội dung, chương trình đào tạo CNTT-TT.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ngày 28/3/2017, Diễn đàn Câu lạc bộ FISU-ICT tại địa chỉ fisu-ict@googlegroups.com đã ra mắt với 40 thành viên là đại diện các khoa CNTT. Chỉ sau ít ngày sau, diễn đàn đã có tới gần 100 thành viên từ các trường đại học trong cả nước. Ngày 29/3/2017, diễn đàn đã gửi thông báo chính thức với cộng đồng CNTT-TT Việt Nam (ICT-VN) về việc hình thành Câu lạc bộ FISU và triển khai các thủ tục cần thiết.
Ngày 27/1/2018, Hội nghị Ban Chấp hành Hội Tin học Việt Nam đã nhất trí biểu quyết thành lập Câu lạc bộ FISU. Ban vận động thành lập đã hoàn thành những công việc cuối cùng để chuẩn bị Đại hội lần thứ nhất Câu lạc bộ FISU vào ngày 6/4/2018 tại Hà Nội. Trang thông tin về Câu lạc bộ đã chính thức ra mắt tại địa chỉ www.FISU.edu.vn.
Trao đổi với ICTnews về sự kiện này, ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam (VAIP) cho biết: “Đã hơn 9 năm ý tưởng hình thành câu lạc bộ các khoa, trường, viện CNTT-TT được trao đổi giữa các lãnh đạo chủ chốt ở các đơn vị có đào tạo CNTT-TT để có sự quan tâm, phối hợp và gắn kết thực sự giữa các đơn vị. Trước đây, giữa các đơn vị còn thiếu sự cộng tác, hỗ trợ nhau, chia sẻ chương trình đào tạo, giáo trình, nguồn lực... Thậm chí, những năm 2000, việc dịch một cuốn sách CNTT-TT nên như thế nào, ai dịch, ai biên tập hiệu đính đều hầu như thiếu sự xem xét bàn bạc để có một cuốn sách dịch hoặc một giáo trình có chất lượng cao. Trong khi ở nước ngoài thì sự hợp tác giữa các đơn vị hàn lâm là rất bình thường và có lợi cho tất cả các bên.
Sự ra đời của FISU sẽ đánh dấu một mốc mới cho cộng đồng các cơ sở đào tạo, nghiên cứu CNTT-TT ở Việt Nam, là nơi tụ hội, kết nối, định hướng, chia sẻ về đào tạo và nghiên cứu, thống nhất tiếng nói chung trong các hoạt động phát triển giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT - TT của nước nhà, mang lại lợi ích chính đáng cho các thành viên, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội, góp phần đưa Việt Nam sánh vai các cường quốc CNTT-TT trên thế giới”.
Hiện cả nước đã có trên 200 khoa CNTT, và đã có nhiều trường chuyên đào tạo CNTT như Đại học CNTT, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học FPT… sắp tới có Đại học CNTT – Đại học Đà Nẵng.
Theo Ictnews.vn