Theo Cổng thông tin Bộ Công an, Dự thảo Luật An ninh mạng gồm 8 chương, 55 điều, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về an ninh mạng; phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm an ninh mạng, phát triển lĩnh vực an ninh mạng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng, xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh. Triển khai công tác an ninh mạng trên phạm vi toàn quốc, đẩy mạnh công tác giám sát, dự báo, ứng phó và diễn tập ứng phó sự cố an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Trình bày tờ trình dự thảo Dự án Luật, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, dự thảo Luật An ninh mạng quy định các hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội được quy định trong 7 điều. Cụ thể là: việc xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động, gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin, tài liệu có nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước, thông tin cá nhân trên không gian mạng; Phòng, chống tấn công mạng; Phòng, chống khủng bố mạng; Phòng, chống chiến tranh mạng; Tình huống nguy hiểm về an ninh mạng; Các biện pháp áp dụng khi gia tăng nguy cơ xảy ra tình huống nguy hiểm về an ninh mạng.
Dự thảo cũng quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng không gian mạng; Trách nhiệm của chủ thể sản xuất, kinh doanh thiết bị số và cung cấp dịch vụ mạng, ứng dụng mạng; Trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet; Trách nhiệm của cơ quan chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; Trách nhiệm của Bộ Công an; Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng; Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông; Trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan.
Trong đó, các tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng không gian mạng phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ an ninh mạng; phát hiện, cung cấp kịp thời những thông tin liên quan đến bảo vệ an ninh mạng đến cơ quan có thẩm quyền hoặc Công an nơi gần nhất; giúp đỡ tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức và người có trách nhiệm tiến hành các biện pháp bảo vệ an ninh mạng; tố cáo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…
Trong Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội cho biết, trong tình hình hiện nay, các thế lực thù địch, một số loại tội phạm, một số đối tượng khác đã và đang sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi phá hoại, trục lợi hoặc xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân, nhất là trong điều kiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, công tác quản lý còn nhiều sơ hở và hệ thống chính sách chưa đồng bộ, thì việc ban hành Luật An ninh mạng là rất cần thiết.