Ông Nguyễn Đình Thắng
Ví điện tử, thanh toán điện tử, thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt là những cụm từ được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần thời gian gần đây, trở thành “từ khóa nóng” về tìm kiếm liên quan đến hoạt động tài chính ngân hàng.
Trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho hơn 20 ví điện tử hoạt động, trong đó có những cái tên đã trở nên quan thuộc với nhiều người dùng như là Momo, Bankplus, Ví Việt, Wepay (tiền thân là Sohapay)…Mỗi ví điện tử đều được doanh nghiệp của họ đề ra chiến lược phát triển riêng và phục vụ những phân nhóm khách hàng riêng.
Chia sẻ với chúng tôi mới đây, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng LienVietPostBank, cho biết, thế giới đang bước vào Cuộc cách mạng 4.0 với nền tảng công nghệ IoT, BigData, Cloud, và các Doanh nghiệp, ngân hàng - tài chính Việt Nam muốn hội nhập, phát triển thì nhất thiết phải chuyển đổi mô hình kinh doanh, ứng dụng công nghệ cao trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, phân phối...
Với mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ và ngân hàng của mọi nhà, ngân hàng này đang tập trung xoay quanh 4 trụ cột chính: quy mô tổng tài sản, quản trị nguồn nhân lực, hiện đại hóa và quản trị điều hành theo chuẩn mực quốc tế. Chiến lược để đạt được mục tiêu này là xây dựng mạng lưới của ngân hàng rộng khắp và ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại để nâng cao chất lượng dịch vụ, cung cấp các dịch vụ ngân hàng, sản phẩm bán lẻ đến tất cả các đối tượng, đặc biệt là vùng nông thôn trên toàn quốc; Xây dựng và phát triển ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt và tiến tới xây dựng Ngân hàng số. Và ông cũng tiết lộ sẽ phát triển Ví Việt thành ngân hàng số của LienVietPostBank.
Ví Việt có chức năng là ví điện tử, cổng thanh toán điện tử, phương tiện thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt trên smartphone hay website, phục vụ cho mọi tầng lớp người dân, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp, tổ chức.
Người dùng có thể dễ dàng thanh toán hóa đơn, mua sắm trực tuyến, trả tiền hàng hóa, dịch vụ, nạp tiền điện thoại, chuyển tiền, nhận tiền, nạp tiền vào Ví Việt và rút tiền mặt từ tại điểm giao dịch hay qua tài khoản thanh toán/thẻ ATM, chuyển tiền từ Ví Việt đến tài khoản Ngân hàng nội địa một cách nhanh chóng, an toàn, tiện ích, mọi lúc, mọi nơi.
Từ tháng 1/2018, người sử dụng Ví Việt có thể thực hiện các dịch vụ ngân hàng online như: Gửi tiền tiết kiệm, truy vấn, sao kê tài khoản, tất toán sổ tiết kiệm, vay tiêu dùng cá nhân và nhiều dịch vụ tiện ích khác của Ngân hàng.
Trong khi đó theo ông Lê Quốc Sử, giám đốc Ví Việt, sau hơn 1 năm triển khai, ví điện tử của ngân hàng này đã kết nối thanh toán với nhiều đối tác như điện lực, cấp nước, các công ty Viễn thông, đại lý bán vé máy bay, xe khách, nhà hàng, khách sạn, chung cư, trường Đại học, công ty bảo hiểm, cho vay tài chính...
Tại thời điểm 15/12/2017, Ví Việt là có hơn 2 triệu người dùng (User) và hơn 16.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc. Tổng số giao dịch trong 1 tháng của Ví Việt hiện ở mức 1.000 tỷ. Kế hoạch năm 2018 là đạt 3,5 triệu người dùng và 30.000 điểm chấp nhận thanh toán.
Theo Cafef.vn