Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng chủ trì buổi tọa đàm "Triển khai, áp dụng chuẩn kỹ năng CNTT" vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Buổi tọa đàm “Triển khai, áp dụng chuẩn kỹ năng CNTT” được Bộ TT&TT tổ chức ngày 12/9 tại Hà Nội nhằm đánh giá tình hình triển khai, áp dụng chuẩn kỹ năng CNTT trong thời gian qua và đề phương án triển khai phù hợp trong thời gian tới.
Với mục tiêu chuẩn hóa nguồn nhân lực CNTT, lần lượt vào các năm 2014 và 2015, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư 03 quy định chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT và Thông tư 11 quy định chuẩn kỹ năng CNTT chuyên nghiệp. Để triển khai chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT tại các đại học, các cơ sở giáo dục, vào trung tuần tháng 6/2016, Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư liên tịch 17 tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng CNTT.
Thông tư liên tịch 17 quy định rõ, sẽ xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và phần mềm quản lý thi quốc gia nhằm đảm bảo sự thống nhất về đề thi, chấm thi trên phạm vi cả nước. Bộ GD&ĐT có trách nhiệm chủ trì xây dựng, quản lý và vận hành ngân hàng câu hỏi thi quốc gia và phần mềm quản lý thi quốc gia. Ngân hàng câu hỏi thi và phần mềm quản lý thi quốc gia sẽ được thẩm định và thông qua bởi Hội đồng thẩm định liên Bộ do Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ TT&TT.
Nhấn mạnh việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và phần mềm quản lý thi quốc gia phù hợp với xu thế của quốc tế, Phó Cục trưởng Cục CNTT - Bộ GD&ĐT Tô Hồng Nam cho biết, ngân hàng câu hỏi sẽ được dùng chung và các câu hỏi được xây dựng theo hướng mô phỏng thực hành. Đây là phương pháp kiểm tra tiến tiến, hiện đang được tổ chức thi, cấp chứng chỉ quốc tế như Microsoft, ECDL của châu Âu… áp dụng.
Theo ông Nam, ngân hàng câu hỏi này sẽ có đủ 6 module cơ bản và 9 module nâng cao theo đúng chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT được quy định tại Thông tư 03. Khi ngân hàng câu hỏi được thẩm định và thông qua, các trung tâm sẽ trở thành các “test site”, họ sẽ nhận đề thi từ ngân hàng câu hỏi dùng chung để tiến hành tổ chức thi và coi thi.
“Về phần mềm quản lý thi, từ ngân hàng câu hỏi chung, hệ thống sẽ đưa ra các đề thi ngẫu nhiên, do đó sẽ đảm bảo các thí sinh ngồi cạnh nhau trong 1 phòng thi có đề khác nhau. Phần mềm này cũng có thể thực hiện chấm thi tự động; quản lý điểm, thống kê được thí sinh đã thi những bài thi nào, module nào cũng như quản lý chứng chỉ được cấp” ông Tô Hồng Nam cho hay.
Hiện tại, ngân hàng câu hỏi thi và phần mềm quản lý thi quốc gia câu hỏi thi quốc gia về chuẩn kỹ năng CNTT đã bước đầu được hình thành, Bộ GD&ĐT dự kiến tiến hành chạy thử nghiệm, rà soát trong năm 2017.
TS. Đàm Quang Minh, chuyên gia đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục.
Góp ý tại buổi tọa đàm “Triển khai, áp dụng chuẩn CNTT”, TS. Đàm Quang Minh, cựu Hiệu trưởng trường Đại học FPT và hiện đang công tác tại Tổ chức giáo dục Hoa Kỳ, người đã có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhận định, nhu cầu sát hạch kỹ năng CNTT là nhu cầu rất lớn của xã hội không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Theo ông Minh, không phải vô cớ mà hiện nay thuật ngữ xóa mù về CNTT được nêu trong các báo cáo của Liên Hợp Quốc. Bộ kỹ năng chuẩn của thế kỷ 21 cũng gồm có ICT Technology, bắt buộc chúng ta phải thực hiện xóa mù về CNTT.
Đánh giá về các chuẩn kỹ năng quy định tại Thông tư 03 và Thông tư 11 của Bộ TT&TT, TS. Đàm Quang Minh nhận định, về mặt cấu trúc, chuyên môn, khung năng lực này đã được các chuyên gia xây dựng tương đối tốt, theo đúng ngôn ngữ của phát triển chương trình.
“Tuy nhiên, có một vấn đề là CNTT phát triển nhanh. Thông tư 03 ra đời năm 2014. Như vậy, đâu đó nó được phát triển khoảng năm 2013. Theo thông lệ phát triển chương trình với những chương trình, cứ sau 2 năm xây dựng thì chương trình phải có sự đổi mới, cập nhật. Do đó, mặc dù về chuyên môn là tương đối tốt, nhưng đâu đó, quy định chuẩn kỹ năng này đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu lạc hậu”, ông Minh nhận xét.
TS. Đàm Quang Minh cho rằng, chắc chắn phải siết chặt việc tổ chức thi, cấp chứng chỉ kỹ năng CNTT (Ảnh minh họa. Nguồn: giaoducthoidai.vn)
Đồng thuận với ý kiến của các đại biểu dự tọa đàm về tầm quan trọng của việc xây dựng bộ ngân hàng câu hỏi thi chung và phần mềm mô phỏng, vị chuyên gia giáo dục này nhấn mạnh, có làm như thế , chất lượng sát hạch cấp chứng chỉ mới được đảm bảo.
Cũng theo chia sẻ của TS. Đàm Quang Minh, thực tế, khung chuẩn nhất trên thế giới hiện nay là khung của tổ chức ECDL (European Computer Driving Licence) của châu Âu. Trong hàm nghĩa của “ECDL” có cụm từ “Driving Licence” - bản chất tổ chức này coi chứng chỉ CNTT như bằng lái xe và họ triển khai sát hạch cấp chứng chỉ giống như vậy.
Cho rằng việc sát hạch cấp bằng lái xe tại Việt Nam hiện nay đang được thực hiện tương đối tốt, ông Minh cho rằng Việt Nam có thể học tập theo mô hình đó - có một phần mềm tập trung dạng mô phỏng được đầu tư tương đối tốt để có thể kiểm soát được chất lượng và chúng ta tổ chức các Trung tâm sát hạch.
Ông Minh cũng nhấn mạnh: “Cần lưu ý là Trung tâm sát hạch chỉ làm nhiệm vụ sát hạch. Còn việc học tập, người học có thể học theo thầy, học online, học ở các trung tâm… nhưng làm sao đạt được kết quả cuối cùng, vượt qua được kỳ thi của Trung tâm sát hạch thì họ được cấp chứng chỉ”.
Khẳng định quan điểm chắc chắn phải siết chặt việc tổ chức thi, cấp chứng chỉ kỹ năng CNTT, ông Minh cũng đề nghị phải thường xuyên kiểm định các Trung tâm sát hạch và số lượng các Trung tâm sát hạn chỉ cần ít. Vị chuyên gia này cho rằng số lượng Trung tâm sát hạch khoảng 300, được đặt tại các trường đại học và các Sở GD&ĐT như quy định hiện nay, là tương đổi đủ.
“Các Trung tâm đào tạo CNTT có thể mở rộng, đào tạo ở đâu cũng được. Tuy nhiên, khi người học muốn có chứng chỉ thì họ bắt buộc phải tham gia vào các kỳ thi do các Trung tâm.sát hạch tổ chức”, ông Minh nêu ý kiến.
Theo Ictnews.vn